Riêng mùa xuân muộn

.

Mới sáng hai lăm tháng Chạp, dì Xuân Tự đã gọi điện thoại cho Lan, biểu Tết này về một mình nhen, dì có chút việc nên hổng đi chung được. Dì biểu mua cho má con xấp vải áo dài thiệt đẹp nhen. À, mua thêm cho ngoại khúc vải nhung màu đỏ mận nữa đó! Rồi dì lại nhắc chuyện đường sá đông đúc, xe cộ nối đuôi, dặn dò đi đứng cẩn thận. Dì cúp máy, Lan vẫn chưa kịp hiểu gì. Ủa rồi dì có chuyện gì mà giấu đám con cháu vậy ta?

Minh họa :HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Dì Xuân Tự là con gái út của ngoại. Kiểu hồi xưa ông bà mình ưa gọi là con mọn. Hồi đó, mấy anh chị lớn nhồng hết rồi thì ngoại cấn bầu dì. Ngoại cũng lừng khừng năm thì bảy đỗi, nửa muốn để, nửa thì muốn bỏ. Nhưng nằm đêm suy nghĩ, con mình như thể nhúm ruột, bỏ thì tội lắm, nên thây kệ xóm giềng dị nghị, từng tuổi này rồi, nua già hom hem mà còn ham chi mấy cái chuyện sanh nở.

Ngoại sanh dì suốt đâu chừng cả tuần lễ. Bận đó nghe má kể, ngoại phải đi xin gạo xóm giềng theo lệ ông bà, đặng cầu mong đứa con gái út già tháng của mình vẹn tròn khi ra đời. Ngoại đặt cái tên Xuân Tự bởi bận đó ngoại nghe miết tuồng cải lương Áo cưới trước cổng chùa. Ngoại thương cái con nhỏ Xuân Tự sao đời lắt léo khổ chi mà khổ dữ thần. Ngoại thương đứa con mọn của mình, cũng như thương mấy cái tuồng tích xưa cũ.

Dì Xuân Tự thông minh, lanh lợi, nước da bánh mật, gương mặt trái xoan, vóc dáng thanh mảnh. Hồi đâu chừng mới mười bảy mười tám thì ngấp nghé đầu cổng nhà năm ba chàng trai. Rồi tốt nghiệp mười hai, mấy đám dạm hỏi, dì cũng lắc đầu hổng ưng. Dì xin ngoại lên thành phố đeo theo con chữ. Nhà tám anh chị em, ngoại chạy miệng ăn còn xấc bấc xang bang, có ngày gạo sát rạt đáy khạp, đám con ăn độn củ ấu củ lang, lấy đâu dư tiền mà lên thị thành học hành.

Dì vẫn cứ xin đi. Dì nói với ngoại, dì lớn rồi, tự lo được cho mình. Rồi dì đi, ngoại bần thần ra vào trước hiên nhà cả tháng mới nguôi ngoai nỗi nhớ dì.

Dì rong ruổi cuộc đời mình suốt gần hai chục năm trên thị thành hoa lệ. Những ngày lễ, Tết, dì lại về, mua bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh cho ngoại, cho anh chị em con cháu trong nhà. Đôi lần ngoại bóng gió xa xăm chuyện chồng con. Dì cười hẫng nhẹ. Duyên chưa tới thì mình đâu cưỡng cầu được. Đôi khi cái phận mình trời sanh ra là để gồng gánh những tủn mụn vụn vặt của gia đình. Cuộc đời này có nhiều thứ để lo hơn là chuyện lấy chồng. Ai biểu hồi xưa má đặt tên tui là Xuân Tự làm chi. Cái tên nó vận vào người. Nó gieo neo thắt thẻo vậy đó. Năm hết Tết đến là để cả nhà đoàn viên, sum vầy ấm áp bên nhau. Nhắc chi chuyện chồng con, ăn Tết hết vui à nhen!

Mà dì nói cũng phải, dì đi lấy chồng thì ai lo cho đám con cháu trong nhà. Tỷ như hồi Lan lên Sài Gòn trọ học, nếu những ngày đầu hổng có dì chắc nó bơi như là bơi từ bờ sông này qua bờ sông kia của con sông Nha Mân quê mình. Những lớp sau này như thằng Ba Tân, thằng Hai Huy, hay con nhỏ Tina mới đậu năm nhất đại học, cũng một tay dì sắp xếp, an bài tất thảy. Nếu dì có gia đình, lấy ai để tụi nhỏ kêu réo những lúc mệt mỏi hay chênh vênh ở cái thành phố vội vã này đây?

