Đời biển

"Bóng hồng" nơi cảng cá

.

Cảng cá Thọ Quang là cảng cá lớn nhất miền Trung, nằm giữa hai phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Đây là nơi mưu sinh của hàng trăm phụ nữ đủ các lứa tuổi. Từ nửa đêm gà gáy, bất kể ngày hè nóng bức hay ngày đông rét mướt, họ luôn có mặt ở cảng cá đúng giờ và mong mỏi những chuyến tàu trở về với khoang cá ắp đầy.

Bà Phạm Thị Lan (SN 1954, trú đường 3 Tháng 2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã 30 năm có lẻ mưu sinh ở cảng cá. Ảnh: Q.T
Bà Phạm Thị Lan (SN 1954, trú đường 3 Tháng 2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã 30 năm có lẻ mưu sinh ở cảng cá. Ảnh: Q.T

Những người phụ nữ của đêm

3 giờ sáng, khi nhà nhà còn đang chìm trong giấc ngủ thì cảng cá Thọ Quang đã bừng thức. Trong ánh sáng lờ nhờ còn chưa tỏ mặt người, những gương mặt lam lũ, già dặn gió sương thấp thoáng dưới chiếc mũ vải rộng vành trở nên tinh nhanh hơn mỗi khi có thuyền cập cảng. Hàng trăm phụ nữ đến đây từ sớm. Họ đợi thuyền cá hạ mỏ neo. Họ là tiểu thương mua bán, kiêm luôn xem hàng hóa và khuân vác, chở đá... Họ vất vả kiếm sống trong nắng gió mặn mòi của miền biển, ai cũng đen đúa, già sạm.

Nhưng điểm dễ nhận dạng nhất ở những phụ nữ mưu sinh nơi bến cá này là giọng nói trầm khàn, đục đục như đàn ông - có lẽ là hậu quả của nhiều năm gào thét, giành giựt, kiếm kế sinh nhai ở cảng cá.
1, 2 chiếc tàu cập cảng. Tiếng động cơ của ghe tàu dưới thuyền rền vang. Trong phút chốc cảnh mua bán, lời qua tiếng lại ồn ã, vang rộn một góc trời.

Hàng trăm người vây quanh những lưới cá đầy. Các “đầu nậu” thường được ưu tiên chọn lựa trước. Họ cũng là người to tiếng nhất ở đây, chỉ đạo bạn tàu nhanh tay phân loại, cân ký, bốc lên những chiếc xe tải đang chờ khởi hành. Những người buôn bán nhỏ ở các chợ trong thành phố cũng tranh thủ chọn mua mỗi người chừng vài chục ký cá tươi và chở nhanh bằng xe máy tỏa đi các chợ. Bà Phạm Thị Lan (SN 1954, trú đường 3 Tháng 2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã 30 năm có lẻ mưu sinh ở cảng cá.

Trong bộ quần áo bạc phếch, sũng nước, bà nhanh nhẹn chạy lại giáp mạn thuyền bắt đầu cuộc bán mua. Sau cuộc ngã giá, bà khệ nệ bưng khay cá đầy về chỗ ngồi của mình, thoăn thoắt phân loại. Những giọt nước buốt lạnh đọng ướt trên trán bà, nhỏ long tong xuống nền đất. “Đã kiếm kế sinh nhai ở cảng cá thì công việc nào cũng nặng nhọc. Tôi “đi cá” từ hồi mười mấy tuổi đầu đến chừ, hồi cảng cá còn ở bên Thuận Phước. Cơ cực nào rồi cũng quen, mỗi ngày chỉ mong thuyền về đầy cá là mừng rồi”, bà Lan nói.

