Ngành công nghiệp du lịch và hệ sinh thái ở Đông Nam Á chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Mọi thứ đang cơ bản được hồi phục có thể khiến chính phủ các nước nghĩ tới hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói này.
Hành khách đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 6-2020. Ảnh: Nikkei |
Hệ sinh thái “căng mình” vì GDP
Trước khi xảy ra Covid-19, mỗi năm có hàng triệu lượt du khách tới Đông Nam Á để tận hưởng cát trắng, đền cổ cùng hệ sinh thái hoang dã và đa dạng. Chẳng hạn, năm 2019 có tới 133 triệu lượt du khách tới Đông Nam Á. Nhiều điểm du lịch quá tải làm người dân địa phương, các nhà môi trường, thậm chí là chính phủ, phàn nàn về sự đông đúc đẩy hệ sinh thái tới nguy cơ phá vỡ.
San hô chết, sinh vật biển biến mất, các điểm du lịch tràn ngập rác thải nhựa. Tổng thống Philippines Roderigo Duterte đã ra lệnh đóng cửa đảo Boracay 6 tháng hồi năm 2018 để dọn dẹp vệ sinh vì ông ví nó như “hầm rác”. Quan chức du lịch ở đảo này thừa nhận, lượng khách tăng quá nhanh dẫn tới nhiều công trình bất hợp pháp mọc lên và xả thẳng nước thải ra biển.
Khu phức hợp Angkor Wat ở Campuchia là nơi có ý nghĩa tôn giáo, văn hóa và lịch sử với hơn 2 triệu du khách trong năm 2019. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho biết, sự bùng nổ du lịch và dân số tăng ở Siem Reap đã gây ra tình trạng thiếu nước nên khai thác mạch nước ngầm, dẫn tới sụt lún các ngôi đền Angkor.
Đảo Boracay mở cửa trở lại vào tháng 10-2018 đã có những quy định khắt khe hơn nhằm bảo vệ hệ sinh thái. Lượng khách bị giới hạn từ 19.000 người xuống còn 6.000 người. Du khách buộc phải tuân thủ những quy định như cấm hút thuốc và uống rượu trên bãi biển. Các khách sạn đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, gồm xử lý chất thải và không xây dựng cách bờ biển 30m. Hay vịnh Maya nổi tiếng của Thái Lan có tới 5.000 du khách mỗi ngày nhưng bị đóng cửa từ tháng 6-2018 và chưa có kế hoạch mở cửa trở lại trước tháng 6-2021 để hồi phục hệ sinh thái.
Đại dịch Covid-19 ập tới buộc các quốc gia phải đóng cửa nên du lịch quốc tế gần như ngừng hoạt động. Với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch như Campuchia (du lịch chiếm tới 30% GDP hằng năm), thiệt hại là điều hiển nhiên. Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho biết, các thành viên của họ thiệt hại tổng cộng 34,6 tỷ USD vì Covid-19.
Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp tê liệt nhưng hệ sinh thái hồi phục thấy rõ. Theo Tổng Cục trưởng Cục công viên quốc gia Thái Lan Thanya Netithummakun, rùa xanh và rùa da được nhìn thấy làm tổ trên các bãi biển; cá nược (một loại thú thuộc bộ lợn biển) được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển phía nam đất nước. Ông Thanya nói thêm, chính ông thấy những nhóm cá mập rạn san hô đen tại bãi biển Maya; thấy cá heo, cá mập voi và cả rùa đẻ trứng ở đảo Similan; ngay cả những công viên quốc gia trong đất liền cũng thấy những động vật quý hiểm như hổ.
Hướng tới sự thân thiện môi trường
Các hạn chế du lịch dần được dỡ bỏ, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch tính chuyện xây dựng lại nền kinh tế của mình nhằm thu hút càng nhiều khách du lịch càng tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tạm dừng du lịch vì Covid-19 mang lại cơ hội chưa từng có để các nước nghĩ về con đường xây dựng lại ngành công nghiệp du lịch theo hướng có lợi cho nền kinh tế và bảo vệ hành tinh.
Nhiều hệ sinh thái ở Thái Lan hồi phục ấn tượng khiến chính phủ nước này nghĩ tới chuyện hạn chế lượng khách du lịch như ở Boracay (Philippines) nhằm bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan muốn đóng cửa các công viên quốc gia 2 tháng mỗi năm. Họ tiếp tục duy trì giảm lượng du khách trên các đảo như chỉ có 400 du khách mỗi ngày lên quần đảo Chumporn, hay quần đảo Similan chỉ được tiếp nhận một nửa lượng khách so với trước đây. Hàng nghìn san hô được trồng lại trong vịnh Maya lúc dịch bệnh bùng phát nên các nhà chức trách có kế hoạch xây dựng hệ thống bán vé điện tử để kiểm soát lượng du khách. Các nhà khai thác thuyền du lịch phải cài thiết bị theo dõi kỹ thuật số nếu họ muốn cập cảng ở đây vì muốn tránh hư san hô.
Ông Thanya cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ để vừa giảm lượng du khách, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vừa bảo đảm đời sống của doanh nghiệp và nhân viên ngành du lịch. Trường Đại học Udayana (Indonesia) nghiên cứu đề tài thêm phí môi trường đối với du khách để bảo tồn hệ sinh thái nhưng không khiến du khách cảm thấy khó chịu. Đảo du lịch nổi tiếng Bali dự kiến thu thuế 10 USD/du khách nước ngoài như một giải pháp để vừa có ngân sách bảo tồn, vừa tạo môi trường sạch sẽ, không đông đúc khi tham quan. Rõ ràng chỉ có cách kiểm soát du lịch thì ngành công nghiệp không khói ở Đông Nam Á mới tồn tại lâu dài và duy trì sự đóng góp ổn định cho GDP hằng năm.
ANH THƯ theo CNN