Dẫu cả năm bảy đứa họ hàng, xa quê lên miền đất hứa lập thân tạo nghiệp, thì cũng đâu ở gần nhau. Thành phố rộng lớn bao la, đứa trọ quận ba, đứa thuê quận bảy, đứa nhảy tuốt Tân Phú. Chỗ trọ phải gần nơi học, nơi làm mới tiện lợi đôi ba đường. Nên dù chung một gia đình nhưng cũng chia năm xẻ bảy, mỗi đứa mỗi ngã. Có gì cần thì í ới nhau qua điện thoại, qua mạng xã hội. Ngày lễ, Tết thì hẹn hò tập trung một điểm để cùng về quê. Cũng có khi, đứa kẹt lịch học, đứa bận công việc, mạnh ai nấy chạy về. Chừng gặp nhau ở quê, ráp lại mới thành một gia đình.

*

Sẫm trời hai chín, Lan về đến nhà, đã nghe ồn ào náo nhiệt từ bờ rào đám khiết bông đương thì trổ bừng sắc đỏ. Bữa cơm chiều sum họp được thể rộn vang tiếng cười. Má kể chuyện cậu Tám Đỏ năm nay trúng mùa sầu riêng, sắm cho ngoại cái tivi thông minh gì đó, ngoại chỉ cần bấm vài cái là coi được mấy kênh phát trên mạng, đã lắm bây. Hay chuyện dì ba “tỷ phú” chịu chơi hết biết sắm cái dàn karaoke cả chục triệu đồng, Tết này hát hò rân trời hen. Chuyện vòng chuyện vo, cũng quẹo tới chỗ dì Xuân Tự. Sao nay chưa thấy dì về?

Hiên nhà lại lào xào tiếng gói bánh của ngoại với mấy dì đặng sớm mai còn kịp bánh cúng rước ông bà. Gạo nếp gói bánh đã chuẩn bị cả tuần trước đó, lá chuối cậu Tám róc ra phơi sẵn cho héo, dây lạc thì tước từ thân chuối tươi. Má lo xào nếp, mợ Năm làm nhân. Tụi Lan, chị Linh, con Thy lau lá, xẻ lạc. Cánh đàn ông thì bày một bàn nhậu ngoài sân vườn, vừa khề khà ly rượu, vừa lo nhóm bếp, chuẩn bị nồi nước to để nấu bánh.

Đám con nít lại quây quần quanh cái hiên nhà mà bày trò lô tô. Tiếng hô số bập bẹ, tiếng đòi bánh, tiếng réo nhân, xen lẫn tiếng cười của những câu chuyện đời trộn lẫn vào nhau rộn ràng cả khoảng trời đêm.
Mỗi lần gói bánh, là một lần Lan lại nghe ngoại dạy. Chọn loại nếp ngon rặt, vo sạch để ráo nước. Đậu xanh cà ngâm sống đãi sạch vỏ. Để bánh có mùi thơm đặc biệt thì dã nhuyễn lá dứa, vắt nước vào nếp. Mỡ heo thái cỡ ba phân vuông, chiều dài vừa gọn nằm trong đòn bánh tét. Ướp mỡ với một ít muối đường, hành, rồi xỏ dây đem phơi một con nắng đổ đồng.

Lá chuối xếp bẻ bỏ bốn góc cho nguyên liệu vào ém thiệt chặt và đều, khéo léo khít chặt đòn bánh tét bằng dây lạc. Phần dây thừa, thắt hai đòn bánh tét thành cặp đều đặn như nhau. Rồi xếp đòn bánh tét vào nồi thật to, chụm bằng củi thức canh lửa có khi gần như suốt đêm mới chín.

Còn với bánh tét nhân chuối thì phải để ý nghen bây. Chuối thường phải là chuối xiêm ướp thêm đường để tăng thêm vị ngọt, khi bánh chín màu đỏ tím bắt mắt. Đặt chuối ở giữa, còn nếp phủ kín bên ngoài. Đòn bánh tét nhỏ thì sẽ dọc trái chuối nối vào nhau. Đòn lớn phải tới hai ba trái chuối nguyên, một cặp bánh chín nặng chịt xách hoằng tay.

Bánh đủ đôi đủ cặp khi biếu người thân quen mang ý nghĩa văn hóa truyền thống, chúc tốt lành đầu năm. Vậy nên, năm nào nhà mình cũng gói cả năm bảy chục đòn là để biếu người thân, rồi mời khách. Ờ, còn thêm cái phần đám nhỏ đem lên thành phố nữa. Coi vậy chứ dân mình ăn Tết là nhất định phải có bánh tét à nghen.

Đám cháu ngồi lắng nghe lời ngoại dạy. Rồi ngó theo từng cái ém nếp, vo nhân của ngoại mà làm theo. Cứ được chừng năm ba đòn, lại nghe tiếng bước chân mấy cậu vào lấy bánh.

*

Trăng cuối chạp treo tuốt trên đầu mấy ngọn dừa. Tiếng xe máy vang đều ngoài cổng rào. Dì Xuân Tự về, hình như có thêm một người đàn ông, hổng phải, thêm đứa con nít nữa kìa bây. Ủa là sao ta? Hiên nhà chộn rộn. Dì lừng khừng một đỗi rồi nắm tay người lạ vào nhà.

Đêm khuya lơ khuya lắc. Người lạ của dì Xuân Tự vẫn ngồi khề khà chào sân cùng mấy cậu. Nghe chừng hợp rơ hay sao mà tiếng cười nói rổn rảng. Thằng nhỏ về cùng thì được ngoại đem vào mùng cho ngủ chung. Lạ kỳ là mới gặp lần đầu, sao nó đeo theo ngoại dữ thần. Thằng nhỏ buông câu nói khiến ngoại rơm rớm: “Con lâu lắm rồi chưa được ngủ chung với bà”.

Đêm bắt đầu the thắt mấy ngọn bấc cuối mùa. Lan ngồi canh bánh cùng dì Xuân Tự. Lâu lắm rồi hai dì cháu mới có dịp ngồi nói chuyện với nhau. Dì kể về người lạ của dì, giọng rưng rức. Tất thảy là duyên số bây ơi. Dì tính ở vậy cho xong phận đời long đong của mình. Nhưng rồi ông trời ổng se sợi chỉ hồng trong một lần dì đi công tác ở tỉnh. Ông sếp sợ lạ nước lạ cái, nên nhờ một người bạn ngoài ấy giúp đỡ. Ngặt nỗi, tính dì cũng hơi vụng về, thành thử phiền người ta quá trời. Cả tuần lễ sau dì về thì nhắn tin qua lại. Rồi từ từ ngày nào cũng gọi điện thoại thăm nom. Đâu chừng gần năm thì ổng ngỏ ý. Ổng một lần gãy đổ, có thằng nhóc con riêng. Ổng hổng có lãng mạn gì đâu. Được cái hiền lành và biết lo lắng. Ổng nói dì phiền ổng một tuần chi ít vậy, lỡ rồi, phiền ổng cả đời cũng được. Dì có kịp trả lời gì đâu. Đã nghe trong điện thoại tiếng thằng nhóc hỏi: “Cô ơi, cô chịu làm mẹ con không?”. Tự dưng nước mắt chảy xuôi vậy đó con.

Ngộ hen bây, đôi khi mình đi cả quãng đời dài với những cuộc tình ba bốn năm trời, rồi ráo hoảnh chia tay. Có khi chỉ chừng một tuần đôi tháng lại thấy muốn gắn bó với người ta suốt cuộc đời này. Suy cho cùng, thương hay yêu gì đó, đâu bằng cái cảm giác không thể sống thiếu một người. Vậy là duyên đó bây.

Dì đi qua xuân thì con gái với bao bộn bề lo toan cho cái gia đình này, giờ nhìn ánh mắt viên mãn của hạnh phúc muộn mằn, Lan thấy thương quá đỗi.

Vậy ra giêng cưới đi dì. Lan cười sang sảng. Hạnh phúc giản đơn của dì, theo xuân về ngập tràn trên gương mặt. Mùi bánh chín thơm rưng rức cả không gian đêm. Tết đâu có xa, Tết là về nhà, bên nối bánh tét của đêm xuân, thủ thỉ cùng người thân đôi ba câu chuyện tâm tình, sau cả năm trời xa cách. Nghe yêu thương đong đầy lên đời mình. Dẫu sớm hay muộn, thì ai rồi cũng có những mùa xuân cho riêng mình.

TỐNG PHƯỚC BẢO

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích