Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông trong giới trẻ và cộng đồng, nhóm AMIGOS, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã xây dựng dự án “Giới trẻ chung tay xây dựng văn hóa giao thông ở Việt Nam”. Dự án vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải Top 10 “Cuộc thi Dự án tình nguyện Việt Nam 2020”.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng với dự án "Giới trẻ chung tay xây dựng văn hóa giao thông ở Việt Nam". Ảnh: T.L |
Nguyễn Thị Thu Uyên, Trưởng nhóm AMIGOS cho biết, thông qua các phương tiện thông tin và qua quá trình tham gia giao thông thực tế, nhận thấy thực trạng giao thông ở Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia, nhóm đã đưa ra ý tưởng và lên kế hoạch làm dự án tình nguyện với mong muốn góp phần cải thiện và nâng cao ý thức giao thông của cộng đồng.
Dự án được nhóm triển khai 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng kênh thông tin bằng fanpage song ngữ Việt - Anh; giai đoạn 2 tạo group (nhóm) tình nguyện viên hỗ trợ du khách nước ngoài tham gia giao thông ở Việt Nam và cuối cùng là đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm luật giao thông… Trên fanpage “Traffic Safety in Vietnam”, nhóm đã xây dựng phương án tuyên truyền kiến thức, quy định pháp luật về an toàn giao thông ở Việt Nam thông qua hình ảnh, video, minh họa trực quan bằng song ngữ Việt - Anh. “Thông qua các sáng kiến, đề xuất này, nhóm muốn góp phần vận động giới trẻ, các bạn sinh viên (SV) Việt Nam hưởng ứng, cam kết chấp hành pháp luật; tiếp nhận, quảng bá hình ảnh, video clip của cộng đồng chia sẻ, giới thiệu những tình huống ứng xử nhân văn, lời nói, thái độ, hành động đẹp trong thực tế tham gia giao thông, qua đó lan tỏa văn hóa giao thông trong giới trẻ và cộng đồng”, Uyên nói.
"Sinh viên thời đại 4.0 cần trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ, giỏi ngoại ngữ, tham gia các hoạt động thiện nguyện để rèn giũa bản thân, tạo cơ hội tiếp cận các dự án lớn cũng như góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới” Nguyễn Thị Thu Uyên, Trưởng nhóm AMIGOS,Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng |
Điểm nổi bật của dự án là lập thành công group “Tình nguyện viên hỗ trợ du khách nước ngoài”. Group đã thu hút sự tham gia của nhiều SV có năng lực, ngoại ngữ tốt tham gia hỗ trợ, hướng dẫn du khách nước ngoài, chỉ dẫn đường đi, khuyến cáo quy định bảo đảm an toàn giao thông và giải đáp các thắc mắc của du khách trong thời gian tham gia giao thông tại Việt Nam. Hiện dự án có 141 tình nguyện viên. Bước đầu, fanpage đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn bạn trẻ, du khách, góp phần thay đổi suy nghĩ tích cực của du khách nước ngoài về giao thông tại Việt Nam.
Những thông tin, video được đăng tải trên fanpage không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa giao thông mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam an toàn, văn minh và hiếu khách. Đặc biệt, dựa theo những thông tin chia sẻ trên fanpage, các đơn vị chức năng quản lý lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông có thêm dữ liệu để giám sát, xử lý các hành vi vi phạm.
Nguyễn Thị Thu Uyên chia sẻ, trong suốt quá trình triển khai dự án, nhóm được thầy Bùi Trung Hiệp, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Phó phòng Công tác SV tận tình hướng dẫn, cố vấn chiến lược. Trong đó, nhiều số liệu quan trọng trong một bài báo khoa học quốc tế của thầy Hiệp về đề tài giao thông Việt Nam là cơ sở để các bạn xây dựng kế hoạch, tăng tính thực tiễn cho dự án. “SV thời đại 4.0 cần trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ, giỏi ngoại ngữ, tham gia các hoạt động thiện nguyện để rèn giũa bản thân, tạo cơ hội tiếp cận các dự án lớn cũng như góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục duy trì và phát triển với mong muốn giới trẻ chung tay đem lại môi trường giao thông an toàn, cho cuộc sống chất lượng hơn”, Uyên bày tỏ.
THIÊN LAM