1. Dòng trạng thái đầu tiên chị đăng trên Facebook sau quãng thời gian dài “biến mất” là thông báo bản thân vẫn đang chiến đấu với bệnh trầm cảm nhưng đã học được cách sống chung với nó. Suốt 5 năm qua, chị làm việc, du học và thực hiện những điều yêu thích như vẽ tranh, may vá…
Nhưng giữa cuộc sống hối hả, chị thường trốn vào góc tối khóc mấy tiếng đồng hồ không rõ nguyên nhân hoặc nghĩ đến cái chết vì không còn thấy kết nối với thế giới này. Trạng thái tâm lý nói trên như “giọt nước tràn ly” sau chặng đường dài chị phải gồng gánh hình ảnh mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng như kỳ vọng của gia đình và trách nhiệm với xã hội.
Cuối cùng chị đã tìm thấy chính mình. Nhưng hành trình tìm thấy chính mình ấy quả thật không dễ dàng, khi sự quá tải cảm xúc tiêu cực không những không được sẻ chia mà còn bị nhấn chìm bởi những lời an ủi như: “vui lên”, “cố gắng hơn”, “hãy sống tích cực”, “bạn đang sống cuộc đời mà nhiều người mơ ước”, “có gì đâu mà buồn”…
Có lẽ chúng ta đều từng nghe hoặc từng nói những điều trên mà quên mất mỗi người có một sức bật, độ dẻo dai tinh thần lẫn độ nhạy cảm hay khả năng chịu đựng tổn thương khác nhau. Sống chậm lại một chút, đủ tinh tế một chút, chúng ta có thể nhận ra việc có những lời khuyên không dựa trên trạng thái tâm lý của người đối diện đôi khi khiến tâm trạng của họ diễn tiến nặng nề hơn mà thôi.
2. Không quá để nói rằng, sự suy sụp của người trưởng thành bắt đầu từ việc mặc kệ hoặc chối từ cảm xúc tiêu cực - từ chính bạn lẫn mọi người xung quanh. Chúng ta đang sống trong một môi trường đề cao thái độ tích cực hơn là quan tâm đến tình trạng, khả năng thích ứng với cảm xúc của mỗi cá thể. Sự tích cực trở thành khuôn mẫu cứng nhắc.
Đơn cử, ngay từ nhỏ, trẻ em nam được dạy rằng nam giới phải luôn mạnh mẽ - nghĩa là không được phép yếu đuối, sợ hãi hay buồn bã. Tư duy này lặp đi lặp lại mỗi khi trẻ khóc với câu nói: “Con trai không nên khóc nhè”. Lớn lên chút xíu, nếu khóc thì sẽ bị nói: “Đàn ông gì mà ủy mị”. Lâu dần, nam giới quen với việc gạt bỏ cảm xúc tiêu cực, chỉ phô bày cảm xúc tích cực. Từ đó, họ đánh mất cơ hội phát triển sâu hơn những kỹ năng cần thiết để ứng phó và vượt qua bất trắc.
3. Thật ra, cảm xúc nào cũng là phần quan trọng của tinh thần. GS. Eric Klinger, ngành Tâm lý học của Đại học Minnesota (Mỹ), trong Lý thuyết về động cơ của sự giải thoát nhận định: Cảm giác u sầu, bất lực, tự trách… giúp ta điều chỉnh hành vi của mình, ngừng tiêu phí sức lực và thời gian vào những mục tiêu không thể nào đạt được. Thế nhưng, thực tế, rất nhiều người có xu hướng lẩn tránh, chối bỏ cảm xúc được xã hội mặc định là tiêu cực bởi chính bản thân người đó hoặc xã hội.
TS. Susan David, ngành Tâm lý học của Đại học Y Harvard (Mỹ), tác giả cuốn sách Emotional Agility (tạm dịch: Thích ứng cảm xúc) cũng từng như thế. Bà chia sẻ: “Tôi lớn lên trong một khu phố da trắng tại Nam Phi, một cộng đồng không khuyến khích người ta thể hiện cảm xúc của mình, nhất là khi họ yếu đuối hay bị tổn thương. Nói cách khác, tất cả đều phủ nhận những cảm xúc tiêu cực của chính mình và những người khác”. Vì vậy, khi bà 15 tuổi, cha qua đời, bà đã từ chối chấp nhận sức mạnh của sự tiếc thương vì nghĩ rằng không ai muốn biết về tình trạng của mình. Ở trường, bà luôn mỉm cười và trả lời mình ổn.
Cô giáo dạy tiếng Anh đưa cho bà một cuốn sổ trắng và nói: “Hãy viết xuống những điều con đang cảm thấy. Hãy viết như thể không có ai đọc cả”. Và chỉ cần có vậy, bà đã diễn bày hết nỗi đau chân thật nhất của mình. Bà dần rời khỏi vùng khô cứng của sự phủ nhận sang thế giới cảm xúc linh hoạt như hiện tại - nghĩa là không chỉ nhìn nhận cảm xúc ở hai cung bậc hoặc tốt hoặc xấu, hoặc tích cực hoặc tiêu cực.
Qua nghiên cứu, TS. Susan David nhận ra yếu tố cốt lõi giúp mọi người thể hiện tốt nhất trong công việc là: nhận thức bản thân. Khi thể hiện đúng cảm xúc của bản thân, mọi người sẽ gắn kết, sáng tạo và tuôn trào ý tưởng. Bà cũng khẳng định, khi cởi mở với cảm xúc khó khăn, chúng ta có thể tạo ra những hành động phù hợp với giá trị của bản thân.
Thực tế, trong nhịp sống hiện đại, không nhiều người quan tâm và tìm hiểu cảm xúc đa dạng của bản thân. Việc lắng nghe là để thấu hiểu, thấu hiểu để tôn trọng và tôn trọng để có cách ứng xử phù hợp với cảm xúc. Điều này cần quá trình dài rèn giũa thường xuyên, từ mỗi cá thể và cả xã hội. Bên cạnh đó, việc thể hiện cảm xúc - dù là hình thái nào - bên cạnh sự chính xác cũng cần có mức độ vừa phải, để bảo đảm lịch sự với người đối diện và cả bản thân mình.
NAM BÌNH