Ý tưởng tăng cường không gian công cộng

.

Với ý tưởng sáng tạo, tăng cường không gian công cộng hiện có tại các quận ở Hồng Kông (Trung Quốc), nhóm sinh viên (SV) khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng xuất sắc đạt giải Á quân “UrbanactionsHK Competition 2019”.

Nhóm sinh viên khoa Kiến trúc, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đạt giải Á quân “UrbanactionsHK Competition 2019”. Ảnh: H.T
Nhóm sinh viên khoa Kiến trúc, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đạt giải Á quân “UrbanactionsHK Competition 2019”. Ảnh: H.T

Đây là một cuộc thi quốc tế về thiết kế kiến trúc cảnh quan do UrbanactionsHK và Trường ĐH Kiến trúc (thuộc Chinese University of Hong Kong) tổ chức thường niên, dành cho SV các ngành kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch và thiết kế đô thị trên toàn thế giới.

Năm nay, cuộc thi tìm kiếm những giải pháp giúp cải tạo 3 khuôn viên “bị lãng quên” của Hồng Kông gồm Lok Hing Lane, Wa On Lane và Cochrane Street thành điểm đến văn hóa sôi động, chất lượng cao. Cuộc thi nằm trong dự án “Tầm nhìn - tuyệt vời - linh hồn - hạnh phúc” nên mọi thiết kế đều hướng tới các giải pháp  không gian, biến đổi lưu thông, tân trang lại những không gian, địa điểm bị mọi người lãng quên.

Ở thử thách này, nhóm SV khoa Kiến trúc, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng là Trần Minh Sang, Phan Ngọc Tường Vi, Phạm Đình Hồ Trọng Ân, Trần Nguyễn Gia Hân cùng nhau nghiên cứu nhằm tìm ra phương án thiết kế hợp lý nhất, giải quyết các vấn đề mà cuộc thi “UrbanactionsHK Competition 2019” đặt ra: xây dựng không gian văn hóa, công cộng ngay giữa trung tâm thành phố.

Mô hình đồ án của nhóm nhận được nhiều lời khen từ Ban giám khảo.
Mô hình đồ án của nhóm nhận được nhiều lời khen từ Ban giám khảo.

Chọn khu vườn Lok Hing Lane, nhóm Trần Minh Sang mô hình kiến trúc đa dạng, đầy đủ tiện nghi gồm khu vực chính, khu vực đi bộ và chòi nghỉ. Nhóm trưởng Trần Minh Sang cho biết, ở khu vực chính, nhóm thiết kế vòi phun nước biểu diễn, hoạt động một số thời điểm trong ngày, bảo đảm phục vụ lễ hội, sự kiện, có hệ thống thoát nước nhanh, phần sân được lát gạch theo hình ảnh hoa dương tử - biểu tượng của Hồng Kông.

Đặc biệt ở khu vực đi bộ, nhóm sáng tạo bằng cách định vị cầu thang, tạo cảnh quan và chỗ ngồi một cách chu đáo với hệ thống “tán cây” hình thành từ vải bạc nhiều màu sắc nhằm tối ưu hóa việc sử dụng không gian vào mùa hè, cũng như cho phép loại bỏ các tán cây rụng lá vào mùa đông.

Bên cạnh đó, theo Phan Ngọc Tường Vi, địa điểm này tại Hồng Kông khá nổi tiếng, tuy nhiên người dân địa phương và khách du lịch thường chỉ đi ngang qua mà không có nhiều không gian đặc sắc để “nán lại” hoặc sử dụng công trình. Do đó, nhiệm vụ chính của nhóm là khai thác tối đa kiến trúc có sẵn, từ đó hình thành những không gian mở, sống động, hội tụ đủ các yếu tố tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi và chụp hình lưu niệm…

Chia sẻ niềm vui với SV, thầy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng cho biết: “Vượt qua 49 đồ án đến từ 20 quốc gia để giành vị trí Á quân là điều không dễ dàng. Tôi mong rằng kết quả này là nền tảng cũng như kinh nghiệm để các em phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo trong thiết kế, mang đến những sản phẩm hay, dự án tốt phục vụ cho cộng đồng”.

HUYỀN TRÂM

;
;
.
.
.
.
.