Gia đình là khởi nguồn sinh ra con người, nuôi dưỡng con người từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành. Sự trưởng thành ấy có bền vững hay không đều xuất phát căn bản từ những bước khởi đầu trong gia đình.
Dạy con từ thuở còn thơ là hạnh phúc mai sau của mỗi gia đình. Ảnh: Ngô Khải Hoàng |
Mới đây, em họ của tôi sau khi lấy chồng được vài tháng thì về lại nhà mẹ đẻ. Trong vòng tay ba mẹ, em ấm ức kể lể những khó khăn khi phải sống chung với gia đình chồng. Mẹ xót con, hết mực dỗ dành, quay sang trách móc gia đình sui gia. Ba em bình tĩnh hơn, có lẽ đã hiểu tính nết của con gái nên chỉ thở dài. Nhà chồng em chỉ có ba mẹ chồng và 2 anh em trai, chồng em là con đầu. Ông bà là công chức Nhà nước nên sáng đi, chiều về. Nhìn gia đình sui gia, ba em biết, “chuyện nhà” mà em than vãn chỉ là vì em đã quen được nuông chiều.
Ngày còn ở với cha mẹ, em không bao giờ thức dậy trước 8 giờ sáng; quần áo bẩn chất đống khi nào thích giặt thì giặt; chuyện quét nhà, lau nhà... với em là “xa xỉ”. Mẹ chồng em là người phụ nữ kim chỉ, giỏi nữ công gia chánh. Ngay tối em mới về làm dâu, bà tỉ tê chia sẻ với em công chuyện trong nhà. Bà chỉ cần mỗi ngày con thức dậy nấu sẵn ấm nước chè xanh, quét nhà sạch sẽ rồi hãy đi làm. Chiều về, mẹ con cùng xuống bếp nấu bữa cơm ấm nóng. Chuyện tưởng dễ nhưng với em là quá sức.
Em bảo, em không quen dậy sớm, em không muốn ngày nào cũng phải vào bếp nấu ăn, thời đại nào rồi mà còn buộc phụ nữ những việc như vậy... Ở nhà chồng mà em vô tư “ship” đồ ăn về cả sáng, trưa, tối. Nhà chồng có thói quen sinh hoạt tại phòng khách sau mỗi bữa ăn để chuyện trò, chia sẻ, em lại không muốn tham gia với lý do: “Em đau lưng nên không muốn ngồi lâu”. Nhìn vẻ mặt sững sờ, hụt hẫng của ba mẹ khi nghe con dâu nói như vậy, chồng em chỉ biết cúi mặt. Chưa bị ai trong nhà trách móc, em đã trách ngược: “Lối sống của nhà anh phong kiến quá. Ở nhà em, ai thích làm gì thì làm, khi nào đói thì ăn chứ không nhất thiết phải quây quần “lên mâm lên bát”. Nhà cửa khi nào khỏe thì dọn chứ làm gì mà ngày nào cũng phải quét nhà, lau bàn lau ghế. Thời nào rồi mà còn...”.
Chuyện của em tôi không phải là cá biệt trong xã hội ngày nay. Có thể thấy rõ nhất là cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tác động rõ nhất là sự thiếu thốn và nguội lạnh của những bữa cơm gia đình. Giây phút bên nhau bị xén bớt, ít ỏi đến lạ lùng, không còn trông chờ đến bữa cơm chiều để tíu tít kể chuyện với mẹ cha. Ngôi nhà dường như đơn thuần là nơi tạm trú của một nhóm người có chung máu mủ ruột rà.
Trở lại với chuyện của em tôi. Suy nghĩ, quan điểm sống của em bắt nguồn từ chính gia đình mình. Cha mẹ em mải miết theo những chuyến xe buôn từ Nam ra Bắc. Hai chị em lớn lên thiếu vắng những bữa cơm gia đình, thiếu hẳn sự chỉ dạy tỉ mỉ, từ gấp gọn gàng cái chăn sau khi ngủ dậy đến lấy đồ ở đâu thì phải để lại ngay chỗ đó.
Tác phong, lối sống của mỗi người phải được xây dựng từ khi còn là đứa trẻ. Những thiếu hụt của em hôm nay là trách nhiệm chưa tròn của mẹ cha trong việc giáo dục con cái. Để xây dựng, phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của xã hội, trước hết chúng ta cần đặc biệt chú trọng giải quyết vấn đề gốc rễ là giáo dục con trẻ trong gia đình. Các bậc cha mẹ cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình, đồng thời thiết lập mạng lưới giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Hạt nhân của xã hội là gia đình, gia đình tốt thì xã hội mới tốt.
THẠCH LAM