Nguyệt Thiền hay Nguyệt Thiềm?

.

* Nhân 47 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974 – 19-1-2021), một tờ báo ra ngày 19-1-2021 đăng bài có tít: “Nơi hải chiến Hoàng Sa, bây giờ: Vào Nguyệt Thiền”. Theo tôi biết, trong quần đảo Hoàng Sa chỉ có nhóm Nguyệt THIỀM chứ không có nhóm Nguyệt THIỀN. Vì sao lại có sự nhầm lẫn đáng tiếc này? (Trương Văn Nam, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)

- Theo trang nghiencuubiendong.vn (Nghiên cứu Biển Đông), quần đảo Hoàng Sa có khoảng 30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn trên, có 23 đã được đặt tên, gồm 15 đảo, 3 bãi, 3 đá, 1 cồn, 1 hòn. Các đảo chính được phân chia thành hai nhóm: nhóm Lưỡi Liềm (Crescent group) ở Tây Nam và nhóm An Vĩnh (Amphitrite group) ở Đông Bắc.

Nhóm Lưỡi Liềm được mô tả cụ thể tại bài viết “Hoàng Sa biển đảo mến yêu - Kỳ 2: Nhóm đảo Nguyệt Thiềm” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 22-11-2009 như sau: “Nhóm Nguyệt Thiềm có tên thuần Việt là Trăng Khuyết hay Lưỡi Liềm, cũng gọi là Nhóm Tây, tên tiếng Pháp (P) là Croissant groupe, tên tiếng Anh (A) là Crescent group, hiện nay Trung Quốc gọi là Yongle Qundao (Vĩnh Lạc Quần đảo), nằm về phía tây nam, gần đất liền của Việt Nam, ở tọa độ 16031’ vĩ độ bắc và 111038’ kinh độ đông. Tên Nguyệt Thiềm xuất phát từ vị trí các đảo nằm nối nhau như hình mặt trăng lưỡi liềm.

Có lẽ do đặc điểm đó và học theo cách gọi của người Việt, Daniel Ross đặt tên nhóm đảo này trong bản đồ là Crescent (Lưỡi Liềm). Nhóm Nguyệt Thiềm gồm 7 đảo chính là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm cùng vô số mỏm đá”.

Thiềm (trong Nguyệt Thiềm) là cách gọi tắt của thiềm thừ, nghĩa là con cóc. Hán Việt từ điển trích dẫn giảng: “Thiềm (chữ Hán 蟾), theo truyền thuyết, những vết đen trên mặt trăng là con cóc, nên gọi ánh trăng là thiềm”. Từ đó, mặt trăng được gọi là thiềm cung (cung con cóc), thiềm quế (cung con cóc và cây quế). Trong phong thủy, thiềm thừ (cũng gọi là kim thiềm) là cóc vàng - một linh vật được cho là mang lại điềm lành về tài lộc của Trung Hoa và Việt Nam.

Trong bài báo dẫn ở câu hỏi trên, tác giả đã dùng 12 lần từ “Nguyệt Thiền”, sau đó đã sửa lại thành “Nguyệt Thiềm” trên bản online. Cũng đã có nhiều từ Hán Việt bị ghi nhầm một cách... vô tư như thế.

Sông Để Võng (đổ ra Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) bị ghi sai thành sông Đế Võng. Để là từ Hán Việt, nghĩa là đáy. Đế Võng nghĩa là lưới đáy, bởi nơi đây có loại lưới đáy dùng đánh bắt cá. Rất nhiều tài liệu ghi thành Đế Võng, vì từ Đế đã quá quen thuộc và nghe có vẻ chữ nghĩa hơn là Để Võng.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng có hiệu là Mính Viên (Vườn Chè) nhưng nhiều người viết sai thành Minh Viên (Minh Viên nghe có vẻ chữ nghĩa, sang trọng hơn là Mính Viên). Tương tự, Thai Xuyên - hiệu của cụ Trần Quý Cáp, nhiều người lại viết thành Thái Xuyên. Hiệu của cụ Trần là Thai Xuyên (台川). Chữ Thai (台) ở đây cùng nghĩa với chữ Thai trong sao Tam Thai (三台). Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong “Tiểu sử nhà cách mạng Trần Quý Cáp” ghi rằng, cụ Trần quê ở thôn Thai La, làng Bất Nhị, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhân đó lấy hiệu là Thai Xuyên.

Theo chúng tôi, các từ thiền, đế, minh, thái... là những từ “đẹp” đã được dùng khá nhiều trong các tài liệu Hán Nôm nên các tác giả dễ bị “nhập tâm” mà viết sai lệch đi so với từ gốc.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.