Hãy cho đi yêu thương

.

Chắc hẳn, không ít người trong chúng ta có một tuổi thơ gắn bó với hình ảnh các cô… thu mua đồng nát. Tiếng rao “Ai có sách vở cũ, dép đứt quai, chai, lọ gì bán hông?” hẳn khiến bao đứa trẻ từ bỏ giấc ngủ trưa để đợi chờ. Chị em tôi cũng vậy. Chừng một tuần mươi ngày là chúng tôi dồn được hơn chục vỏ lon bia, nước ngọt, vài miếng nhôm thiếc đập dập, và tập vở cũ, giấy thừa.

Hạnh phúc hay bi ai thực sự chỉ bản thân mình mới hiểu mà thôi. Ảnh: New York Times
Hạnh phúc hay bi ai thực sự chỉ bản thân mình mới hiểu mà thôi. Ảnh: New York Times

Chừng đó tính ra chỉ bán được 500 - 1.000 đồng, vừa đủ 2 que kem cho 3 chị em ăn chung. Đồ đạc chẳng đáng là bao nhưng chị em tôi phải đợi bằng được bà Lùn đi ngang qua mới đem ra bán. Bà Lùn chỉ cao tầm 1,3 mét, phương tiện mưu sinh gắn bó với bà là chiếc xe Chaly. Mỗi khi đi đến đoạn nhà tôi, cái xe đã chất đầy đồ đồng nát khiến bà phải trẹo một bên lưng mới cáng đáng nổi.

Cô em út tôi thấy bà Lùn đẩy xe nặng nề, cực nhọc, mồ hôi túa ra như tắm thì bảo: “Thôi bữa sau đừng bán cho bà Lùn nữa, kẻo bà chất thêm đồ lên xe, đẩy nặng lắm, tội bà”. Đứa em thứ xen vào: “Mi khờ quá, bà Lùn nghèo như rứa thì càng cần mình bán đồ nhiều, bà mới có tiền mua cơm ăn, hiểu không?”. Trong suy nghĩ của chúng tôi lúc ấy, những người đi bán đồng nát ve chai thực sự rất nghèo khó.

Bẵng đi một thời gian, tôi thôi nghe tiếng rao trưa lanh lảnh của bà Lùn. Việc học, việc làm đẩy đưa khiến giấc ngủ trưa cũng cần được chắt chiu. Cho tới gần đây, tôi gặp lại bà Lùn trên đường, vẫn chiếc Chaly cũ mèm, vẫn dáng tảo tần, lam lũ. Nhưng bà dừng xe nơi ngôi nhà 3 tầng khang trang trên con đường 10,5 mét đắc địa.

Bà cười tươi rói giới thiệu: “Nhà cô Lùn đó con, vô chơi”. Nơi phòng khách đủ đầy tiện nghi là những tấm hình gia đình 5 người nhà bà tươi cười hạnh phúc. Cả 3 người con đều ăn học thành tài từ gánh đồng nát bao năm của mẹ. Bà Lùn bảo, chừ con cái cô lớn hết rồi, đứa làm ở ngân hàng, đứa làm kế toán, đứa sắp ra trường. Cô không cực như hồi xưa nữa nhưng vẫn không bỏ nghề. Cái nghề này đã giúp cô nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Ai chê thì chê chớ cô mang ơn lắm. Hồi nào không còn đủ sức khỏe thì cô mới nghỉ.

Rời khỏi nhà bà Lùn mà lòng tôi không khỏi mừng cho người phụ nữ cả đời vất vả. Ai đó từng nói, hạnh phúc là cảm giác đến từ nội tâm chứ không từ nhận định của người khác. Hạnh phúc hay bi ai thực sự chỉ bản thân mình mới hiểu mà thôi. Mỗi người đều có một cuộc đời riêng. Người khác không thích bạn, bàn tán về bạn, hay thậm chí đơm đặt chuyện đi nữa, cũng đừng phiền lòng mà hãy chấp nhận vì đó là quyền của họ. Chuyến tàu cuộc đời này dài lắm, sẽ có rất nhiều người lên và xuống tàu, đừng quan tâm những người chỉ đem đến cho bạn nguồn năng lượng xấu. Họ có cuộc sống của họ, bạn có hạnh phúc của mình. Mọi thứ sẽ thật nhẹ nhàng nếu chúng ta không quan trọng hóa nó lên.

Cuộc đời của mỗi chúng ta cũng vậy. Có thể có những thời điểm những cái xui rủi ập đến liên tục, cảm giác lẻ loi như thể “cả thế giới quay lưng lại với mình”, nhưng bạn có đồng ý rằng, cứ sau 1 ngày, nỗi đau lại dịu đi đôi chút! Đừng bao giờ tạo ra những bi kịch không cần thiết. Ngày mai sẽ khác hôm nay và hôm qua. Một quy tắc vàng của cuộc sống đó là nếu bạn muốn tình yêu, hãy cho đi yêu thương; nếu bạn muốn tình bạn, hãy cư xử thân thiện; nếu bạn muốn tiền, hãy cho đi khả năng của mình. Chỉ đơn giản như vậy thôi.

Nếu bạn muốn tình yêu, hãy cho đi yêu thương; nếu bạn muốn tình bạn, hãy cư xử thân thiện; nếu bạn muốn tiền, hãy cho đi khả năng của mình. Chỉ đơn giản như vậy thôi.

THẠCH LAM

;
;
.
.
.
.
.