Màu của bếp

.

Đã không biết bao nhiêu lần một mình đơn độc trên những chặng đường dài xa lạ, tôi ước được trở về căn bếp của mẹ, để sà vào lòng mẹ mà hít hà mùi trứng chiên, đậu xào mà đến giờ vẫn còn vương vất.

Hồi tôi còn nhỏ, sức khỏe tôi khá yếu. Căn bệnh hen suyễn bẩm sinh khiến tôi ít có cơ hội tham gia những trò chơi cần vận động. Những năm tháng ấy, phần vì y học chưa phát triển, phần nhà tôi không có điều kiện chạy chữa đến nơi đến chốn nên bệnh thành mạn tính. Mẹ tôi thương con nên thường bồi dưỡng cho tôi món cháo lươn đồng. Những con lươn đồng nâu bóng, mình thuôn, thịt chắc được mẹ mua lại từ những người đánh bắt đêm hôm trước. Mẹ chà sát nhớt trên mình lươn bằng muối hạt, rồi luộc lên, tuốt thịt, ướp kỹ với nghệ, nén, hành tím, ớt…

Tôi thường bó gối ngồi nhìn mẹ cặm cụi dưới bếp. Từng giọt mồ hôi mẹ rịn trên vầng thái dương, làn khói bếp lẩn khuất, lưng áo mẹ ướt đẫm. Tôi nghe cả tiếng mẹ khua đũa dưới bếp. Món cháo lươn vì thế luôn gợi cho tôi hơi ấm từ tình thương của mẹ, từ căn bếp chật hẹp ngày ấy.

Ngày xa mẹ để tung bay trên chặng đường mới, tôi bùi ngùi ra vào căn bếp 2-3 lần. Mẹ rưng rưng bảo, hồi nào thích ăn gì thì nói mẹ gửi vào. Ai bảo mẹ đẻ toàn “vịt giời”, đủ lông đủ cánh là bay đi hết. Đã không biết bao nhiêu lần một mình đơn độc trên những chặng đường dài xa lạ, tôi ước được trở về ấm áp căn bếp của mẹ, để sà vào lòng mẹ nghe mùi trứng chiên, đậu xào mà đến giờ vẫn còn vương vất...

Khi tôi học đại học, thầy tôi - TS. Trần Long (Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Bếp có ấm, nhà mới an và giàu sang sẽ đến”. Thầy giải thích: Từ rất lâu, phụ nữ Việt Nam dù bình dân hay quý tộc đều gắn bó với gian bếp, là người giữ lửa, giữ tài khí cho gia đình. Vì vậy, chúng ta mới có quan niệm bếp có ấm thì gia đạo mới an khang, bếp ấm, gia đạo an khang là nền tảng thuận lợi để vượng khí sinh sôi.

Chẳng biết từ bao giờ, tôi thường nhìn vào những gia đình xa lạ ở khung 18 giờ. Sự sum vầy của họ làm tôi thấy ấm áp, vơi nỗi nhớ nhà. Tôi biết rằng, ở khung giờ ấy, mẹ cũng đang ngóng đợi chúng tôi. Bếp ở nơi nào mà chẳng giống nhau, đều gần gũi, thân thương.

Có lần, tôi ghé quán ăn nhỏ trên đường An Thượng 18 (quận Ngũ Hành Sơn). Trong căn bếp hẹp, người phụ nữ lớn tuổi chỉ bày cho cô gái - đang loay hoay trang trí món ăn. Bà thúc giục vừa đủ nghe: “Con phải nhanh tay lên, một tay nếm nồi nước súp, tay kia con phải tranh thủ đồ xôi, đừng để quá lửa…”. Cô gái trẻ thoăn thoắt làm theo. Cô gái phân trần: “Em mới mở tiệm hơn tuần nay. Mẹ em từ Nghệ An vào phụ giúp thời gian đầu. Các món ăn của quán đều từ căn bếp của mẹ - những món mẹ đã nấu cho anh em em ăn từ ngày thơ bé. Đó là súp lươn, xôi nếp, xáo gà, bánh canh…

Em đã thuộc lòng cách nấu, nhưng mẹ vẫn xem em là cô bé… chỉ biết ăn ngày nào”. Cô gái trẻ ấy đã khởi nghiệp từ những món ăn giản đơn nơi căn bếp của mẹ. Đây là một lựa chọn mà chính cô cũng không ngờ. Đôi chân ấy đã đi muôn nơi, làm các công việc từ văn phòng đến thiết kế thời trang, mỹ phẩm. Để bây giờ, khi đứng trong căn bếp này, tỉ mỉ nêm nếm thức ăn, trang trí bày biện, cô nhận ra, căn bếp của những người phụ nữ Việt (như mẹ cô) không chỉ làm nên những món ăn ngon miệng mà còn mang đến những bài học từ tâm hồn sâu sắc.

Xung quanh chuyện bếp núc, nhiều câu hỏi đặt ra, trong cuộc sống hiện đại, khi người ta ngày càng nói nhiều về bình đẳng giới thì người phụ nữ có nhất thiết phải “lăn vào bếp”, tự ôm lấy sứ mệnh “giữ lửa”? Rất khó áp dụng công thức chung cho tất cả mọi người. Về phía mình, tôi chỉ nghĩ đơn giản, người phụ nữ chọn cách gửi tình yêu của mình qua từng bữa ăn. Bằng tình yêu thương ấy, chỉ họ mới có thể hiểu chồng, con thích ăn món gì, mặn nhạt ra sao. Những món ăn được truyền đi cũng là lúc những thành viên trong gia đình cảm nhận rằng, chỉ có thể là vợ, là mẹ mới nấu được những món ăn đúng “gu” của mình như vậy. Đó cũng là lúc người phụ nữ khẳng định giá trị của mình trong gia đình, cũng như trong tâm trí của những người thân yêu.

Tôi rất thích cách ví von: “Hôn nhân như căn bếp, ấm lạnh do người nhóm lửa”. Một gia đình có người phụ nữ luôn bày biện cơm dẻo, canh ngọt, có người chồng luôn từ chối “cơm hàng cháo chợ” để trở về căn bếp ấm, gia đình ấy hẳn hạnh phúc. Dẫu ngoài kia mưa gió, căn bếp ấm sực sẽ giữ gia đình luôn nồng nàn yêu thương.

THẠCH LAM

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
Bếp từ công nghiệp Cách chọn máy lọc nước ion kiềm Nhật chuẩnMua máy làm kem tươi giá tốt Máy rửa bát Bosch Serie 8 chính hãngQuang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