Chuyển đổi số ở Việt Nam

.

Sau một năm 2020 chịu ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, Việt Nam nhận thức rõ hơn nhu cầu chuyển đổi số (Digital Transformation). Chuyển đổi số không còn là trào lưu thời thượng hay khái niệm công nghệ mà là giải pháp sống còn cho mọi hoạt động của một quốc gia trong và sau đại dịch. Vì thế, năm 2021 có thể được gọi là năm chuyển đổi số ở Việt Nam - chuyển đổi số toàn diện cả quốc gia.

Công an quận Thanh Khê làm căn cước công dân lưu động tại phường Tân Chính. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Công an quận Thanh Khê làm căn cước công dân lưu động tại phường Tân Chính. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong một cuộc chia sẻ với báo giới vào tháng 11-2020, ông Mai Tiến Dũng, lúc đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khẳng định: Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số chính là giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong nền kinh tế không tiếp xúc, giao dịch không tiếp xúc, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số không hề có một hình mẫu chung cho từng cơ sở chứ đừng nói gì cả quốc gia. Và mỗi quốc gia cũng có những điều kiện riêng, những nhu cầu riêng, vì vậy, cách triển khai không thể rập khuôn.

Hiểu sao cho đúng?

Theo Gartner, hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu của Mỹ, chuyển đổi số có thể đề cập đến bất cứ điều gì, từ hiện đại hóa CNTT (ví dụ, điện toán đám mây), tối ưu hóa kỹ thuật số, đến việc phát minh ra các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức khu vực công để chỉ các sáng kiến khiêm tốn như đưa các dịch vụ công lên mạng. Cụ thể hơn, chuyển đổi số trong kinh tế là ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, giúp doanh nghiệp đạt doanh số cao hơn và tăng tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.

Việt Nam có một ưu thế mà có lