TẾT ĐOÀN VIÊN

Về quê bằng xe máy

.

Tết đến, nhiều bạn trẻ quê xa đang học tập tại thành phố Đà Nẵng chọn hành trình bằng phương tiện xe máy về quê đón Tết cùng gia đình.

1. Hành trình từ Đà Nẵng về Hà Tĩnh của Phạm Trường Giang, sinh viên năm 3, khoa Ngữ văn, ngành Báo chí, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) năm nay thật đặc biệt vì đây là lần đầu Giang di chuyển về nhà bằng xe máy. Đã có vài lần Giang đi xe máy từ Đà Nẵng ra Huế với tổng hành trình khoảng 100km. Năm nay, phần vì muốn có thêm trải nghiệm, phần vì tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, nhận thấy đi xe máy an toàn, thuận tiện hơn xe khách nên khi biết những người bạn cùng khu trọ quê ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An dự kiến chạy xe máy về quê, Giang liền “nhập hội”.

Hành trình xa, có phần mệt mỏi, nguy hiểm nhưng phần thưởng mà những bạn trẻ chọn “phượt” bằng xe máy về quê ăn Tết là những trải nghiệm và chủ động lịch trình. (Ảnh chụp ngày 1-2-2021) Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Hành trình xa, có phần mệt mỏi, nguy hiểm nhưng phần thưởng mà những bạn trẻ chọn “phượt” bằng xe máy về quê ăn Tết là những trải nghiệm và chủ động lịch trình. (Ảnh chụp ngày 1-2-2021) Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Theo đúng lịch trình dự kiến trước đó, sáng 1-2, cả nhóm của Giang gồm 6 thành viên, đa phần là sinh viên Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) xuất phát. Điểm dừng chân đầu tiên của cả nhóm tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi đến trung tâm Huế, nhóm dừng xe lần 2 để ăn và nghỉ trưa. Khoảng 15 giờ 30, cả nhóm tiếp tục hành trình và nghỉ qua đêm tại tỉnh Quảng Trị. Dự kiến các thành viên về tới nhà trong ngày 2-2. Kết nối qua điện thoại với chúng tôi vào tối 1-2, Giang cho hay: “Hành trình của cả nhóm từ sáng đến giờ khá thuận lợi. Ban đầu, cả nhóm dự kiến nghỉ qua đêm tại Huế, kết hợp trải nghiệm vẻ đẹp về đêm tại nơi đây nhưng rồi chúng em chọn Quảng Trị để nghỉ vì tìm được một điểm lưu trú miễn phí”.

Để chuẩn bị cho hành trình hơn 400km, trước ngày đi, Giang  kiểm tra bảo dưỡng xe cẩn thận, sắp xếp đồ đạc sao cho gọn nhất có thể. Những bạn có hành lý nhiều thì gửi một ít cho những bạn cùng quê đi xe khách mang về hộ.

Tính ra năm nay, Giang về nhà ăn Tết sớm hơn mọi năm. Dẫu vẫn là hành trình Đà Nẵng- Hà Tĩnh như bao lần nhưng với lần đầu di chuyển bằng xe máy, chàng trai trẻ rất háo hức. Giang cũng cho hay: “Chạy xe máy về quê thật sự rất thú vị và em rất thích”.

2. Với Nguyễn Văn Hiệp, sinh viên năm cuối khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), năm nay là cái Tết thứ 5 chạy xe máy về quê Quảng Trị ăn Tết. Nhưng thay vì đi theo nhóm đông người như mọi năm, lần này Hiệp chỉ đi cùng một người bạn.

Cũng chọn ngày 1-2 xuất phát về quê, khởi hành vào buổi chiều, đường về nhà dài hơn 150km, đến khoảng hơn 20 giờ cùng ngày, Hiệp về đến nhà. “Khi tụi em đến địa phận Quảng Trị, trời chuyển mưa, rồi thực hiện khai báo y tế theo quy định nên hành trình về nhà chậm trễ hơn dự kiến”, Hiệp chia sẻ.
Lần đầu Hiệp chạy xe máy về quê là Tết Đinh Dậu 2017. Đi xe máy về quê mệt hơn đi xe khách, song Hiệp cũng như những bạn đồng hành cảm thấy thú vị khi được ngắm cảnh đèo Hải Vân, có thể vi vu một chút ở thành phố Huế hay thuận tiện dừng xe, thoải mái thưởng thức tô cháo bột cá lóc Hải Lăng đậm đà cho đã cơn thèm, nhớ, trước khi về nhà... Hơn nữa, đi xe máy khá tiết kiệm chi phí.

Nhóm “phượt” về quê ăn Tết của Phạm Trường Giang nghỉ dừng chân tại một quán nước tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh chụp ngày 1-2-2021) Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Nhóm “phượt” về quê ăn Tết của Phạm Trường Giang nghỉ dừng chân tại một quán nước tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh chụp ngày 1-2-2021) Ảnh: TRƯỜNG GIANG

5 lần chạy xe máy về quê ăn Tết và rất nhiều lần về nhà trong năm, Hiệp nhận thấy khi chạy xe đường dài thì cần thiết kiểm tra xe trước ngày đi, chuẩn bị mũ bảo hiểm 3/4, hoặc mũ trùm kín mặt sẽ đỡ bị ù tai, chắn gió, nên có bao tay sẽ đỡ đau tay. Nhiều “kinh nghiệm” mà Hiệp muốn chia sẻ nữa là: Người cầm lái chỉ nên chạy xe khi tỉnh táo nhất, nếu mệt hãy tìm quán nước gần nhất nghỉ ngơi. Nếu là người ngồi sau thì thỉnh thoảng hãy bắt chuyện với người lái xe sẽ giúp họ tỉnh táo, thoải mái hơn. Nếu tay lái chưa vững, chưa có kinh nghiệm chạy xe đường đèo thì tốt nhất nên trung chuyển xe máy qua hầm, không nên mạo hiểm.

Với Giang và Hiệp, hành trình về nhà những ngày cận Tết luôn đong đầy cảm xúc. Trên đường đi, cả hai chàng trai đều nghĩ đến những cuộc đoàn tụ; nghĩ đến tiếng nói, tiếng cười của những người thân; được ăn những món ăn do mẹ nấu; được quây quần bên gia đình trong đêm giao thừa, sáng mồng 1... “Chỉ cần nghĩ như vậy thôi, em đã thấy mình có thêm nhiều năng lượng để chạy xe máy về nhà mà không thấy mệt. Em thật sự háo hức khi nghĩ đến cảnh cả nhà cùng dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ Tết, bánh, mứt rồi cùng nhau ngắm pháo hoa, đón giao thừa, chúc Tết...”, Hiệp tâm sự. Còn với Giang, quãng đường hơn 400km về nhà là thử thách của tuổi trẻ và đằng sau chặng đường đó là những cuộc sum vầy đầm ấm, ý nghĩa.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích