Người tình không chân dung (NXB Hội Nhà Văn và Công ty CP sách Tao Đàn phát hành tháng 7-2020) là tập sách vô cùng đặc biệt, không chỉ dành riêng cho những trái tim yêu môn nghệ thuật thứ bảy mà còn cho cả người khát khao tìm tòi về một giai đoạn lịch sử bị lãng quên.
Nếu điện ảnh miền Bắc là mảnh đất màu mỡ cho những phân tích, nghiên cứu và mổ xẻ tương đối sâu rộng trên hầu khắp các diễn đàn thì điện ảnh miền Nam tồn tại dưới dạng những giai thoại hay hình hài của một bức chân dung không rõ nét. Trăn trở về điều này, nhà báo, cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đã lội dòng lịch sử để khám phá di sản của điện ảnh miền Nam trước năm 1975.
Tại miền Nam, điện ảnh tư nhân bắt đầu xuất hiện từ năm 1955 và đến năm 1957 thì có tới 37 bộ phim truyện được sản xuất. Trong gần 20 năm, điện ảnh miền Nam đã xây dựng được một thị trường điện ảnh với hầu hết các bộ phim mang tính giải trí, hướng tới khán giả bình dân, nhưng vẫn có một số tác phẩm có giá trị do những đạo diễn được đào tạo bài bản hoặc có tư tưởng cấp tiến thực hiện.
Với sự hỗ trợ từ quỹ Famlab của Hội đồng Anh, Lê Hồng Lâm tiến hành khảo cứu điện ảnh miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 từ nhiều nguồn tư liệu lẫn gặp gỡ những diễn viên cuối cùng của một thời quá vãng. Nhưng tác giả vẫn đau đáu vì số lượng phim được xem còn quá ít ỏi, tài liệu báo chí, hồi ký hay tư liệu cá nhân chưa đầy đủ và nhiều nhân vật quan trọng khác - đặc biệt là những đạo diễn lớn - đã qua đời. Vì vậy, anh gọi dự án cá nhân của mình là Người tình không chân dung - “người tình” mà anh chưa gặp mặt, cũng không có nhiều trải nghiệm.
Mặc dù Lê Hồng Lâm cho rằng, mình chỉ tìm lại bóng dáng của “người tình” qua những lát cắt nhỏ, nhưng theo 285 trang viết, một thời vàng son, một thời thăng trầm của những thước phim âm bản gắn liền dòng chảy lịch sử nước nhà lại hiện lên rất rõ. Ở phần 1, tác giả đưa người đọc băng qua những buổi đầu đến giai đoạn hoàng kim, khủng hoảng, lụi tàn với các tác phẩm tiêu biểu được phân tích chỉn chu, cẩn trọng cũng như sự tổng hợp, khái quát, đánh giá kỳ công…
Khác với giọng văn có phần tỉnh táo ở nửa đầu cuốn sách, phần 2 dạt dào cảm xúc hơn khi viết về những chân dung nghệ sĩ tiêu biểu của điện ảnh miền Nam. Người đọc tưởng chừng như đang cùng tác giả ngồi cạnh Kiều Chinh và trôi vào miền ký ức của người diễn viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt nhiều thành tích đáng nể tại Hollywood, từ Hà Nội, Sài Gòn đến Hollywood rồi dừng lại ở “cõi tôi” của bà.
“Lối viết thôi miên người đọc” của Lê Hồng Lâm như đạo diễn Việt Linh từng nhận xét được minh chứng trong Người tình không chân dung. Người đọc vừa mới rộn ràng trong không khí phim trường cách đây hơn 45 năm, thậm chí 50 năm cùng tài tử Trần Quang - người được ví là “Clark Gable Việt Nam”, lại thoáng khắc khoải với cuộc đời “người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng.
Chưa hết lắng đọng vui buồn cùng “người phụ nữ hấp dẫn nhất của Sài Gòn thập niên 60-70” Kim Vui, đã vội thương cháy lòng nghệ sĩ Kim Cương. Qua ngòi bút Lê Hồng Lâm, người đọc không chỉ ngưỡng mộ phong cách đạo diễn khác biệt của Hoàng Vĩnh Lộc mà còn thán phục đạo diễn Lê Mộng Hoàng với những bộ phim tình cảm lãng mạn, hay ông vua phim giải trí của Sài Gòn Lê Hoàng Hoa…
Có cuộc phỏng vấn khiến tác giả “lạnh người” khi nhân vật như sống lại thời quá vãng với lời thoại chính xác và đài từ vẫn vang rền nền. Có chân dung được người trong cuộc rút ruột gan như “lời chia sẻ cuối cùng với báo chí”, cũng có chân dung gợi nhớ từ ký ức của những nghệ sĩ cùng thời. 9 chân dung là 9 câu chuyện, 9 cá tính nhưng đều tài hoa và đam mê cháy bỏng với sự nghiệp điện ảnh, được Lê Hồng Lâm khắc họa đầy nâng niu và trân trọng.
Sách khổ lớn (17x24cm) được in màu toàn bộ, với rất nhiều tư liệu hình ảnh quý giá, nhiều tư liệu trong số đó chưa từng công bố trước đây.
Nhà báo Lê Hồng Lâm sinh năm 1977, là cây bút phê bình điện ảnh nổi tiếng. Các tác phẩm đã ra mắt của anh: Xem chữ đọc hình (2005), Chơi cùng cấu trúc (2009), Cánh chim trong gió (2016), Sự lưỡng nan của tình thế làm người (2018), 101 bộ phim điện ảnh Việt Nam hay nhất (2018). |
KHA MIÊN