Đá Ba Chồng nằm sát lề quốc lộ 20, gồm 3 tảng đá xếp chồng lên nhau. Tảng đá đế khá to, trải sâu vào phía bên trong có nhiều đá núi, tảng chồng tiếp theo lệch sang một bên, còn tảng chồng ở trên cùng chìa hẳn ra bên ngoài, trông rất chênh vênh.
Đá Ba Chồng chênh vênh trên độ cao 36 mét bên quốc lộ 20. Ảnh: THÁI MỸ |
Xe chạy qua khỏi cầu La Ngà, tôi chợt nhớ tới bài hát Trị An âm vang mùa xuân của nhạc sĩ Tôn Thất Lập vì khi thấy cây cầu La Ngà vắt ngang dòng sông cùng tên, chỉ xuôi thêm vài chục cây số nữa thì về tới hồ thủy điện Trị An, một công trình của sức trẻ được khởi công từ năm 1984 để cung cấp nguồn nước cho Nhà máy Thủy điện Trị An. Dù không phải lần đầu tới nơi đây nhưng tất cả với tôi đều xa lạ do mỗi lần đến đều cảm nhận sự đổi thay của mảnh đất này.
Từ cây cầu lịch sử La Ngà ngược theo quốc lộ 20 chừng hơn 10km, một tuyệt tác của thiên nhiên hiện ra trước mắt, buộc xe chúng tôi phải dừng lại để mải miết ngắm nhìn, đó là khu danh thắng Đá Ba Chồng, còn gọi Đá Chồng, nằm ở điểm đầu của thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Đây là một quần thể đá có nhiều hình thù kỳ lạ vô cùng thú vị. Có những tảng đá cứ tưởng do bàn tay con người can thiệp để có dáng vẻ kỳ bí, huyền hoặc lạ lùng nhưng thực sự là do tạo hóa ban tặng.
Theo các nhà nghiên cứu, quần thể Đá Ba Chồng được hình thành là do quá trình phong hóa và hoạt động của núi lửa miệng phễu hình ê-líp nghiêng nghiêng in dấu dòng dung nham rất lâu đời để ngày nay trở thành những ốc đảo um tùm cây cối của cánh rừng nhiệt đới. Đến đây, ta thỏa thích phóng tầm mắt để ngắm nhìn một vùng trập trùng đồi núi với vô vàn tảng đá lớn nhỏ lô nhô như một Vịnh Hạ Long trên cạn.
Từ ngọn Đá Ba Chồng nhìn về phía tây bắc là đỉnh Hòn Dĩa. Hòn Dĩa chính là tảng đá trông giống như chiếc dĩa to nằm chồng lên một tảng đá nhỏ hơn nhiều ở độ cao 43 mét so với mặt đất. Phía tây nam là ngọn Đá Voi với hai tảng song song, uy nghi, sừng sững giữa trời non, cách chùa Thiện Chơn khoảng 10 mét, được dân địa phương đặt tên là Voi đực, Voi cái.
Có câu chuyện dân gian rằng ngày xưa, nơi đây là rừng núi rậm rạp, hoang thú nhiều vô kể. Ngày nọ có đôi vợ chồng hổ trắng từ đâu dẫn về trú ngụ trong cái hang dưới chân Đá Voi khiến dân làng kinh hãi. Một thời gian khá dài không ai dám tới vùng này vì sợ hai con hổ.
Song, dần dần họ thấy đôi hổ rất hiền lành, hằng ngày chúng đi vào rừng sâu kiếm ăn, tối về lén sang sát chùa Thiện Chơn nghe gõ mõ, tụng kinh chứ không làm điều gì gây phiền phức cho dân làng. Rồi sau đó chẳng ai thấy hai con hổ nữa nên mới bảo đó là đôi hổ thần và lập bàn thờ cúng ngay tại cái hang chúng ở nên bây giờ mới có tên hang Bạch Hổ.
Trên đỉnh Voi đực có một pho tượng Phật Thích Ca, cao 20 mét nhìn về hướng đông được xây dựng mấy chục năm trước. Đứng trên tảng Đá Voi thắp nén nhang lên bàn thờ Phật trong ráng chiều hiu hiu gió, người cảm thấy nhẹ tênh. Ở trên đầu, mây lảng bảng một màu trắng chầm chậm trôi về phía biển thật êm đềm.
Nơi đây, vào năm 1986, các nhà khảo cổ đã khai quật, tìm thấy dấu tích, công cụ sản xuất, sinh hoạt bằng đá, đồng, đất nung người tiền sử về nền văn hóa Óc Eo của thềm cao nguyên Đông Nam Bộ.
Trải qua bao đời nay, Đá Ba Chồng vẫn hiên ngang, không chịu khuất phục trước sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian. Đá vẫn trơ gan thách thức, chông chênh im lìm, vẫn dầm mưa dãi nắng.
Sự can trường ấy làm Đá Ba Chồng càng thêm kiêu sa, quyến rũ, làm đắm say và níu chân bao người xa lạ, bởi: “Đá ơi! Ba Chồng sao một bóng?/ Ở bên đường chơ vơ/ Có phải đá mong chờ/ Người xưa về lối cũ”.
Tuy đã được xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia từ năm 1988 nhưng quần thể Đá Ba Chồng chỉ được xây dựng đơn sơ thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Định Quán một thời gian rồi trở thành hoang phế đến bây giờ. Nghe đâu có doanh nghiệp dự kiến đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khai thác thắng cảnh này nhưng gần 2 năm rồi cũng chỉ bóng chim tăm cá. Tiếc thật!
THÁI MỸ