Ngồi bên cạnh bà Lan, bà Đỗ Thị Nga (SN 1960, trú phường Thuận Phước) tiếp lời: “Chẳng có nghề nào cơ cực hơn nữa đâu, cô ạ. Bà Lan “đi cá” từ 3, 4 giờ sáng chớ tôi bỏ đá cho các tiểu thương nên 12 giờ đêm là tôi có mặt ở cảng cá rồi. Tôi đến trước khi các tàu cá cập bến. Một mình tôi kéo cả mấy chục cây đá lạnh, chặt nhỏ rồi xách đến từng hộ. Làm từ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau mới ngớt việc”.
Nói rồi, với con dao chặt đá, bà Nga thoăn thoắt chặt cây đá dài thành từng khúc, rồi lấy chày đập vụn, gói vào bao đem đến cho từng hộ.

Hàng chục nhát dao lên xuống như vậy không ai nghĩ người phụ nữ “chân yếu tay mềm” có thể làm nổi. Bà Nga cũng không đeo bao tay. Các ngón tay gặp đá lạnh, vọc nước đá, nước cá trở nên nhăn nheo, bong tróc, đỏ lừ. Hỏi bà “đá ăn tay” như vậy thì ngứa chịu sao nổi, bà nói tỉnh queo: “Ngứa kinh khủng lắm chớ. Mà công việc khẩn trương lắm nên nhiều khi không nhớ để đeo bao tay. Cứ về nhà là hai bàn tay ngứa ngáy, phải xức thuốc mới hết. Cả mấy chục năm ni rứa rồi”.

Quang cảnh hỗn độn ở cảng cá không khiến người ta “xây xẩm” bằng mùi cống rãnh, mùi cá lưu cữu đặc quánh, nồng nặc ở đây. Dễ chừng ai không quen sẽ thấy ngợp và khó thở. Vậy mà, hàng trăm phụ nữ ở đây chỉ khoảng vài ba người đeo khẩu trang, còn lại phơi mặt với gió trời, với hỗn tạp đủ thứ mùi. “Tụi tui quen rồi. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày khỏe cũng như ngày “dở người”, cứ đúng giờ là dậy đi làm, không có khái niệm đi làm lúc nửa đêm hay tờ mờ sáng. Chớ không đi thì đàn con ở nhà mần răng. Quanh đây chị nào cũng ít 4 đứa con, nhiều là 5, 7 đứa. Hoàn cảnh ai cũng nghèo”, bà Lan chia sẻ.

Phận nghèo nơi bến cá

Ở cảng cá có rất nhiều mảnh đời như bà Nga, bà Lan. Những phụ nữ ấy dường như quên đi phận chân yếu tay mềm mà sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc vì gia đình, vì chồng con. Chị Nguyễn Thị Hà (SN 1970, quê ở Quảng Trị, hiện trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) kể, chị làm việc ở cảng cá này hơn 10 năm. Từ 4 giờ sáng, chị ra bến cá thu mua, 8 giờ về đến chợ (sau lưng siêu thị Bài Thơ cũ). “Gặp chợ” (nhiều cá, cá tươi - PV) thì kiếm được gần 200.000 đồng, chợ ế thì chỉ đủ chi tiêu qua ngày.

Mỗi ngày khuân vác, kéo, chặt cả mấy chục cây đá, không ai nghĩ phụ nữ chân yếu tay mềm như bà Đỗ Thị Nga có thể làm nổi. Ảnh: Q.T
Mỗi ngày khuân vác, kéo, chặt cả mấy chục cây đá, không ai nghĩ phụ nữ chân yếu tay mềm như bà Đỗ Thị Nga có thể làm nổi. Ảnh: Q.T

Cũng như tất cả phụ nữ đang kiếm sống nơi đây, chị quen với mùi tanh nồng của cá, hơi lạnh của những cây nước đá ướp hải sản, sự hỗn độn, ngột ngạt và cả những trận cãi vã, tranh giành. “Tôi 2 đời chồng, 4 đứa con. Từ hồi thằng út còn đỏ hỏn đến giờ nó cao lớn hơn mẹ thì chưa lần nào được mẹ đưa đến lớp. Hồi nó còn nhỏ, mỗi đêm mẹ vén màn đi làm, dù nhẹ nhàng đến mấy nó cũng thức dậy theo, rồi lẹo nhẹo khóc mãi. Mình dứt áo đi mà đứt ruột vì thương con. Cũng may trầy trật rứa rồi mấy mẹ con cũng cùng nhau vượt qua. Tôi chỉ mong có sức khỏe để nuôi tụi nó khôn lớn, được học hành đàng hoàng, đừng không biết chữ như mẹ”, chị bộc bạch.

