Một người Quảng thông thái

.

Nguyễn Đình Hòe không những là Phó Hiệu trưởng Trường Hậu bổ (trường dạy các quan), mà còn là một trong 3 người Việt tham gia thành lập Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué - AAVH).

Chân dung Nguyễn Đình Hòe và một trong những bìa Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ. (Ảnh tư liệu)
Chân dung Nguyễn Đình Hòe và một trong những bìa Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ. (Ảnh tư liệu)

Hội Những người bạn Cố đô Huế và 3 sáng lập viên người Việt

Hội Những người bạn Cố đô Huế còn được gọi là Hội Đô thành Hiếu cổ, được thành lập ngày 16-11-1913 theo sáng kiến của Linh mục Léopold Cardière, lúc này đang là Tuyên úy của Trường Pellerin. Hội ra đời với mục đích “sưu tầm, bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, văn học châu Âu cũng như bản xứ liên quan đến Huế và vùng phụ cận”. Trụ sở Hội đặt tại điện Long An trong Đại nội Huế, lúc này là thư viện của Trường Quốc tử giám, về sau là Musée Khải Định - tiền thân của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế ngày nay.

Hội có điều lệ rất chặt chẽ và chi tiết gồm 23 điều khoản, đề cập chức năng, nhiệm vụ và cách tổ chức Hội, do Khâm sứ Trung kỳ J.E.Charles ký duyệt ngày 14-11-1913, hai ngày trước khi AAVH chính thức thành lập. Ban đầu, Hội có 17 hội viên nòng cốt được xem là sáng lập viên, trong đó có 3 người Việt Nam: Hoàng tử Bửu Liêm (em vua Thành Thái), Đào Thái Hanh (Tham biện viện Cơ Mật), Nguyễn Đình Hòe (Phó Hiệu trưởng Trường Hậu bổ).

Điều lệ Hội quy định, 2 loại hội viên: hội viên hoạt động và hội viên danh dự. Muốn trở thành hội viên hoạt động phải viết đơn gửi Chủ tịch Hội, được 2 hội viên giới thiệu và kết nạp trong các cuộc họp hằng tháng theo hình thức vỗ tay. Hội viên danh dự do Hội trưởng đề cử và hội viên bầu…

 Năm 1914, Hội ra mắt tập san Những người bạn của Cố đô Huế (trước đó được gọi là Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ, BAVH), chuyên viết về các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo, phong tục, mỹ thuật, ngôn ngữ… Tập san phát hành định kỳ theo quý, được đánh giá là tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó, sau tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ.

Tạp chí Sông Hương số 294 kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Những người bạn cố đô Huế (1913-2013) nhấn mạnh rằng, suốt 30 năm tồn tại (1914-1944), Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ đã phát hành 121 tập san và một tập danh mục, tổng cộng 13.000 trang viết, 2.800 phụ bản, 700 bản khắc đen trắng và màu rất công phu. Nguồn tư liệu quý này có sự đóng góp của 3 người Việt, trong đó có Phó Hiệu trưởng Trường Hậu bổ Nguyễn Đình Hòe.

 Một hội viên thông thái

 Tạp chí Sông Hương số 294 có bài viết Về hai người Việt cộng tác sớm nhất cho tập san BAVH: Nguyễn Đình Hòe và Đào Thái Hanh. Theo đó, Nguyễn Đình Hòe sinh năm 1866 tại làng Thọ Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhưng quê gốc ở làng Hiền Lương, huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Thân sinh của ông là một võ quan, làm Quản đốc chiến thuyền dưới thời Tự Đức, đã đưa gia đình ra sinh sống ở Huế.

Lúc nhỏ, Nguyễn Đình Hòe được gia đình cho học tại Trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông về lại Huế làm thông ngôn. Năm 1894, ông làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Huế, sau chuyển qua dạy Pháp văn tại Trường Quốc học. Từ năm 1901-1911, ông làm Giám đốc kiêm giáo sư tại Trường Sư phạm Pháp Việt. Năm 1911, ông được cử làm Phó Đốc giáo (Giám học - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn) cho Trường Hậu bổ. Trường Hậu bổ là ngôi trường đặc biệt, được thành lập năm 1911 dưới triều Duy Tân có nhiệm vụ bổ sung kiến thức về Pháp văn, Hành chánh và Pháp luật trong 3 năm cho những trung đại khoa Nho học (đỗ cử nhân, phó bảng, tiến sĩ) trước khi họ được ra làm quan.

Năm 1921, khi Trường Hậu bổ bị giải thể, Nguyễn Đình Hòe chuyển về dạy ở Quốc tử giám; năm 1923 được cử làm Thượng thư Bộ Lễ cho đến năm 1935 mới về hưu. Ông mất năm 1942, thọ 76 tuổi. Nhà thờ ông hiện nay ở số 12 Bạch Đằng, Huế. Ông cũng là nhạc phụ của vua Khải Định.

Từ năm 1913, Nguyễn Đình Hòe tham gia sáng lập Hội Những người bạn Cố đô Huế. Ông còn tham gia cả hai ban chính của Hội: Ban chuyên trách việc biên soạn và xuất bản tập san BAVH, do linh mục Léopold Cadière đứng đầu và Ban Tuyên truyền vận động cho Bảo tàng Khải Định do Thân Trọng Huề làm chủ tịch. Ông có nhiều chuyên đề nghiên cứu về văn hóa lịch sử Huế có giá trị đăng trên Tập san BAVH (nguyên văn tiếng Pháp).

Các công trình nghiên cứu đồ sộ của Nguyễn Đình Hòe được giới trí thức đánh giá cao. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nhận định: “Với các nguồn tư liệu dân gian qua giai thoại, câu hò, câu hát, ca dao, tác giả Nguyễn Đình Hòe cũng có phác thảo bước đầu về những đặc trưng văn hóa dân gian xứ Huế; bài khảo cứu này lại có thêm phần chú thích phong phú và uyên bác của linh mục L.Cadière, mở ra một số gợi ý nghiên cứu địa danh học xứ Huế... Nếu không có sự biên khảo có tầm vóc lớn như thế, giới nghiên cứu chúng ta ngày nay sẽ rất khó trong việc đi tìm tư liệu lịch sử đối với văn hóa lịch sử Huế xưa…”.

 Người Quảng rất tự hào về Nguyễn Đình Hòe, một “người thầy của các quan”, một nhà nghiên cứu thông thái và say mê với công việc.

LÊ THÍ


 


 

;
;
.
.
.
.
.