Cầu lông là môn thể thao duy nhất mà Indonesia có được huy chương vàng (HCV) ở Olympic. Từ một môn rèn luyện thể dục bình thường của người dân, cầu lông đang trở thành cái “hồn” của thể thao đất nước vạn đảo.
Một CLB cầu lông danh tiếng ở Jakarta. Ảnh: New York Times |
Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia Raja Sapta Oktohari nói rằng, cầu lông không chỉ đơn thuần là trò tiêu khiển bình thường mà còn là một phần kết cấu xã hội đặc trưng ở Indonesia. Người dân chơi ở sân vườn nhà mình, chơi ở nơi công cộng chật chội và các nhân viên cửa hàng cũng cầm vợt khi vắng khách. Như vậy, nói tới thể thao Indonesia là nói tới cầu lông. Xét về thuần túy yếu tố thể thao thì cầu lông là môn duy nhất Indonesia gặt hái được HCV ở Olympic (Đại hội thể thao thế giới) với 7 lần.
Olympic Tokyo 2020 phải hoãn vì dịch bệnh là cú đánh mạnh vào giấc mơ có thêm ít nhất 1 HCV nữa cho cầu lông nói riêng và thể thao Indonesia nói chung. Covid-19 buộc các CLB và sân tập cầu lông khắp Indonesia phải đóng cửa. Bất cứ sự nới lỏng nào cũng đủ làm sống lại thói quen ra sân tập luyện trở lại của người dân dù phải đeo khẩu trang. Đội tuyển quốc gia phải tổ chức một giải đấu nội bộ để vận động viên không bị “cùn” tay trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh.
Rudy Hartono là một trong những tay vợt đánh đơn vĩ đại nhất Indonesia và từng thống trị thế giới trong những năm 1970. Ông Hartono cho rằng, tình yêu sâu sắc của người dân xuất phát từ thực tế đó là môn rèn luyện sức khỏe hằng ngày. “Khi bạn tới những ngôi làng nhỏ thì sẽ thấy từ 18 giờ cho tới nửa đêm, mọi người tập trung ra sân của nhà để chơi cầu lông”, ông Hartono cho biết. Quan trọng hơn, chủ CLB Tangkas ở thủ đô Jakarta là Yuppy Suhandinata nhận định đây là môn thể thao kết nối dân tộc. Người chơi tới từ mọi sắc tộc ở Indonesia, tất cả đều được mời đọc lời cầu nguyện theo tôn giáo của họ trước mỗi buổi tập. Đó là truyền thống được truyền tụng ở mức cao nhất, ngay cả trong những buổi tập của đội tuyển quốc gia.
Dấu ấn của Indonesia trên đấu trường Olympic là ngôi vô địch của Christian Hadinata năm 1972 trên đất Đức. Rất tiếc năm đó, cầu lông chỉ là môn trình diễn nên Hadinata không có được tấm HCV. 20 năm sau, môn cầu lông chính thức được tranh tài ở Tây Ban Nha 1992 thì Susi Susanti và người yêu của cô là Alan Budikusuma (bây giờ là vợ chồng) đoạt hai HCV đánh đơn cho Indonesia. Cả hai đã khóc khi cờ Indonesia được kéo lên ở Barcelona và thực sự ngỡ ngàng trước “biển người” chào đón họ trở về.
Thủ đô Jakarta là nơi cung cấp nhiều tuyển thủ nhất cho đội tuyển cầu lông. Susanti từng phải rời quê nhà để lên thủ đô trọ học và tập luyện từ lúc còn ở tuổi thiếu niên trong một CLB danh tiếng trước khi vô địch ở Barcelona. Liliyana Natsir từng 4 lần vô địch thế giới và vô địch đôi nam nữ ở Olympic Rio 2016 cũng đã phải đi theo con đường của đàn chị Susanti. Natsir rời quê nhà Manado để tới CLB Tangkas từ năm 12 tuổi để tập luyện.
Những thành công đó cùng với việc Olympic Tokyo 2020 chuyển sang năm sau đang trở thành áp lực đè nặng hơn lên các thành viên đội tuyển quốc gia Indonesia. Marcus Fernaldi được nhìn nhận có khả năng vô địch đôi nam ở Tokyo thừa nhận là áp lực nên phải tìm cách duy trì tập luyện trong mùa dịch bệnh. “Mọi người đều mong chúng tôi giành chiến thắng, đơn giản đây là môn cầu lông và Indonesia”, Marcus Fernaldi nói.
TỊNH BẢO (tổng hợp)