Cuộc đời Võ Quảng có thể ví như một cây đại thụ có gốc sâu, rễ bền, thấm đẫm tinh hoa văn hóa nước nhà, mạnh mẽ trụ vững trong những tháng năm chiến tranh ác liệt, để rồi nửa đời sau kết trái văn chương ngọt lành dành cho bao lớp trẻ thơ của đất nước. Từ lúc ra đời cho tới khi về với đất mẹ, Võ Quảng đã chứng thực một phẩm cách thanh cao, trung thực.
Nhà văn Võ Quảng (1920-2007). Ảnh tư liệu |
Lẽ ra những hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng được tổ chức ở Hà Nội cũng như tại quê hương ông, vùng đất Đại Hòa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) hồi tháng 3 vừa qua, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên hoãn đến tháng 8. Song, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng - nơi Võ Quảng làm Tổng Biên tập đầu tiên, đã xuất bản một số tựa sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông như: Ai dậy sớm, Truyện đồng thoại Võ Quảng, Võ Quảng - Một đời thơ văn…
Một đời viết cho thiếu nhi
Ở Việt Nam có nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi. Thế nhưng, soi rọi vào sự nghiệp văn chương của họ, thấy ít người chuyên viết cho thiếu nhi. Chỉ có Võ Quảng, ông dành trọn vẹn đời mình để viết cho thiếu nhi. Ông đau đáu viết và nghĩ về thiếu nhi. Dù viết văn, làm thơ, hay sau này chuyển sang làm Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình, ông cũng đều toàn tâm toàn ý cho thiếu nhi. Có lẽ vì thế, những tác phẩm của Võ Quảng như: Quê nội, Tảng sáng, Anh Đom đóm, Ai dậy sớm…, rồi những truyện đồng thoại của ông luôn được độc giả thiếu nhi các thế hệ đón nhận; nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và đến với bạn đọc thiếu nhi thế giới…
Sinh thời, Võ Quảng quan niệm: “Văn học cho thiếu nhi có một nhiệm vụ chính yếu, đó là giáo dục các em trở thành người tốt. Văn học thiếu nhi phải “tải đạo”. Nhưng tuyệt nhiên ở đây không phải là những lời giáo huấn giá lạnh, khô khan, hoặc ngược lại không phải là những chuyện bạo lực, giật gân để thiếu nhi bị thu hút. Văn học thiếu nhi được gọi là hay, là tốt, thường có bên trong một sức mạnh. Đó là sức mạnh của cái đẹp, của văn chương nghệ thuật. Sức mạnh sẽ đánh thức trong các em tình cảm và ý nghĩa tốt đẹp, làm các em biết tôn trọng, yêu thương, thấy những nghĩa vụ cần làm, sống có tinh thần nhân ái, biết sống một cách tốt đẹp”.
Từ quan niệm ấy, Võ Quảng đã bền bỉ viết cho thiếu nhi. Hầu như đứa trẻ nào cũng thích thú bước vào thế giới của những Gà Mái hoa, anh Đom đóm, chú Chẫu chàng… do Võ Quảng tạo lập. Đó là một thế giới tràn ngập hoa cỏ, ngập tràn tiếng nói của loài vật. Một thế giới của những điều vui ngộ, mà phải bằng một trái tim cực kỳ yêu trẻ, một người biết quan sát tinh tế thế giới xung quanh mới có thể phát hiện. Vì thế, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể cười khúc khích và đọc vang: “Mặt trời gác núi/ Bóng tối lan dần/ Anh Đóm chuyên cần/ Lên đèn đi gác…/ Theo làn gió mát/ Đóm đi rất êm/ Đi suốt một đêm/ Lo cho người ngủ…”; hoặc: “- Cốc, cốc, cốc!/ - Ai gọi đó?/ -Tôi là Thỏ/ - Nếu là Thỏ/ Cho xem tai […] - Cốc, cốc, cốc! - Ai gọi đó?/ - Tôi là Gió/ Xin mời vào!...”.
Tham gia cách mạng để giải phóng quê hương
Theo các tài liệu còn lưu lại, việc học hành đối với Võ Quảng rất thuận lợi nên học hết lớp ở quê, ông đỗ vào Quốc học Huế từ năm 1935. Đây cũng là thời kỳ các phong trào cách mạng yêu nước dâng cao trong nhân dân và giới học sinh. Võ Quảng tham gia phong trào với ý thức rõ ràng ngay từ đầu là giành độc lập cho đất nước, giải phóng cho quê hương, cho đồng bào mình. Năm 1936, Võ Quảng gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ. Năm 1938, ông gia nhập tổ chức Thanh niên Phản đế. Một năm sau, ông thi đỗ bằng Thành chung và học tiếp để thi tú tài phần 1.
Cuốn sách Võ Quảng - Một đời thơ văn do Châu Tấn biên soạn, NXB Kim Đồng ấn hành, vừa ra mắt để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Võ Quảng. Ảnh: THƯ HOÀNG |
Năm 1941, Võ Quảng bị mật thám bắt, bị giam ở lao Thừa Phủ. Sau khi trải qua các nhà lao ở Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Vĩnh Điện (nay thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), ông bị đưa về quản thúc vô thời hạn tại Hội An rồi quản thúc tại quê nhà, cấm mọi liên hệ với người ngoài.
