Đưa tác phẩm đến với bạn đọc thế giới

.

Thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch và xuất bản ồ ạt ở Việt Nam. Trong khi đó, văn học Việt đến với bạn đọc thế giới rất hạn chế. Một số tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ cá nhân của các nhà văn. Vì thế, việc nhà văn Kiều Bích Hậu (SN 1972) có tập thơ The Unknown (Ẩn số), viết bằng ngôn ngữ Anh, được chuyển ngữ tiếng Ý và xuất bản ở nước này vào  cuối tháng 7 vừa qua là tín hiệu vui. 

Bìa tập thơ Ẩn số - bản in tiếng Ý. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bìa tập thơ Ẩn số - bản in tiếng Ý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kiều Bích Hậu cho rằng, ở Việt Nam rất nhiều nhà văn có nhiều tác phẩm văn học chất lượng, nhưng số lượng nhà văn có tác phẩm được dịch và xuất bản ở nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong những lý do là chúng ta thiếu đội ngũ dịch giả. “Người Việt Nam đi du học nhiều và nhiều người trong số họ trở thành dịch giả, nhưng hầu hết dịch xuôi (do quá trình học tập ở nước ngoài, thông thạo ngôn ngữ, thẩm thấu vẻ đẹp văn hóa, văn học ở nước đó, nên họ dịch tác phẩm nước ngoài và giới thiệu với độc giả Việt Nam). Ngược lại, ít dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt.

Chúng ta tự dịch ngược thì thiếu tự tin vì vẫn dựa vào từ điển là chính, không tư duy bằng tiếng nước ngoài. Điều này quả thật là một thiệt thòi lớn cho đội ngũ nhà văn Việt Nam khi sức lan tỏa của tác phẩm không vượt qua biên giới”, nhà văn Kiều Bích Hậu phân tích.

Cũng theo nhà văn Kiều Bích Hậu, một trong những bất lợi của hầu hết các nhà văn Việt Nam là ngoại ngữ. Nhà văn Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn và sau này là Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li có thể đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, tiếp cận lượng bạn đọc vì họ biết dùng ngoại ngữ để liên tục kết nối với bạn văn nước ngoài. “Cơ hội xuất bản ở nước ngoài luôn có, chỉ có điều cá nhân mỗi nhà văn phải tự thân vận động, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc này để đặt mục tiêu và tiến tới mục tiêu”, nhà văn Kiều Bích Hậu nói.

Vậy thì phải chăng các nhà văn Việt Nam thiếu một “bà đỡ mát tay”, như Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn? Lẽ ra Hội phải trở thành cầu nối quan trọng, thường xuyên, liên tục để đưa văn học Việt ra thế giới, nhưng công việc này lâu nay không thường xuyên.

Nhà văn Kiều Bích Hậu.
Nhà văn Kiều Bích Hậu.

Thực tế, Hội Nhà văn Việt Nam có mối liên hệ với rất nhiều tổ chức văn học cũng như các nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản ở các nước trên thế giới. Bốn sự kiện “Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam” được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong những năm qua đã thu hút rất nhiều bạn quốc tế tham dự. Các hội nghị là cơ hội tốt để mỗi nhà văn, nhà thơ Việt Nam chủ động kết giao với bạn quốc tế, giao lưu thường xuyên. Nhưng một số nhà văn đã tự chủ động kết nối để xuất bản tác phẩm ra nước ngoài, thay vì chờ Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ tâm thế đó, 2 năm qua, nhà văn Kiều Bích Hậu quyết định trực tiếp sáng tác bằng ngôn ngữ Anh và tìm cách xuất bản ở nước ngoài. “Mùa xuân năm 2019 tôi sang châu Âu, gặp một người bạn thích trò chuyện về chữ nghĩa, thích gieo vần và sáng tạo với mỗi chữ. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên trong tập The Unknown (Ẩn số) đã đến với tôi vào một đêm trong ngôi nhà giữa rừng Rotselaar (Vương quốc Bỉ), tôi chợt tỉnh ngủ, trằn trọc và từng câu thơ cứ hiện lên. Tôi thấy thú vị nên trở dậy, viết vào một tờ giấy nháp. Những ngày sau đó, tôi viết thơ khi ở Bỉ, khi sang Pháp, lúc đang làm bếp, hoặc khi đợi tàu điện ngầm… Tập thơ gần như hoàn tất trong thời gian tôi ở châu Âu”, nhà văn Kiều Bích Hậu cho biết.

Nói về lý do viết bằng tiếng Anh, Kiều Bích Hậu chia sẻ: “Tôi có một số truyện ngắn được dịch tiếng Anh, in trong nước và nước ngoài. Nhưng khi đọc bản dịch, tôi không ưng ý lắm. Tôi nghĩ, hay là mình tự dịch truyện của mình. Rồi tôi tự dịch truyện của mình, nhưng thấy tốn thời gian quá, trong khi tôi còn dư ý tưởng chưa viết ra thành truyện. Đến khi viết tác phẩm bằng tiếng Anh, tôi thấy rằng mình tiết kiệm được thời gian, kinh phí và quan trọng là ý tưởng cũng như cảm xúc nguyên vẹn. Tôi biết Nguyễn Phan Quế Mai cũng đang làm điều này. Khi viết bằng tiếng Anh, vẫn nguyên liệu đó nhưng cách thể hiện được quốc tế hóa, sẽ dễ đến với bạn đọc thế giới hơn”.

Ẩn số là tập thơ đầu tay của Kiều Bích Hậu, với 33 bài thơ tình giàu cảm xúc. Nhà thơ - dịch giả Laura Garavaglia là người đã chuyển ngữ sang tiếng Ý. Đây là tập sách thứ hai của Việt Nam được NXB iQdB Edizioni by Stefano Donno chọn in.

Về tập thơ Ẩn số, nhà thơ - dịch giả Laura Garavaglia nhận xét: “Đó là giọng nói của một người phụ nữ Việt “với một giọng nói khác biệt” tìm sự khẳng định bản thân trong tình yêu, giải phóng khỏi các định kiến giới tính và bất bình đẳng vẫn hiện diện trong xã hội. Tôi rất vui khi được dịch những câu thơ của cô ấy từ nguyên bản tiếng Anh. Tập thơ The Unknown (Ẩn số) là những câu thơ mà tác giả dành cho người đàn ông cô yêu, ở rất xa vì cô sống ở lục địa khác…”.

THƯ HOÀNG


 

;
;
.
.
.
.
.