Quê tôi nổi tiếng với đặc sản rau má. Hồi trước, tôi cũng như đám bạn chẳng thích người ta gắn mác quê với rau má một chút nào vì rau má là rau của quê nghèo. Người ta ám chỉ rau má là quê nghèo, vất vả nên tôi thấy xấu hổ. Nhưng bây giờ, ý nghĩ đó chẳng còn ở trong tâm thức nữa bởi tôi đã trưởng thành, biết yêu thương, nhớ nhung những gì thuộc về quê hương yêu dấu.
Rau má có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh: M.H |
Nhưng ngẫm lại, người ta nói rau má quê nghèo đâu có sai. Ở quê mới thấy rau má mọc, chứ ở phố tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy cụm rau má. Cái loài rau ấy thế mà đến lạ, chẳng cần ai trồng, ai chăm, cứ thế lan tốt um tùm. Bất kể nơi đâu chúng cũng có thể sinh sống được. Ngoài vườn, cạnh rạch nước, bờ ruộng hay trên những triền đồi cao chót vót xen lẫn với cụm cỏ may, rau má vẫn cứ hiên ngang mọc.
Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm! Mấy chị em tôi toàn phải ra vườn hái rau dại, rau tập tàng vào ăn. Rau má cũng không ngoại lệ. Hễ thấy cụm rau má mọc chỗ nào thì mấy chị em lại đào, nhổ cho vào rổ mang về để mẹ chế biến món ăn. Rau má hái vào rửa sạch có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon và khá bổ dưỡng. Rau má nấu canh, rau má xào, rau má làm nộm...
Có lẽ món mà mẹ tôi thường chế biến nhất, đó là rau má ăn sống chấm với nước xốt cà chua. Tất cả từ rễ, thân, lá của rau má đều dùng được hết. Chỉ cần rửa thật sạch, để ráo nước là có thể dùng được ngay. Ăn rau má ban đầu có vị đăng đắng nhè nhẹ, nhưng sau đó cảm thấy rất bùi, rất thơm. Đặc biệt, rau má ăn kèm với rau xà lách, rau diếp cá, rau thơm các loại thì càng thêm đậm đà hương vị đồng quê. Ăn rau ghém cứ gọi là đưa cơm hết sảy. Nồi cơm sạch veo trong chốc lát.
Rau má còn được phơi khô dùng hãm làm trà. Đó là loại trà giải nhiệt cơ thể thanh mát nhất mà tôi từng gặp. Đi làm đồng, đi xa trời nắng trở về có cốc trà rau má, thêm chút đường, vài viên đá lạnh thì cảm giác mệt mỏi tan biến. Đám rôm sảy khó tính nhất cũng bị khuất phục bởi nước rau má thần thánh.
Khi đi chăn bò, chúng tôi lân la tới các bờ ruộng, hốc núi để dò từng bụi rau má. Có đứa mang theo cuốc, có đưa mang liềm, có đứa chỉ mang theo cái que củi đào bới hỗ trợ cùng với đôi bàn tay. Cuối buổi đứa nào đứa nấy được một túi rau má to đùng, cười tít cả mắt. Có lần, rau má được thương lái thu mua tận nhà, càng làm chúng tôi hào hứng đến mất ăn mất ngủ. Cứ rảnh rỗi, chúng tôi lại mang rổ đi tìm rau má để hái. Mỗi ngày một ít, ấy thế mà khi gom lại bán cũng được mấy chục nghìn đồng bỏ lợn tiết kiệm. Đầu năm học, mổ lợn ra mua sách bút cũng đỡ đần phần nào gánh nặng cho bố mẹ.
Vèo cái tôi đã xa rau má quê nghèo gần hai mươi năm có lẻ. Bạn bè tôi có đứa đã thành những ông bố, bà mẹ. Trong những lần gặp gỡ, câu chuyện về rau má vẫn được nhắc lại như một ký ức đẹp. Rau má bây giờ vẫn chỉ mọc ở quê nghèo nhưng nó mang giá trị mới bởi người dân đã biết tận dụng công dụng của rau mà chăm chút, chắt chiu. Mới đây, tôi đọc báo thấy có bạn trẻ ở Đà Lạt đã khởi nghiệp với rau má làm thức uống chủ đạo, rồi sáng chế thêm nhiều món như: rau má nguyên chất pha với đậu xanh, sữa dừa; rau má pha cùng đậu đỏ; rau má kết hợp hạt sen, sầu riêng…; rồi mở rộng, phát triển kinh doanh ra nhiều tỉnh, thành phố. Có bạn trẻ khởi nghiệp với bột rau má và xây dựng, khẳng định thương hiệu hẳn hoi cho công ty của mình. Những thông tin như vậy làm tôi vui và càng quý cọng rau má ngày xưa.
Giờ đây, mỗi lần về quê rồi ra phố thể nào ba lô của tôi cũng có một túi rau má đã phơi khô của mẹ. Tôi cười tít mắt hệt như hồi còn nhỏ bán rau má được mấy chục nghìn đồng. Lòng tôi thầm cảm ơn quê nghèo đã nuôi dưỡng cọng rau má, nuôi dưỡng tâm hồn tôi.
MAI HOÀNG