Tri ân là cách nói trang trọng mà người Việt thường dùng để bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, hay đối với công lao bảo ban, dạy dỗ của thầy cô, hoặc đối với công lao của các bậc hiền tài cống hiến tài năng và trí tuệ góp phần phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, nhất là đối với sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ/ thương binh nhằm bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc - những người “quyết tâm đem xương máu của mình đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”, những người “quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào”, những người “quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào”, những người “quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống”, như Bác Hồ từng vinh danh trong lời kêu gọi ngày 27-7-1948. Xuất phát từ đạo lý tri ân ngời sáng nhân văn của dân tộc nên từ năm 1947, nước ta đã lấy ngày 27-7 hằng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc và đến năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Hoạt động tri ân thường thấy của người Việt là dâng hương ở các nghĩa trang liệt sĩ tập trung vào Ngày Thương binh -Liệt sĩ 27-7 hằng năm. Thật ra ít nhất mỗi năm 3 lần - Ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngày đầu năm hoặc cuối năm âm lịch và ngày hy sinh/ ngày giỗ, gần như đã thành lệ, thân nhân của các liệt sĩ yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ đều đến hương khói cho người thân của mình và cho cả các liệt sĩ nằm cùng nghĩa trang. Nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm, người Việt cũng thường thể hiện lòng tri ân qua việc thăm hỏi các thương binh nặng và các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH); nhiều cơ quan, đơn vị còn nhận phụng dưỡng một hoặc một vài Bà Mẹ cho đến cuối đời.
Nghĩ về sự tri ân nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 là nghĩ đến tất cả những người đã vì nước hy sinh suốt mấy ngàn năm lịch sử, trong đó có nhiều người tên tuổi đã lưu danh thiên cổ, đời đời yên nghỉ với mộ với bia, cũng có nhiều người hài cốt vẫn còn dưới mộ nhưng khuyết danh không rõ họ tên quê quán, và cũng không ít trường hợp khiến người còn sống phải nao lòng: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm (Lê Bá Dương, Lời người bên sông)…
Cho nên, hoạt động tri ân liệt sĩ kéo dài nhiều chục năm nay và giờ đây vẫn tiếp diễn là tìm mộ đồng đội. Và vì thế không thể không nhắc đến bài thơ Đón các anh về - mà cũng là tấm lòng tri ân - của nhà thơ Đà Nẵng Lê Ngọc Nam viết từ chuyến đi đón các hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam còn nằm lại bên Lào: Hơn hai mươi năm xin đón các anh về/ Ước mong bấy lâu nay mới trọn câu thề/ Về với quê mình trăm mến ngàn thương/ Về với quê hương cho mẹ già vơi nỗi nhớ/ Các anh ơi xin đón các anh về... - bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm phổ thành ca khúc.
Nhắc đến mộ liệt sĩ, có thể nói Đà Nẵng là nơi đầu tiên ở nước ta thành lập được các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc 1858-1860, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, có lẽ là lần thứ nhất trong đời, nhân dân Đà Nẵng tự tay mình châm lửa đốt nhà, phá bỏ vườn tược, triệt để sơ tán, đẩy quân thù vào thế bị cô lập; và trên tuyến đầu Tổ quốc, nhiều quan quân triều đình cùng không ít thường dân Đà Nẵng đã phải hy sinh tính mạng trên mảnh đất này.
Với đạo lý tri ân ngời sáng của dân tộc, năm Bính Dần 1866, Nghĩa trủng Hòa Vang ở làng Nghi An được thành lập sớm nhất, quy tập khoảng 1.300 hài cốt nghĩa sĩ, tiếp theo là Nghĩa trủng Phước Ninh ở làng Nam Dương được thành lập năm Bính Tý 1876 quy tập khoảng 3.000 hài cốt nghĩa sĩ. Cần làm sao để trải qua thời gian dâu bể, người đời vẫn nhận ra đây không chỉ là tấm lòng biết ơn và trách nhiệm của người Đà Nẵng 150 năm trước mà còn là tấm lòng biết ơn và trách nhiệm của người Đà Nẵng hôm nay với đất nước, với những người vì đất nước và với các bậc tiền nhân của chính quê mình.
Đền ơn đáp nghĩa cho người có công với nước thể hiện qua các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm là việc làm hợp đạo lý nên được cộng đồng cư dân toàn thành phố bên sông Hàn nói riêng, cả nước nói chung không chỉ ủng hộ mà còn chung tay góp sức thực hiện hiệu quả từ mấy chục năm nay.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2020), lần đầu tiên chương trình gặp mặt đại biểu Bà Mẹ VNAH toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội trong 3 ngày, từ 23 đến 25-7. Sự kiện này cho thấy sự cống hiến, hy sinh của phụ nữ Việt Nam nói chung, của 139.000 Bà Mẹ VNAH nói riêng vào cuộc đấu tranh giành lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc là vô cùng lớn. Không phải ngẫu nhiên đất nước đã thống nhất 45 năm rồi mà mỗi lần câu hát “Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi… đi mãi mãi…” (Xuân Hồng, Người mẹ của tôi) và nhiều ca từ tương tự vang lên, người dân Việt Nam vẫn không thể không nghẹn ngào xúc động.
BÙI VĂN TIẾNG