Nối dài những yêu thương

.

Đang ở nước ngoài, chị nhận tin dữ chồng bị tai nạn lao động dẫn đến chết não, không thể cứu được. Nhưng một số bộ phận cơ thể của anh nếu hiến cho y học sẽ là cơ hội để nhiều người khác được sống.

Ban đầu, khi Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức điện thoại tư vấn hiến tạng, lòng chị rối bời, nhưng rồi chị đồng ý và thuyết phục gia đình chồng. Nhưng vì Covid-19, chị không thể có mặt tại Việt Nam để ký vào đơn đăng ký hiến tạng. Người thực hiện nhiệm vụ này thay chị là người con đầu 19 tuổi.

Anh kết thúc sinh mạng của mình nhưng quả tim, lá gan, 2 quả thận, 2 giác mạc và 4 đoạn mạch của anh vẫn sống mãi. Nghĩa cử cao đẹp của gia đình anh chị đã nối dài những yêu thương bên bờ sinh - tử. Tính đến chiều 22-9, 6 bệnh nhân đã được ghép các bộ phận cơ thể của anh.

Đó là quả tim rung nhịp bình thường trong lồng ngực bé trai 11 tuổi ở tỉnh Thái Bình, lá gan hiện diện ở bệnh nhân 53 tuổi tại thành phố Hải Phòng, hai quả thận chia ra “cư ngụ” ở một bệnh nhân 24 tuổi và một bệnh nhân 44 tuổi tại Hà Nội, giác mạc cũng có “mái nhà mới” nơi hai bệnh nhân. 4 đoạn mạch đang được lưu giữ trong ngân hàng mô của Bệnh viện Việt Đức chờ ghép cho những bệnh nhân khác.

Qua hơn 11 năm phát động, phong trào hiến mô, tạng đã gieo hàng ngàn nụ cười từ những hạt mầm nhân ái như thế. Đó là người mẹ sắp mất con giấu nỗi đau vào lòng, điện thoại đến Trung tâm Ghép tạng để thực hiện tâm nguyện tặng lại ánh sáng cho người khác của con gái - cô bé Hải An 7 tuổi.

Đó là cuộc chạy đua mang trái tim của một nam thanh niên không may bị tai nạn từ Hà Nội đến Bệnh viện Trung ương Huế để giành sự sống cho cháu bé 15 tuổi có trái tim to gấp 3 lần bình thường. Đó còn là một người khuyết tật đi xe đạp từ Cà Mau ra Hà Nội với hành trình tuyên truyền, vận động hiến tạng sau khi chứng kiến bạn thân qua đời vì suy thận...

Một người chết não có thể cứu sống hàng chục người khác với hơn 18 cơ quan trong cơ thể được sử dụng để cấy ghép như tim, gan, thân, phổi, mô... Và hầu hết các mô (trừ giác mạc) có thể được bảo quản và lưu giữ tối đa 5 năm. Cứ thế, bằng tấm lòng dung dị, ngày càng nhiều người vượt qua quan niệm “chết toàn thây” và nỗi e ngại điều tiếng để cùng nhen lên ngọn lửa hy vọng của nụ cười, sự sống. Theo số liệu của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng, tính đến tháng 11-2019, số người đăng ký hiến mô, tạng ở Việt Nam là hơn 30.000 người, tăng 10.000 người so với thời điểm cuối năm 2018.

Thống kê của Hội Ghép tạng Việt Nam cho hay, từ ca ghép đầu tiên đến tháng 9-2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó ghép thận gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, tim, phổi và các loại mô, tạng khác.

Đặc biệt, mới đây, chỉ trong 16 ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) đã thực hiện 4 ca ghép tim, có 2 ca ghép trong hai ngày liên tiếp. Lần đầu tiên trong 13 ngày (từ 30-8 đến 12-9), bệnh viện ghép thành công 23 tạng gồm: 3 ca tim, 4 ca gan và 16 thận, trong đó có 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não. Sức khỏe của các bệnh nhân được ghép tạng đều tiến triển tốt.

Dẫu số lượng đăng ký hiến tạng ngày càng tăng nhưng khoảng cách giữa nguồn cung và nhu cầu còn cách nhau rất xa. Và hành trình hồi sinh những cuộc đời vẫn cần nhiều tấm lòng sẵn sàng tham gia việc làm nhân văn này. Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác.

Thủ tục đăng ký hiến mô, tạng cũng khá đơn giản. Người hiến có thể đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (40 Tràng Thi, Hà Nội) hoặc đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Hồ Chí Minh). Người hiến cũng có thể không cần đến nơi đăng ký trực tiếp, mà truy cập trang web http://vnhot.vn để hoàn tất thông tin.

Tôi đọc đâu đó rằng, “sống và chết được xem như một toàn thể, ở đây chết chỉ là khởi đầu của một chương mới. Chết như một tấm gương trong đó phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời”. Và ý nghĩa cuộc đời của mỗi người, nên chăng chính là góp phần “hồi sinh” sự sống từ cái chết…

MỘC NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.