ĐÀ NẴNG TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

Trở lại bến Đò Xu…

.

Với cái tên bình dị và dân giã, bến Đò Xù từ lâu đã ăn sâu vào ký ức của những người dân lấy ghe là nhà, lấy bến đỗ là quê hương. Bến Đò Xu không chỉ là nơi chốn quê nhà mà còn là địa danh lịch sử khi chứng kiến chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Tiểu đoàn R20, để mở đường cho quân ta tiến vào đánh địch ở nội thành Đà Nẵng từ Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn), qua Trung Lương (Hòa Xuân, Cẩm Lệ) đến bến Đò Xu (Hòa Cường Nam, Hải Châu).

Trong những ngày tháng ba lịch sử, tình cờ tôi gặp lại người cháu nội của ông bà Chín chèo đò cách đây hơn 10 năm. Ấn tượng với tôi lúc đó về ông Chín là bị cụt chân nhưng vẫn chèo đò rất giỏi.

Đây là hình ảnh hai ông bà già chèo đò cuối cùng mưu sinh trên bến sông này mà tôi nhìn thấy khi cầu Hòa Cầm vừa khánh thành thông xe. Khi tôi có ý định nhờ người cháu giới thiệu gặp ông nội Chín để tìm hiểu về lịch sử của bến sông này thì rất tiếc ông đã mất cách đây vài năm.

Bà Trần Thị Giàu chia sẻ về những năm tháng làm giao liên trên sông Cẩm Lệ. Ảnh: Đ.H.L
Bà Trần Thị Giàu chia sẻ về những năm tháng làm giao liên trên sông Cẩm Lệ. Ảnh: Đ.H.L

Lần theo vết tích lịch sử, cuối cùng tôi cũng gặp người phụ nữ từng suýt mất mạng khi đưa bộ đội và cứu thương qua sông trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Không ngờ vết thương năm ấy đã làm bà phải sống cuộc đời tàn tật bằng đôi bàn tay của mình cho việc đi lại từ năm bà 17 tuổi cho đến bây giờ đã ngót nghét 70 tuổi. Đó là bà Trần Thị Giàu (SN 1951) - cô giao liên dũng cảm trong trận đánh Cồn Dầu của chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau khi bị thương nặng, bà Giàu không lập gia đình mà sống một mình trong một căn nhà trên đường Tiên Sơn 9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu.

1. Trong câu chuyện ngắt quãng nhớ nhớ quên quên nhưng bà Giàu vẫn nhớ như in cái ngày bà bị thương nặng lúc đưa bộ đội, dân công và cứu thương qua sông Cẩm Lệ từ Hòa Quý qua Trung Lương đến bến Đò Xu để lên Đà Nẵng đánh vào kho dầu Đà Nẵng ở ngã tư Công đoàn.

Hôm đó, bà chở quân đầy ghe qua nửa khúc sông, cũng là lúc máy bay địch gầm rít, rà sát mặt sông rồi dội bom. Bà Giàu vừa nghe tiếng ầm vang dội thì cả ghe lật nhào xuống sông. Bà bị văng ra khỏi ghe. “Tôi cố vùng vẫy để lội lên nhưng do bị thương nặng ở lưng nên cứ chìm lên chìm xuống. Rồi may mắn được người dân ra kéo lên bờ. Địch đang thực hiện dồn dân để thanh lọc.

Nhà tôi không có ai, mỗi người chạy mỗi nơi, người dân khiêng tôi đi từng đoạn vì đang bị đánh úp, không có đường đi”, bà Giàu xúc động kể. Cuối cùng người dân đưa bà gửi vào một nhà dân nhưng sau đó ngôi nhà này cũng bị đánh bom sập, bà Giàu nằm mấy tiếng đồng hồ thì thấy có một anh bộ đội đến cứu. Anh bộ đội lấy dây cột bà vào lưng rồi bà vít chặt hai tay lên cổ, và bà được đưa ra chợ Trung Lương nằm.

Bọn lính tra hỏi: Cha mẹ, ông bà bây đâu, tên gì?

Bà Giàu trả lời dứt khoát: Tui đâu biết. Tui đi cưỡi trâu. Nhà tui sập hết trơn, cháy hết trơn. Khi cưỡi trâu qua sông thì bị trúng bom bất tỉnh, mọi người kéo tui lên.

Bọn lính quát: Sao giờ lại tỉnh?

Bà gằn giọng: Chừ tỉnh mới khai!

Từ đó, bà Giàu nằm liệt 4 năm trời. “Thời chiến tranh, y tế nghèo nàn lạc hậu nên không được cứu chữa kịp thời. Bây giờ mảnh bom vẫn còn nằm trong lưng. Hồi đó, ai bị thương ở lưng thì hầu như là không qua khỏi. Lúc trẻ, tôi còn chống nạng cố đi sơ sơ, về già yếu thì phải dùng hai tay để bò. Bò lâu ngày, giờ hai đầu gối bị nhiễm trùng!”, bà Giàu chia sẻ.

Tính ra bà Giàu đi giao liên từ năm 12 tuổi. Hồi đó, bà ở nhà ông nội - nơi có hầm bí mật nằm dưới nhà thờ tộc để bộ đội về trú ẩn. "Người lớn sợ bị địch phát hiện nên không dám ra mặt. Hết người làm giao liên thì giao tôi làm. Tôi có bà nội là đảng viên nên được bà dẫn dắt. Khi có đường dây rồi thì tôi đi luôn và làm nhiệm vụ dẫn đường. Nếu phát hiện kẻ địch, tôi đội nón nghiêng hoặc ra dấu hiệu cho bộ đội biết!”, bà Giàu giải thích.

