Cảnh báo tình trạng dậy thì sớm ở trẻ

.

Những năm gần đây, tình trạng dậy thì sớm ngày càng phổ biển và có xu hướng gia tăng. Dậy thì sớm gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, khả năng phát triển chiều cao và ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn đến tình trạng này để phòng tránh việc dậy thì sớm ở trẻ.

Đến Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi mới thấy nhiều gia đình đang “dở khóc dở cười” về tình trạng trẻ phát triển quá nhanh, dậy thì sớm. Hầu hết các gia đình trước đây vui vì thấy con phát triển thuận lợi, chiều cao, cân nặng tăng nhanh so với bạn bè cùng trang lứa nhưng sau đó lại “phát hoảng” khi thấy trẻ lớn quá nhanh về thể chất, chênh lệch hẳn với sự phát triển tâm lý và trí tuệ.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) là một trường hợp như vậy. Gặp vợ chồng anh tại tầng 10 Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, dắt theo cô con gái nhỏ mới 5 tuổi chờ khám bệnh, trên gương mặt 2 người vợ chồng trẻ hằn rõ nét lo âu, thấp thỏm.

“Mới đầu thấy bé phát triển nhanh, gia đình rất vui, đến năm bé 3 tuổi, gia đình phát hiện bé có những dấu hiệu bất thường, đưa lên Bệnh viện Đa khoa thành phố Tam Kỳ khám, bác sĩ kết luận bé bị dậy thì sớm và hướng dẫn ra Bệnh viện Đại học Y dược Huế điều trị đã 2 năm nay. Để điều trị, bé cần tiêm thuốc hằng tháng nên nay gia đình xin chuyển về Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để tiện đi lại. Giờ chỉ mong con được phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa”, anh Quang chia sẻ.

Đời sống xã hội ngày càng phát triển, người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vẫn đề sức khỏe. Theo các nhân viên y tế, những năm trở lại đây tình trạng trẻ dậy thì sớm xuất hiện ngày một nhiều hơn, số trường hợp đến khám mới qua các năm cũng ngày một tăng lên, chứng tỏ vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của xã hội, nhất là các bậc phụ huynh.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận 290 trường hợp khám mới (trong đó 140 trường hợp nhập viện, tổng lượt khám cả bệnh nhân mới và cũ trong 6 tháng đầu năm 2020 là 1.420 trường hợp). Số trường hợp khám mới nửa đầu năm 2020 đã chiếm 83% trường hợp khám mới so với cả năm 2019 (350 trường hợp).

Theo ThS-BS Hoàng Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc sơ sinh, khoa Nhi Tổng hợp, độ tuổi trẻ dậy thì sớm thường dao động từ 2 đến 9 tuổi, tập trung nhiều nhất vào khoảng 6 đến 8 tuổi.

Tỷ lệ các ca dậy thì sớm ở bé gái nhiều và dễ phát hiện hơn bé trai. Các biểu hiện dậy thì sớm ở bé gái bao gồm ngực phát triển, mọc lông, hình dáng cơ quan sinh dục thay đổi và xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn trẻ phát triển bình thường.

Đối với bé trai, ba mẹ có thể thấy các dấu hiệu dậy thì sớm như bộ phận sinh dục phát triển, giọng trầm đi, mọc lông và có mụn trứng cá. Ngoài ra, khi hiện tượng dậy thì sớm xảy ra, ba mẹ có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển về chiều cao và cân nặng ở cả hai giới.

“Mặc dù trẻ dậy thì sớm sẽ phát triển hơn bạn cùng tuổi, nhưng càng về sau chiều cao của trẻ sẽ càng bị hạn chế. Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh chóng của xương, chu kỳ tăng trưởng của tuổi dậy thì bị rút ngắn đáng kể dẫn đến không có đủ thời gian để cơ thể phát triển bình thường. Do đó, đến độ tuổi trưởng thành, chiều cao cuối của trẻ dậy thì sớm sẽ thấp lùn hơn so với chiều cao di truyền của bé”, ThS-BS Thanh Thủy cho hay.

Về các nguyên nhân gây nên tình trạng dậy thì sớm, đối với nữ thường khó xác định, một số nguyên nhân xác định được là do bé bị các bệnh u buồng trứng, nang buồng trứng, u não. Đối với nam, nguyên nhân chủ yếu xác định được do tổn thương thần kinh trung ương.

Ngoài ra, các yếu tố môi trường, cụ thể là các sản phẩm của khoa học-công nghệ như: chất bảo quản thực phẩm, hóa chất kích mầm, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng và đặc biệt là chất độc hại từ sản phẩm nhựa; các nhân tố xã hội như sách, ảnh, phim, truyện về giới tính khi trẻ được sớm tiếp xúc cũng chính là một phần dẫn đến sự phát triển dậy thì sớm ở trẻ.

Cũng theo ThS-BS Thanh Thủy, để giảm nguy cơ trẻ gặp tình trạng dậy thì sớm, các bậc phụ huynh cần xây dựng cho con chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế cho trẻ ăn những món thịt từ gia súc, gia cầm có sử dụng chất tăng trọng, tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường cao như sôcôla, các loại bánh ngọt, nước ngọt và tránh các loại thức ăn bồi bổ quá mức khiến trẻ thừa dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, tạo cho trẻ một môi trường sống lành mạnh, sử dụng đồ nhựa an toàn, ngủ đủ giấc, tăng cường luyện tập thể dục-thể thao bằng các hoạt động như bơi lội, nhảy dây, đá bóng, đá cầu…

“Dậy thì sớm để lại nhiều hậu quả không tốt cho trẻ, do đó, các phụ huynh cần thường xuyên quan tâm tới sự thay đổi của con em mình để phòng tránh tác hại do việc dậy thì sớm gây ra. Nếu phát hiện con có các dấu hiệu dậy thì sớm, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn chữa trị. Ngoài ra, phụ huynh cần bình tĩnh, giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi đang diễn ra là hoàn toàn bình thường khi trẻ lớn lên, tránh gây tâm lý hoang mang, hoảng sợ cho trẻ”, ThS-BS Thanh Thủy khuyến cáo.

XUÂN DŨNG

 

;
;
.
.
.
.
.