Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các quốc gia xuất khẩu dầu phải tính chuyện lâu dài cứu giá cả nhiên liệu này vì sản lượng giảm sút và sự xuất hiện của xe điện cũng như năng lượng tái tạo.
Một nhà máy khai thác dầu thô ở Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Trong phiên giao dịch hồi đầu tuần này, giá dầu thế giới tăng hơn 1%. Song, các nhà đầu tư lo ngại về việc số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu gia tăng và tình trạng dư cung khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bắt đầu hạn chế các mức cắt giảm sản lượng.
Giá dầu hồi phục từ mức dưới 0 đồng hồi tháng 4 lên tới hơn 40 USD/thùng nhưng không có dấu hiệu tiếp tục hồi phục thêm. Lý do là làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát và dấu hiệu kinh tế không sáng sủa ở khắp nơi trên thế giới. Số lượng ca nhiễm tăng mạnh ở California (Mỹ). Thủ đô Manila (Philippines) và các tỉnh lận cận tiếp tục bị phong tỏa nghiêm ngặt. Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Úc - áp lệnh giới nghiêm. Nhiều quốc gia ở châu Âu cảnh báo nguy cơ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát trở lại vì số ca nhiễm tăng cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay, Mỹ sẽ giảm tới 6,5%. Ông Shrikant Madhav Vaidya, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Ấn Độ IOCL (Indian Oil Corporation Limited) cho biết, tình trạng giãn cách xã hội khiến mức sử dụng năng lượng giảm từ 93% hồi đầu tháng 7 xuống còn 75% vào cuối tháng 7. Trong khi đó, Royal Dutch Shell Plc (có trụ sở tại Hà Lan) và Exxon Mobil (có trụ sở tại Mỹ) - hai tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới - nhận định sẽ không phục hồi hoàn toàn nhu cầu tiêu dùng cho đến năm sau.
Dịch bệnh khiến sản lượng dầu thô tiêu thụ hằng ngày giảm 1/3. Năm ngoái, thế giới tiêu thụ 99,7 triệu thùng/ngày và OPEC dự đoán con số này trong năm 2020 là 91 triệu thùng/ngày và dự kiến năm 2021 thấp hơn năm 2019.
Giá dầu sẽ xuống nữa?
Khó có thể dự đoán chính xác diễn biến của thị trường dầu thế giới. Sau 3 tháng liên tiếp tăng giá dầu thô, Arabia Saudi - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - có thể cắt giảm giá bán chính thức. Các nhà máy tinh chế dầu và thương gia dầu mỏ ở châu Á hy vọng “gã khổng lồ” Aramco của Arabia Saudi sẽ giảm giá dầu trong tháng 9. Khảo sát của hãng tin Reuters với 5 nhà máy tinh chế dầu châu Á cho thấy, họ hy vọng giảm khoảng 0,61 USD/thùng. Trong khi đó, theo một khảo sát khác của Bloomberg, mức giảm kỳ vọng là 0,48 USD/thùng.
Giá dầu thô của Arabia Saudia thường được công bố vào ngày 5 hằng tháng, đặt ra xu hướng định giá cho châu Á trong tháng đó đối với các nhà xuất khẩu khác ở vùng Vịnh như Kuwait, Iran và Iraq. Giá của Aramco ảnh hưởng tới 12 triệu thùng/ngày của dầu thô các loại từ Trung Đông sang châu Á. Giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các quốc gia châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu cần thiết xây dựng khả năng bảo vệ và sự ổn định trong thị trường dầu thế giới đầy biến động.
Thời kỳ rực rỡ nhất của OPEC cách đây 12 năm khi giá dầu đạt đỉnh trên 145 USD/thùng. Giờ đây, Reuters phỏng vấn 7 quan chức liên quan tới OPEC nhưng yêu cầu giấu tên, nhận định chung rằng giá dầu giảm mạnh khiến 13 nước thành viên nghĩ về tương lai của loại nhiên liệu này.
OPEC từng xử lý những cú sốc cung - cầu trong các cuộc xung đột vùng Vịnh những năm 1980, 1990 và 2000 khá ổn. Tuy nhiên, lần này được cho là nghiêm trọng, bởi Covid-19 khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng dầu mỏ, họ quan tâm nhiều hơn tới xe điện (pin) và năng lượng tái tạo trong cuộc sống.
Triển vọng dư cung hiện “phủ bóng” lên giá dầu khi OPEC và các nước sản xuất liên minh (còn gọi là OPEC+), chuẩn bị nới lỏng chương trình cắt giảm sản lượng trước sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ. Trước đó, trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với OPEC+, Nga cam kết giảm khoảng 8,5 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 5 đến tháng 7-2020 nhằm hỗ trợ giá dầu. Từ tháng 8-2020, thỏa thuận này hết hạn. Trong hai ngày 1 và 2-8, sản lượng dầu khí của Nga tăng lên 9,8 triệu thùng/ngày so với mức 9,37 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
ANH THƯ theo OilPrice, Bloomberg, Reuters, FT