Những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục đối với trẻ dưới 16 tuổi có chiều hướng gia tăng, gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho nạn nhân cũng như gia đình, làm không ít bậc cha mẹ lo lắng, bất an. Trẻ em cần được lớn lên và trưởng thành trong môi trường xã hội an toàn, được pháp luật bảo vệ.
Hãy để trẻ em được bảo vệ toàn diện. (Ảnh chụp tại một buổi sinh hoạt của trẻ em ở Cung Thiếu nhi Đà Nẵng) Ảnh: TIỂU YẾN |
Khuyến khích người dân “nói ra”
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có gần 70 vụ xâm hại trẻ em dưới các hình thức như: cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục được phát hiện, tố giác. Luật sư Nguyễn Phi Hùng, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng cho rằng, trẻ em chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý; nếu bị xâm hại, trẻ sẽ mất niềm tin vào xã hội, khó hòa nhập cộng đồng. Hầu hết trẻ từng bị xâm hại lớn lên rụt rè, nhút nhát, đa nghi, thiếu tự tin và dễ nổi giận. Với những tác động nghiêm trọng này, theo luật sư Hùng, cần có cơ chế khuyến khích người dân tố giác tội phạm về xâm hại, bạo hành trẻ.
Từng tham gia bảo vệ quyền lợi trẻ em trong các vụ án, luật sư Nguyễn Phi Hùng cho biết, những số liệu thể hiện trên văn bản chưa thể hiện hết tình trạng xâm hại trẻ em trong thời gian qua bởi có rất nhiều vụ không thể đưa ra xét xử vì thiếu chứng cứ, thiếu nhân chứng, gia đình nạn nhân e ngại không theo đuổi vụ việc tới cùng. Trong đó, không ít vụ việc xảy ra thời gian dài mới bị phát hiện; việc giám định gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đi vào ngõ cụt. Chưa kể các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ phần lớn là người quen như hàng xóm, bà con xa, bạn của gia đình. Các đối tượng này thường lợi dụng trẻ còn nhỏ, thiếu hiểu biết; lợi dụng gia đình thiếu quan tâm trẻ; hoặc lợi dụng mối quan hệ quen biết, dụ dỗ trẻ bằng vật chất hoặc dùng sức mạnh khống chế...
Thông qua việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, từ đầu năm 2019 đến nay, Viện KSND huyện Hòa Vang đã thụ lý, giải quyết 6 vụ án hình sự về xâm hại tình dục, trong đó có 4 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Một kiểm sát viên (xin giấu tên) công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hòa Vang cho rằng, trách nhiệm phòng, chống xâm hại tình dục trẻ cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý; chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em cần tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện vấn đề thực hiện quyền trẻ em.
Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn thể hiện tình yêu thương trẻ em của cộng đồng xã hội. Mỗi bậc cha mẹ cần quan tâm con cái trong độ tuổi dậy thì - độ tuổi có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục. Ngoài ra, cần hạn chế tối đa những tình huống có thể khiến con mình bị xâm hại như cho người lạ đến nhà ngủ qua đêm, hoặc cho con tiếp xúc với người lạ mà mình không thể kiểm soát. Gia đình, nhà trường phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, học tập của con em...
Theo bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, một trong những rào cản hoạt động bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại là phụ huynh thường có tâm lý giấu chuyện, sợ nói ra sẽ bị dị nghị, đứa trẻ xấu hổ, tổn thương thêm một lần nữa. Công tác bảo vệ trẻ em hiện tập trung vào hoạt động phòng ngừa, theo sát, nhận biết các dấu hiệu. Khi “tai nạn” xảy ra, gia đình và cơ quan chức năng cần có sự chia sẻ, đồng cảm, tìm phương pháp xử lý hiệu quả và ít làm trẻ tổn thương nhất.
Triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em
Tháng 6 vừa qua là Tháng hành động vì trẻ em có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, tổ chức, địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em, tích cực bảo vệ trẻ em trước bạo lực và xâm hại; hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em…
Song, việc bảo vệ trẻ em không chỉ được thực hiện trong Tháng hành động vì trẻ em, mà phải luôn chú trọng, cần lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động, bảo vệ trẻ em sống an toàn tại gia đình. Từng có hàng chục buổi nói chuyện với học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố về kỹ năng sống, đạo đức, bạo lực học đường…, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố cho rằng, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục con em; mềm dẻo trong ứng xử và dành thời gian quan tâm đến con, từ ăn ngủ, giờ giấc sinh hoạt, yêu đương đến thời lượng truy cập internet.
Cuối tháng 5 vừa qua, Trường THCS Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) phối hợp với Hội LHPN phường Thọ Quang tổ chức buổi truyền thông “Phòng chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường”. Không chỉ trao đổi, chia sẻ những câu chuyện về bình đẳng giới, chống xâm hại, nâng cao ý thức về giới cho học sinh, nhà trường còn phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng giới thiệu mô hình tủ sách lưu động, hình thành thói quen đọc sách, tra cứu thông tin, trải nghiệm phương pháp giáo dục Stem (trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), hướng tới lối sống lành mạnh trong học sinh.
Bà Mai Huyền Thu Hoài, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Sa cho hay, trường mới thành lập 4 năm; học sinh chủ yếu là con ngư dân, người lao động, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận kiến thức bình đẳng giới và hiểu về các hành vi xâm hại trẻ. Do đó, ngoài các hoạt động ngoại khóa kết hợp tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ do nhà trường tổ chức, Ban giám hiệu luôn khuyến khích các nhóm, lớp tự tổ chức chương trình ngoại khóa, giúp học sinh nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình và hoạt động này sẽ duy trì trong những năm học tới.
Về phía Viện KSND thành phố, nhằm tạo sức răn đe đối với các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ, tại Công văn số 138/VKS-P2 ngày 9-3-2020, đơn vị yêu cầu Viện KSND cấp quận, huyện thường xuyên báo cáo kết quả thụ lý, giải quyết tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; đồng thời tăng cường tuyên truyền qua các hình thức như: phiên tòa xét xử lưu động, viết bài trên trang tin điện tử, buổi nói chuyện phổ biến pháp luật, hoặc các hình thức khác, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình.
Đầu năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn số 57/UBND-SLĐTBXH về triển khai thực hiện kiến nghị của Đoàn Giám sát Quốc hội và Công điện của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, hội, đoàn thể và UBND các quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục... Đây là một trong những giải pháp kịp thời nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. |
TIỂU YẾN