Tôi đã từng đọc câu chuyện về tính hiếu kỳ trong cuốn sách song ngữ “A cup of chicken soup for the soul - Chia sẻ tâm hồn và quà tặng cuộc sống” (tập 3) của tác giả Jack Canfield và Mark Victor Hansen:
Có người bạn dẫn mẹ già và con nhỏ từ Việt Nam sang Mỹ chơi. Tôi đến khách sạn thăm họ, mang theo một giỏ trái cây, trong đó có lê, cam và quả sung.
Khi tôi mời họ ăn trái cây, bà cụ không ngần ngại cầm ngay trái lê, nói: “Tôi chọn lê vì tôi đã ăn qua”.
Ðứa bé thì chọn ngay quả sung: “Cháu lấy quả sung vì cháu chưa ăn qua”.
Người bạn của tôi thì không chọn gì cả: “Ðợi một lát đã, xem phản ứng của cháu bé, nếu cháu nói quả sung ngon thì tôi sẽ chọn quả sung, nếu cháu nói không ngon, thì tôi sẽ ăn nốt nửa còn lại của cháu”.
Tuy đây chỉ là một chuyện nhỏ trong cuộc sống, nhưng thể hiện biết bao ý vị sâu sắc: người già không còn hiếu kỳ, chỉ cầu mong bình ổn và an toàn, trẻ con hết sức hiếu kỳ, không sợ mạo hiểm; người trung niên vừa hiếu kỳ, vừa thận trọng, vừa dám gánh vác.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có tính hiếu kỳ. Hiếu kỳ được hiểu là thái độ tò mò, muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, hấp dẫn của thế giới xung quanh. Người có tính hiếu kỳ thường nhìn thấy “vấn đề” cần được làm sáng rõ khi tiếp xúc, tiếp cận các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Từ đó, họ tự nghiên cứu, mày mò hoặc tham khảo, tìm kiếm sự trợ giúp của nhiều đối tượng, phương tiện để giải đáp những thắc mắc, những điều còn lạ lẫm đó.
Thực tế có nhiều phát minh, sáng chế hữu ích xuất phát từ sự hiếu kỳ của các nhà khoa học. Nhưng nhiều khi sự hiếu kỳ, tò mò không đúng đối tượng, hoàn cảnh lại gây phiền toái trở thành thói hư tật xấu của con người trong xã hội hiện đại ngày nay.
Trong thực tế, khi lưu thông trên đường chúng ta đã quá quen thuộc khi chứng kiến cảnh tượng một đám đông người xúm xít để xem một người bị tai nạn giao thông; một ngôi nhà đang bốc cháy, một người nhảy cầu tự tử, một tên ngáo đá mất kiểm soát hành vi, một vụ gây gổ, đánh nhau, một cuộc truy đuổi tội phạm…
Dù còi xe inh ỏi, tiếng người nháo nhào nhưng hoàn toàn không có tác dụng gì khi những người trong đám đông đang “bận” bàn tán, kể lể, chụp ảnh, quay phim, livestream đăng tải kịp thời lên trang cá nhân chỉ để “câu like”, “câu view”, tệ hơn có kẻ còn tranh thủ “hôi của” của người bị nạn...
Đám đông không nhận thức được sự tập trung không cần thiết này khiến cho giao thông bị ùn tắt, an ninh trật tự mất kiểm soát, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống, dấu vết, bằng chứng của hiện trường có thể không còn nguyên vẹn và biết đâu chính bản thân họ cũng có khả năng gặp nguy hiểm… Trong khi đó, người bị nạn vẫn thoi thóp chờ đợi sự giúp đỡ trong vô vọng.
Thỏa mãn sự hiếu kỳ của bản thân một cái thái quá, chúng ta chạy nhanh hơn đến đích của sự vô cảm, thờ ơ, bàng quan. Đến đây, tôi lại nhớ đến Dan Brown trong “Thiên thần và ác quỷ” đã có nói: “Không có gì kích thích sự hiếu kỳ của loài người hiệu quả hơn bi kịch của đồng loại”.
Có thể nói, tính hiếu kỳ là bản năng của con người khi chúng ta thường có xu hướng phản ứng mạnh mẽ, bày tỏ cảm xúc cá nhân nhiều hơn khi chứng kiến những sự việc mới mẻ hoặc mang tính tiêu cực. Những sự việc đó tác động và kích thích trực tiếp vào sự tò mò của mỗi chúng ta nhưng không phải vì để thỏa mãn sự hiếu kỳ mà hòa vào đám đông như một hiệu ứng lây lan không kiểm soát. Khi sự có mặt của chúng ta tại hiện trường không giúp vấn đề được giải quyết thì ngược lại sự xuất hiện vô lý, vô lối đó đã trở thành rào cản làm hạn chế những đối tượng khác xử lý sự việc.
Không có pháp luật nào quy định, cấm cản tính hiểu kỳ của con người nhưng mỗi chúng ta cần nhận thức được những hậu quả, những tác hại đáng sợ của sự tò mò thái quá. Chỉ có chúng ta mới xác định được điểm dừng và giới hạn của tính hiếu kỳ để kiểm soát bản năng không biến thành bản chất.
THIÊN DI