Những năm tháng không quên

.

Những ngày này, khắp thành phố, từ những kiệt, hẻm nhỏ đến các tuyến đường lớn; từ những căn nhà cuối phố đến các cơ quan, đơn vị, đâu đâu cũng rực rỡ cờ đỏ sao vàng, băng-rôn, khẩu hiệu kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2021). Trong không khí ấy, ký ức về những ngày tháng 3-1975 càng nhân lên niềm tự hào trong lòng những người từng sống, chiến đấu giành độc lập dân tộc  và chứng kiến thành phố đổi thay từng ngày.

Xe tăng cùng bộ binh Sư đoàn 2 quân giải phóng tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng năm 1975. Ảnh: Thông tấn xã Giải phóng
Xe tăng cùng bộ binh Sư đoàn 2 quân giải phóng tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng năm 1975. Ảnh: Thông tấn xã Giải phóng

Với bà Triệu Thị Thùy (70 tuổi, quê tỉnh Phú Thọ, trú quận Thanh Khê), nguyên Quyền Giám đốc Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng - người trực tiếp tác nghiệp trong Ngày giải phóng thành phố, những ký ức về ngày giải phóng Đà Nẵng mãi mãi là kỷ niệm đẹp nhất.

Phóng viên chiến trường

Bà Thùy kể, tháng 7-1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà Thùy là một trong số 150 cử nhân được Việt Nam Thông tấn xã tuyển dụng, đào tạo về nghiệp vụ báo chí với mật danh lớp phóng viên GP10 để bổ sung vào chiến trường miền Nam phục vụ công tác thông tin. Trải qua gần 8 tháng học nghiệp vụ, đầu năm 1973, 100 phóng viên của lớp GP10, trong đó có bà Thùy, được lệnh tập trung lên trường tại vùng núi tỉnh Hòa Bình để học nghị quyết, tập hành quân trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Ngày 26-3-1973, trên các chuyến xe tải không mui của quân đội, những phóng viên chiến trường tuổi từ 22-25 hừng hực khí thế tiến vào chiến trường miền Nam. Suốt gần một tháng vừa đi xe, vừa đi bộ băng rừng, đoàn đến căn cứ của Ban Tuyên huấn Khu V ở vùng núi Nước Là (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam). Bà Thùy được phân công công tác tại Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ (nay hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam), tác nghiệp tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tại đây, bà Thùy cùng các đồng nghiệp vừa làm nhiệm vụ thông tin tình hình chiến sự miền Nam, vừa thực hiện những nghĩa vụ gùi gạo, cõng nước để phục vụ cuộc sống ở chiến khu. Tháng 3-1974, tình hình chiến sự “nóng” từng ngày. Các phóng viên được phân công tỏa đi các tỉnh: Quảng Đà (nay là thành phố Đà Nẵng), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk để tác nghiệp. Ngày ấy, mỗi phóng viên không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận thông tin mà còn là chiến sĩ trên chiến trường. Có lần di chuyển địa bàn, bà Thùy được trang bị cả lựu đạn kèm lời dặn nếu gặp địch thì ném về phía địch rồi chạy.

Bà Triệu Thị Thùy tìm đọc lại những bài viết của mình và đồng nghiệp về cuộc chiến giành độc lập. Ảnh: L.P
Bà Triệu Thị Thùy tìm đọc lại những bài viết của mình và đồng nghiệp về cuộc chiến giành độc lập. Ảnh: L.P

Một lần hăng say tác nghiệp trận đánh của quân ta vào đồn địch ở Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi), bà Thùy bị trúng bom, các mảnh đạn pháo găm khắp người: một sượt qua trán, một sượt qua vai, một vào lưng và bốn mảnh dọc chân trái, máu chảy ướt đỏ cả áo, quần. Vượt qua hết gian khổ, hiểm nguy, bà Thùy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời gửi những bức ảnh, dòng tin về cuộc chiến cùng tinh thần quả cảm của quân và dân ta về Tổng xã để chuyển đến độc giả khắp mọi miền Tổ quốc.