Với bà Lan, dù có 5 đứa con, đủ đầy cháu nội, ngoại, nhưng bà vẫn chưa được ngơi nghỉ, gánh nặng áo cơm oằn trĩu lên đôi vai gầy guộc. Bà Lan bảo, ở tuổi gần 70, bà không trông mong con cái nuôi mẹ cha mà chỉ cần tụi nó làm ăn đủ nuôi gia đình. Vậy mà ước mơ nhỏ nhoi đó nghe cũng xa xăm. Sinh ra trong gia đình nghèo, chẳng đứa nào được ăn học đến nơi đến chốn, đó là thiệt thòi của con, mà cũng là lỗi của cha mẹ. “Chồng tui trước là ngư dân, chừ già rồi thì ở nhà. Hồi con còn nhỏ, ổng đi biển phần ổng, tui đi bán phần tui. Con cái ở nhà tự đùm đề, bao bọc nhau.

Con cái nhà tui thiệt thòi hơn con nhà người ta. Cha mẹ nghèo không cho con được vật chất mà tinh thần cũng không. Nhiều khi nghĩ tới con mà tự trách mình đã không cho con được xuất phát điểm tốt như người ta”, bà Lan buồn buồn nói. Điều an ủi của bà Lan là cả 5 đứa con không đứa nào hư hỏng. Đứa nào cũng biết thương mẹ. Bà không biết đi xe máy nên con cái thay phiên nhau chở bà đến cảng cá mỗi sớm. Đến trưa trật lại ghé chợ chở mẹ về. Rất hiếm khi con cái để mẹ đi xe thồ. Tình yêu thương của con cái là động lực tiếp thêm cho bà sức khỏe, để bà vẫn có thể lao động, làm việc quần quật.

Đã kiếm kế sinh nhai ở cảng cá thì công việc nào cũng nặng nhọc. Nhưng phần đông những người lao động nơi đây là phụ nữ chân yếu tay mềm. Hiếm lắm mới có hộ cả vợ cả chồng cùng đi bán. Như bà Nguyễn Thị Rê (65 tuổi, trú gần chợ Thuận Thành, đường Nguyễn Tất Thành) có chồng đồng hành mấy chục năm nay. Bà Rê bảo, bà may mắn hơn những người phụ nữ ở đây vì có chồng đi theo bưng vác đồ nặng.

Nếu không có chồng, bà không thể nào làm nổi vì trong người mang đủ thứ bệnh: tiểu đường, mỡ trong máu, phong thấp… “Tui đi buôn từ hồi 12 tuổi tới chừ. Hồi xưa cũng dầm mình dưới bến nước đục ngầu để tranh giành từng mớ cá, tôm. Chừ lớn tuổi rồi nên cũng mua bán điềm đạm. Mỗi ngày bán đôi ba chục ký cá, đủ mấy miệng ăn trong nhà. Tôi không hầm hồ được như người ta, chỉ mua vô 9 thì bán lại 10 nên buôn bao nhiêu năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo”, bà Rê nói.

Khi tiếng động cơ xe tải, xe máy rập rình rời cảng cá cũng là lúc mặt trời lên cao, bến cá chen chúc lúc rạng đông đã “hạ nhiệt”. Lúc này, chỉ còn những người làm hậu cần ở lại dọn dẹp “bãi chiến trường”, thu dọn đồ nghề. Những người phụ nữ tất tả từ đêm qua đã tỏa về các chợ, tiếp tục công cuộc bán - mua của mình đến tận trưa. Công việc của họ dường như là một vòng quay bất tận...

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
.
.
.