Với hơn 1,7 triệu người đã mắc Covid-19, trong đó có hơn 61.000 người chết, Iran hiện là quốc gia có số ca tử vong do SARS-CoV-2 cao nhất tại Trung Đông.
Một nhân viên y tế Iran cầm lọ vắc-xin Barekat do Iran phát triển trong cuộc họp báo tại thủ đô Tehran ngày 15-3-2021. Ảnh: EPA-EFE |
Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 rất có hạn trên toàn cầu, Iran lại đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan chương trình hạt nhân, không có cách nào khác, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo phải nỗ lực tìm giải pháp tự cứu mình, cụ thể là phát triển vắc-xin.
Sức ép từ dịch bệnh
Ngày 16-3, Iran công bố loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ ba do nước này phát triển bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về kế hoạch sản xuất vắc-xin vẫn còn khá sơ sài. Hai loại vắc-xin đã phát triển trước đó của Iran cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Loại được kỳ vọng hơn có tên Barekat đã được thử nghiệm trên 300 người.
Tháng 2-2021, Iran chính thức triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin Sputnik của Nga cho các nhân viên y tế và những người có bệnh nền mãn tính. Quốc gia Trung Đông với hơn 80 triệu dân hiện phải nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Cuba để tiêm cho hơn 1,2 triệu người.
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thoạt đầu cấm nhập khẩu vắc-xin của Mỹ và Anh vì không tin tưởng phương Tây, song sau đó thông báo sẽ tiếp nhận 4,2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca/Oxford thông qua sáng kiến COVAX - cơ chế cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu cùng các đối tác. Tuy nhiên, lượng vắc-xin nhập khẩu vẫn chưa đủ nên Iran phải dốc sức đầu tư phát triển vắc-xin nội địa. Sứ mệnh nghiên cứu và phát triển vắc-xin được trao cho các nhà khoa học Iran.
Vắc-xin mang tên nhà khoa học hạt nhân
Loại vắc-xin ngừa Covid-19 nội địa thứ ba ở Iran có tên Fakhra, do Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo của Tehran phát triển. Vắc-xin này được đặt theo tên của nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh, người từng bị sát hại trong vụ tấn công tháng 11-2020. Ông Fakhrizadeh là người phụ trách chương trình vũ khí hạt nhân của Iran vào đầu những năm 2000. Anh Hamed Fakhrizadeh, một trong hai người con trai của nhà khoa học Fakhrizadeh, là tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc-xin mang tên cha mình.
Khoảng 20.000 tình nguyện viên tại thủ đô Tehran và các thành phố khác sẽ sớm được tiêm loại vắc-xin mới nói trên. Một quan chức chính quyền mô tả với truyền thông nhà nước Iran rằng, loại vắc-xin này là “100% an toàn”.
Hồi tháng 2-2021, Iran đã thiết lập phòng xét nghiệm phân tử hoàn toàn tự động đầu tiên để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19. Phòng xét nghiệm này được đặt ở thủ đô Tehran và có khả năng xử lý được hơn 10.000 mẫu xét nghiệm PCR mỗi ngày. Nay chính phủ Iran vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin dự kiến cung cấp khoảng 3 triệu liều/ngày. Chính quyền Iran rõ ràng rất tự hào về những bước tiến lớn của họ trong công cuộc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19. Hãng tin bán chính thức ISNA dẫn phát biểu ngày 15-3 của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif so sánh thành tựu này giống như khả năng tự phát triển tên lửa của Tehran. “Giống như việc bị ép buộc phải tự sản xuất tên lửa, chúng ta cũng đã sản xuất được vắc-xin ngừa Covid-19”, ông Zarif nói.
Cũng như vắc-xin Barekat đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin Fakhra sử dụng SARS-CoV-2 bất hoạt từ 35.000 mẫu bệnh phẩm để phát triển vắc-xin mới, một công nghệ bào chế vắc-xin truyền thống. Công nghệ này khác với công nghệ sử dụng vật chất di truyền kiểu mới của các hãng dược phẩm phương Tây như Moderna, Pfizer/BioNTech dùng để phát triển các vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phê chuẩn dùng khẩn cấp.
Các đơn vị ở Iran đang phát triển ít nhất 6 loại vắc-xin ngừa Covid-19 khác nhau. Tuy nhiên, trong một sự kiện có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao tại Tehran ngày 16-3, đài truyền hình quốc gia Iran chỉ nhắc tới vắc-xin Fakhra. Bộ Y tế Iran tuyên bố cuối tháng 9 năm nay sẽ tiêm xong vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả những người trưởng thành ở nước này, mặc dù hiện tại chưa rõ bằng cách nào chính phủ Iran có thể hoàn thành được mục tiêu tham vọng đó. Trong kế hoạch hiện tại, Iran dự kiến nhập khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 để tiêm cho hơn 16 triệu dân thông qua cơ chế COVAX. |
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo AP, Reuters)