Đám cưới quê

.

Tôi trở về sau bao năm xa quê. Con sông ở miền Tây Nam bộ quê tôi vẫn êm ả hiền hòa với màu nước đục ngầu phù sa. Sông gợi lên cho tôi nhiều cảm xúc của một thời thơ ấu, tôi như gặp lại tôi của ngày tắm sông, nghịch nước. Yêu thương vô bờ.

Về quê đợt này dự đám cưới cháu, tôi còn có tham vọng “gặp lại” hình ảnh một đám cưới quê chan chứa tình làng nghĩa xóm như trong ký ức của tôi. Mỗi lần nhà có đám tiệc, hàng xóm lân cận vui như chính nhà họ có tiệc. Ở quê mà, chỉ quanh năm đồng áng nên cũng dễ sắp xếp. Một nhà có đám tiệc, cả xóm không ai ra đồng, xúm tụm lại phụ đám. Mỗi người mỗi việc, người nấu ăn giỏi sẽ đứng bếp; người không biết nấu nướng cũng đủ thứ việc lặt vặt khác để làm; thanh niên trai tráng thì lo dựng rạp, bắt đèn điện; đám con gái khéo léo thì phụ trách cắm hoa, trang trí cổng hoa sao cho thật đẹp. Những ngày trước đám mới vui làm sao. Từ nhà trước ra nhà sau đều ra rả tiếng cười nói. Những đêm cận ngày cưới, bếp lửa đỏ rực cả đêm, đèn điện sáng trưng, đêm cũng như ngày, những chuyến đò cập bến liên tục, chở những người khách phương xa về trong nỗi nhớ mong, cứ thế nao nức.

Tôi đã mong ước được “sống lại” khoảng thời gian thân thương ấy nên tranh thủ về sớm vài ngày. Đứa cháu xấp xỉ tuổi tôi đã dặn trước, giờ không còn như xưa nữa dì ơi, nam nữ thanh niên cũng đi học, đi làm xa nhà, quê giờ chỉ còn người già thôi nên mọi thứ có dịch vụ lo hết. Quả thật, đám cưới quê bây giờ không khác đám cưới thành phố là mấy. Mọi thứ từ dựng rạp đến nấu ăn đều có dịch vụ làm chuyên nghiệp, chu đáo và đồng bộ. Người nhà chỉ còn việc đón khách và chuẩn bị những nghi thức cần thiết cho đám tiệc. Mọi thứ chỉn chu hơn, những hàng chữ dán trên tường cũng ngay ngắn, đúng chuẩn, chứ không nghiêng ngả như ngày xưa.

Đám cưới quê giờ chuyên nghiệp hẳn, từ MC ăn nói lưu loát, không lọng ngọng, dàn âm thanh cũng chất lượng, không rè rè lúc được lúc mất, để khi nói cứ phải alô liên tục xem bên dưới có nghe thấy không. Hàng xóm  tay bắt mặt mừng chúc chủ hôn có thêm con dâu, con rể, rồi ngồi ngay ngắn vào bàn tiệc. Chủ hôn cũng bận nên chẳng thể tiễn từng vị khách quý. Cô dâu chú rể càng bận, với có khi cũng không biết hết mặt khách mời nên khách cứ lẳng lặng về thôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi chứng kiến sự hụt hẫng ấy trong tiếc nuối vô cớ. Mọi thứ rồi sẽ khác đi, đâu có gì là tồn tại mãi. Ngoài kia, một giờ, một phút đã có những thứ khác đi. Mọi vật luôn chuyển động và mình cũng theo dòng chảy ấy để thích nghi. Cớ sao cứ hoài niệm mãi những miền ký ức xa xưa?

Tôi ngồi ngoài mé sông, nhìn dòng sông đục ngầu không có gì thay đổi. Chỉ có những con sóng thôi xô bờ bởi thiếu những mái chèo. Con đường đất đỏ lầy lội ngày xưa giờ trải xi-măng thẳng tắp, xe bốn bánh chạy vào tấp nập thì làm sao còn thấy được hình bóng những con đò?

Đợi khách về hết, chị mới kể, hồi đêm đón khách đến gần sáng, đứa cháu biết ý khách, chắc là thức đến sáng luôn chứ ngủ nghê gì, lật đật đi pha cà phê xong mới hay nhà không trữ đá, chị đi loanh quanh trong xóm, thấy hàng xóm có tủ lạnh, cửa khép hờ liền đi vào xin ít viên đá. Chủ nhà dậy, vét hết đá đưa cho chị, hỏi cần thêm gì nữa không, đám tiệc lo chuyện lớn nên hay thiếu những thứ lặt vặt lắm, thiếu gì cứ qua lấy tự nhiên nha…

Rồi chị cũng kể, xóm này ít khóa cổng lắm, để có việc gì qua lại nhà nhau bất cứ lúc nào. Đến cả đám chó to lực lưỡng trong nhà cũng nhận mặt hàng xóm để không bao giờ cất tiếng sủa. Ở đây chỉ còn người già nên cũng nương tựa nhau mà sống lắm. Chứ thanh niên đều đi xa, ốm đau gì có gọi chúng cũng đâu có về kịp.

Hôm ấy, tôi đã thôi mong ngóng một con đò.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.