Vào buổi trưa, bà Giàu thường giả đò bưng rổ đi chợ để dẫn đường. Sau đó bị chỉ điểm, bọn lính vào nhà tra hỏi nhưng cũng chẳng làm được gì.

Dù thời gian đã hơn nửa thế kỷ, nhưng bà Giàu vẫn không khỏi đau xót khi nhớ lại hình ảnh quân và dân ta hy sinh. “Năm đó, bộ đội, dân quân chết nhiều lắm. Bọn lính dồn dân lên Cồn Dầu thanh lọc, thấy ai trẻ là đánh đập”, bà Giàu nhớ lại.

2. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Mặt trận Quảng Đà, phải kể đến Tiểu đoàn R20 với khoảng 500 quân đánh vào Cồn Dầu để đưa quân qua Đò Xu tiến vào nội thành Đà Nẵng.

Để hiểu rõ hơn trận chiến ác liệt này, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Dung (SN 1946) - Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn R20 - trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu). Lúc đó, ông Dung vừa mới 22 tuổi. Những ký ức về trận đánh oai hùng khiến ông nhòe nước mắt khi nhắc đến số người hy sinh. Ông Dung cho biết, một đại đội được giao nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ở ngã tư Công đoàn; một đội đánh từ Non Nước lên bà Đa dọc bờ sông trên sân bay Nước Mặn; còn Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đánh vô Cồn Dầu.

Tiểu đoàn bí mật hành quân từ Hòa Hải đến tây nam Ngũ Hành Sơn rồi qua đập bờ Quang để qua sông và nằm chờ đến 0 giờ mới nổ súng. Chỉ đánh trong 2 tiếng thì quân ta chiếm hết các mục tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, đến 8 giờ sáng hôm sau (tức mồng 1 Tết âm lịch), địch tổ chức đánh lại, bao vây 3 vòng khép kín như ổ trứng gà, có cả xe tăng yểm trợ. Quân ta ra sức chống cự và gặp nhiều khó khăn nên nhiều chiến sĩ hy sinh.

Đến sáng mồng 2, mặc dù đơn vị Tiểu đoàn tổn thất rất nặng nhưng chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã thắng lợi vang dội, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, thực hiện hội nghị đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 13-5-1968), và sau đó với đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 25-1-1969) để đi đến ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973).

Trong trận chiến này, ông Dung cũng bị thương nặng khi bị một mảnh đạn găm vào xương sườn cho đến bây giờ. Nhưng điều ông đau buồn nhất là lực lượng Tiểu đoàn R20 hy sinh quá lớn. “Nhiều anh em đồng đội mới còn nói cười hôm trước thì hôm sau đã hy sinh. Đêm giao thừa nào chú cũng khóc.

Cứ đến ngày thành lập đơn vị Tiểu đoàn R20 (19-5), Ban liên lạc Tiểu đoàn R20 gặp mặt các cựu chiến binh và tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa như trận Cồn Dầu (Cẩm Lệ), Gò Hà (Hòa Vang), Văn Quật, Xuyên Thanh (Duy Xuyên, Quảng Nam)...”, ông Dung cho biết thêm.

3. Hiện nay, ngay dưới chân cầu Hòa Xuân trên đường Thăng Long, thành phố đã cho xây dựng bia kỷ niệm chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Dịp 27-7 hằng năm, phường Hòa Cường Nam thường xuyên tổ chức cầu siêu và thả đèn hoa đăng để tưởng nhớ các chiến sĩ và người dân đã hy sinh.

Tuy nhiên, ông Dung cho rằng, bia kỷ niệm này chưa xứng tầm lịch sử khi nơi đây chứng kiến sự hy sinh, mất mát của gần 1.000 quân và dân. Ông Dung từng nhiều lần đề xuất thành phố nâng cấp và mở rộng khu tưởng niệm này nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. “Đây là trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay. Tôi rất mong thành phố mở rộng thêm 10m để khu tưởng niệm này trở thành một địa chỉ đỏ có giá trị lịch sử của thành phố và cả nước nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”, ông Dung đề xuất.

Bên cạnh đó, bến Đò Xu cũng là một địa danh lịch sử nổi tiếng của địa phương được nhiều người dân nhắc nhớ. Bà Giàu cho rằng, có bến Đò Xu thì mới có con đường giao thông trên thủy đưa bộ đội, cứu thương và lương thực đi vào thành phố. Người dân trước đây ở khu vực này bao đời vẫn luôn nhớ đến hình ảnh cây đa, bến đò.

Nhiều người đi xa và sau này hầu hết người dân ở khu vực này di dời giải tỏa, nhắc đến tên Đò Xu như một ký ức đẹp. Tên Đò Xu cũng gắn liền một thời khốn khó khi người dân đi đò qua sông bằng tiền xu. Nhiều người dân cũng đề nghị đổi tên cầu Hòa Xuân thành cầu Đò Xu để lưu giữ nguồn gốc lịch sử của bến đò nơi đây cho thế hệ mai sau.

Với ý nghĩa to lớn của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại bến Đò Xu, thiết nghĩ việc mở rộng, nâng cấp khu di tích bia kỷ niệm và đặt tên Đò Xu thay cho cây cầu Hòa Xuân là nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.