“Những năm tháng ấy, không ai trong chúng tôi không đối mặt với sốt rét, mưa rừng lạnh buốt, những trận đói quay quắt và cả những trận lũ quét tàn khốc sẵn sàng cuốn trôi tất cả. Khó khăn là vậy nhưng không ai nản chí bỏ cuộc. Tất cả luôn nêu cao tinh thần quyết tâm vượt qua gian khổ, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc đấu tranh giành độc lập của cách mạng ta”, bà Thùy xúc động.

Gửi lại một phần thanh xuân

Những ngày tháng 3-1975, khi đang ở căn cứ tại huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), tin chiến thắng ở khắp nơi báo về dồn dập. Cứ mỗi khi nghe tin quân ta giải phóng thêm một địa phương, các phóng viên chiến trường như bà Thùy lại hò reo vui sướng. Chiều 29-3-1975, nhận tin bộ đội ta đã chiếm được Đà Nẵng, bà Thùy cùng anh chị em tại chiến khu nước mắt xen lẫn nụ cười, ôm nhau nhảy cẫng lên.

Những ngày sau đó, cùng với đoàn quân giải phóng, những phóng viên chiến trường như bà Thùy nhanh chóng di chuyển về thành phố để đưa tin chiến thắng. Từ các ngả dẫn vào thành phố như Phước Tường, Thanh Khê, Lý Thái Tổ, hai bên đường, nhân dân đổ ra như ngày hội. Trên tay ai cũng cầm lá cờ nhỏ vẫy liên hồi. Đoàn quân đi đến đâu, nhân dân lại vẫy cờ, vỗ tay, hò reo vang dội đến đó như làn sóng. Ai nấy đều tươi cười hớn hở, mặc kệ cái đói, cái khổ vẫn in hằn trên khuôn mặt đen xạm.

“Sau thời gian dài lặn lội rừng núi, khi tiến về thành phố, tôi như choáng ngợp trước “rừng” người và sự hiện đại của đường sá, nhà cửa, xe cộ. Chưa bao giờ trong đời tôi chứng kiến cảnh rộn ràng, đông đúc như ngày ấy. Nhân dân khắp nơi đổ về quảng trường cùng cờ, hoa rực rỡ, đúng nghĩa ngày giải phóng”, bà Thùy nhớ lại.

Giống như những người lính, các phóng viên chiến trường cũng được nhân dân đón chào nồng nhiệt. Các bác, các chú chạy xe máy luôn miệng thúc giục bà Thùy ngồi xe cho đỡ mỏi chân. Các mẹ, các chị cầm nón quạt lấy quạt để, rồi dúi vào tay nào bánh, nào chuối bảo ăn kẻo đói. Ngay khi đặt chân đến thành phố, bà Thùy cùng đồng nghiệp chia nhau làm nhiệm vụ chụp ảnh, viết tin, chuyển những dòng tin tức nóng hổi đến độc giả.

Những ngày sau đó, tình hình trật tự xã hội và cuộc sống người dân nhanh chóng được ổn định. Ủy ban Nhân dân cách mạng các quận, phường được thành lập. Các chợ lớn như: chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Mới hoạt động trở lại. Sau những dòng tin chiến thắng, bà Thùy lại miệt mài thực hiện những bài viết tuyên truyền về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của thành phố, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, góp phần tuyên truyền xóa bỏ các sách báo, văn hóa phẩm đồi trụy, sai lệch của chế độ cũ; đưa văn hóa xã hội chủ nghĩa vào miền Nam.

Đất nước hòa bình, bà Thùy lập gia đình và chọn thành phố bên sông Hàn làm nơi lập nghiệp. Sau ngần ấy thời gian, chứng kiến những đổi thay của thành phố sau 46 năm giải phóng, bà Thùy càng thêm tự hào vì đã góp một phần công sức trong việc xây dựng và phát triển thành phố ở lĩnh vực thông tin, tuyên truyền. Với bà Thùy, những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ấy là một phần ký ức không thể nào quên. Bởi lẽ, đó là nơi mà bà Thùy cùng đồng nghiệp đã sống, làm việc nhiệt huyết, hăng say; là nơi gửi lại một phần thanh xuân, mồ hôi, nước mắt và cả máu để góp sức đổi lấy hòa bình cho hôm nay.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.