Các nhà khảo cổ học mới đây đã phát hiện ra tàn tích của một thành phố 3.000 năm tuổi tại khu vực sa mạc bên ngoài thành phố Luxor. Đây là thành phổ cổ lớn nhất từ trước đến nay từng được khai quật ở Ai Cập.
Thành phố 3.000 năm tuổi có tên gọi “sự trỗi dậy của Aten”. Ảnh: Reuters |
Nhà khảo cổ học, TS. Zahi Hawass cho biết, “thành phố vàng mất tích” có tên “Sự trỗi dậy của Aten” được xây dựng vào thời kỳ trị vì của Pharaoh Amenhotep III thuộc Vương triều thứ 18 (từ năm 1388-1351 TCN) và đã phát triển thịnh vượng trong nhiều thập niên cho tới sau triều đại của Pharaoh Tutankhamun (từ năm 1332-1323 TCN). Vị trí “thành phố vàng mất tích” được tìm thấy gần Luxor - quê hương của di tích “thung lũng các vị vua” huyền thoại, cách thủ đô Cairo khoảng 500 km về phía nam.
GS. Betsy Brian tại Đại học John Hopkins ở thành phố Baltimore (Mỹ) cho rằng, việc tìm ra “thành phố vàng mất tích” là phát hiện khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ thời điểm khai quật lăng mộ của vua Tutankhamun. Theo bà Brian, Aten sẽ “cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại” vào thời điểm cực thịnh.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu quá trình khai quật thành phố từ tháng 9-2020 ở vùng phía tây Luxor. “Những gì họ khai quật được là địa điểm của một thành phố lớn trong tình trạng bảo quản tốt, với những bức tường gần như hoàn chỉnh, và với những căn phòng chứa đầy dụng cụ sinh hoạt hằng ngày”, TS. Zahi Hawass nói.
Trong cuộc khai quật lần này, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy nhiều đồ trang sức như nhẫn, các bình gốm nhiều màu sắc, bùa bọ hung và gạch bùn mang các con dấu của Pharaoh Amenhotep III. Ngoài ra, nhóm còn phát hiện một số bộ xương người bị chôn vùi dưới lớp đất cát, cánh tay duỗi sang một bên và dây quấn quanh đầu gối. Các nhà khảo cổ cho biết, vị trí của bộ xương khá kỳ lạ, họ cũng đang tiến hành điều tra và mô tả đây là vụ chôn cất đáng chú ý. TS. Hawass nói rằng, công việc khảo cổ đang diễn ra và đội ngũ của ông dự kiến phát hiện được thêm “những lăng mộ còn nguyên vẹn chứa đầy các kho báu”.
Thực ra, mục tiêu ban đầu của nhóm các nhà khảo cổ là tìm ngôi đền từng cử hành tang lễ của vua Tutankhamun. Song, thật tình cờ họ lại khai quật được nhiều khu vực của thành phố thất lạc. Thời gian gần đây, Ai Cập công bố hàng loạt khám phá lớn với hy vọng sẽ hồi sinh ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề khủng hoảng chính trị và đại dịch Covid-19.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian)