Mong muốn góp phần giảm ô nhiễm ánh sáng, nhóm 4 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đã sáng chế thiết bị cảm biến đèn pha xe thông minh. Dự án được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn, đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo công nghệ dành cho học sinh THPT U-Invent vào tháng 7-2020.
Nhóm học sinh xuất sắc giành giải nhất cuộc thi sáng tạo công nghệ dành cho học sinh THPT U-Invent. (Ảnh chụp ngày 19-7-2020)Ảnh: T.L |
Nhóm học sinh gồm Phan Quốc Lê, Võ Khang (cùng học lớp 10A4), Lê Tăng Phú Quý (lớp 10A5) và Lưu Nguyễn Ngọc Nhi (lớp 10D1). Theo các thành viên của nhóm, ô nhiễm ánh sáng là loại ô nhiễm gây ra nhiều tai nạn không đáng có nhưng chưa nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Thông thường ô-tô, mô-tô có hai chế độ đèn pha và đèn cốt. Tùy vào tình hình giao thông trên đường, người khiển xe sử dụng hoặc thay đổi hợp lý giữa 2 chế độ đèn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức làm được điều này. Khi có 2 ô-tô đi ngược chiều vào ban đêm, việc một trong hai xe sử dụng sai chế độ đèn làm người điều khiển xe ở phía đối diện bị chói mắt, dễ dẫn đến hiện tượng mù tạm thời, ảo giác.
Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng bởi người điều khiển ô-tô nhầm lẫn giữa đèn cốt và đèn pha, sai lệch về vị trí xe đối diện. “Trong quá trình khảo sát, cả nhóm đều gặp tình huống chói mắt khi ngồi ở ghế phụ, ghế sau ô-tô; một số bạn bè tham gia giao thông bằng xe đạp, xe điện ban đêm cũng gặp tình huống tương tự. Với sáng chế “Thiết bị cảm biến đèn pha xe thông minh”, chúng em muốn cảnh báo người điều khiển ô-tô nếu phía trước có phương tiện sử dụng đèn pha không hợp lý, giúp họ đưa ra phản ứng kịp thời như giảm tốc độ hoặc né tránh”, thành viên Lưu Nguyễn Ngọc Nhi cho biết.
Bộ thiết kế nhỏ gọn gắn ngoài ô-tô, không tác động đến cơ chế nền tảng của xe, sử dụng tích hợp các loại cảm biến để nhận biết từ xa vào buổi tối nếu có xe đi ngược chiều (so với xe có lắp đặt thiết bị - PV). Khi đèn pha xe đối diện gây hiện tượng chói mắt, thiết bị sẽ phát cảnh báo cho tài xế, đồng thời cảnh báo cho người lái xe đối diện qua hệ thống đèn Led.
Từ đó, tài xế nhận biết trước được đèn pha, chủ động xử lý giảm tốc độ, cấm vượt. Lưu Nguyễn Ngọc Nhi cho biết, trong quá trình thực hiện, nhóm gặp một số khó khăn vì lần đầu tiếp cận dự án nghiên cứu khoa học. “Hồi hộp nhất là hôm tham dự vòng chung kết U-Invent. Trước thi 1 ngày, khi nhóm đang quay video chạy thử sản phẩm thì bất ngờ mạch điện bị cháy.
Trong khi các thành viên đang sửa chữa thì vô tình làm rơi mạch điện vào nước, thời điểm ấy là cuối tuần, lại tối nên không thể tìm ra cửa hàng bán linh kiện thay thế. Còn 30 phút đến lượt nhóm thi, các thành viên gần như tuyệt vọng thì may mắn đã tìm ra lỗi của mạch điện để sửa chữa. Đó là một giải nhất đầy cảm xúc”, Lưu Nguyễn Ngọc Nhi bộc bạch.
Tham gia cuộc thi, nhóm được các giảng viên của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) hướng dẫn, giúp đỡ, đặt những bước nền đầu tiên trong việc hiện thực hóa ý tưởng của mình thành dự án cụ thể. Thông qua cuộc thi, nhóm của Nhi có nhiều thay đổi tích cực, học hỏi nhiều kinh nghiệm, biết về quy trình thực hiện một dự án nghiên cứu. Các thành viên cũng học được kỹ năng thuyết trình, cách quản lý thời gian, kỹ năng xử lý tình huống.
Cuộc thi sáng tạo công nghệ dành cho học sinh THPT U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng tổ chức. Đây là năm thứ 3 liên tiếp cuộc thi được tổ chức, là sân chơi thú vị và bổ ích cho học sinh khối THPT toàn thành phố tham gia sáng tạo khoa học công nghệ, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống. |
THIÊN LAM