Năm 1944, phong trào cách mạng lên cao, Võ Quảng quyết định bỏ trốn ra Diên Sanh, Quảng Trị, tham gia hoạt động Việt Minh, rồi từ đó quay về Huế với những cơ sở cách mạng mà ông từng gây dựng. Hoạt động bí mật lúc đó rất nguy hiểm, nhưng Võ Quảng vẫn mở được thêm những cơ sở mới tại Huế và đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám thì ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở đây.
Cách mạng tháng Tám thành công, Võ Quảng được chỉ định làm Ủy viên Tư pháp của thành phố Đà Nẵng, rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Đà Nẵng. Khi Ủy ban được chia tách (thành Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến), Võ Quảng làm Quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố. Sau đó, ông làm Phó Chánh án tại Tòa án Quân sự miền Nam Việt Nam và làm Hội thẩm ở Tòa án nhân dân Liên khu 5.
Trong 9 năm kháng chiến, Võ Quảng đã đi khắp các tỉnh miền Trung, đối diện với bao gian khổ, thử thách, hiểm nguy nhưng không bao giờ ông lùi bước.
Đầu năm 1955, Võ Quảng tập kết ra miền Bắc. Khi hòa bình lập lại, ông có nguyện vọng chuyên tâm cho công việc nghiên cứu mà mình yêu thích, trong đó có nghiên cứu văn hóa. Sau một thời gian ngắn làm việc ở Bộ Tư pháp, ông chuyển sang làm Trưởng Bộ phận Tuyên truyền Văn hóa đối ngoại của Bộ Văn hóa. Tại đây, ông thể hiện được năng lực đa dạng của mình và bắt đầu sáng tác thơ, văn. Truyện ngắn đầu tay Cái lỗ cửa của ông được in năm 1955. Tập thơ đầu tay Gà Mái hoa xuất bản năm 1957 và được các bạn văn chương để ý.
Giữa năm 1957, Võ Quảng làm Tổng Biên tập đầu tiên của NXB Kim Đồng vừa được thành lập. Thời gian này, ông có những sáng tác cho thiếu nhi, dịch sách và phỏng dịch, giới thiệu các tác phẩm có giá trị về khoa học, nghệ thuật, văn học thế giới với bạn đọc thiếu nhi. Với bút danh Hoàng Đình Huy, ông là người đầu tiên lược dịch, giới thiệu tác phẩm Don Quixote nổi tiếng của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616) tại miền Bắc.
Võ Quảng công tác tại NXB Kim Đồng tới năm 1964, sau đó làm Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam. Từ năm 1960-1980, ông sáng tác khá nhiều và đều đặn: truyện ngắn, truyện dài, truyện đồng thoại, kịch bản phim hoạt hình, viết nhiều bài lý luận về văn học thiếu nhi, tham gia các lớp đào tạo nhà văn trẻ, giảng dạy về văn học ở các khóa bồi dưỡng viết văn…
“Nhà văn Võ Quảng đã dành những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất cho thiếu nhi. Trong cuộc chia tay cuối cùng này với ông, sau ngót 50 năm lao động với hàng chục truyện và tập truyện, hàng chục tập thơ với hàng trăm bài thơ, truyện đồng thoại, để đồng hành với bao thế hệ bạn đọc; khi tất cả những ngọn nguồn phong phú và trong trẻo nhất trong trải nghiệm và ký ức ông đã dành trọn cho thiếu nhi; và sau nhiều năm với nghị lực bền bỉ chống chọi bệnh tật, chúng ta càng thương mến và quý trọng ông - một nhân cách thanh cao, trung thực; một tấm lòng yêu sự sống và sự thanh thản của một cách sống; một sự toàn tâm toàn ý ít thấy băn khoăn, hoặc biết nén kín mọi băn khoăn trong sự nghiệp mà mình đã chọn. Hội Nhà văn Việt Nam nêu trong Điếu văn khi nhà văn Võ Quảng mất tại Hà Nội vào ngày 15-6-2007, hưởng thọ 88 tuổi. |
Người con của đất Quảng Nhà văn Võ Quảng sinh ngày 1-3-1920 tại làng Thượng Phước, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Từ lúc 6, 7 tuổi, Võ Quảng đã vắt vẻo trên lưng trâu ra đồng, đùa chơi với bạn bè cùng trang lứa. Có một điều đặc biệt là thuở ấy, ngay sát chợ Quảng Huế (gần làng Thượng Phước) có một gánh hát bội tới dựng rạp, tối nào cũng diễn… Dân vùng Quảng Huế, Đại Hòa mê tuồng như điếu đổ nên không đêm nào không kéo đến xem chật rạp. Các tích tuồng hát bội ai cũng gần như thuộc lòng. Đó là món ăn tinh thần và cũng là những bài học sinh động về lòng yêu nước, đạo lý “trung, hiếu, lễ, tín, nghĩa”... Võ Quảng đã sớm được hưởng trọn vẹn các di sản văn học - nghệ thuật quý báu ấy. Những kỷ niệm, ấn tượng không thể phai mờ thời ấu thơ đã theo suốt cuộc đời ông, để rồi khi có dịp, tất cả cảnh vật, tập tục, con người… của vùng quê lại hiện lên sống động qua những áng văn xuôi và những bài thơ của ông. |
THƯ HOÀNG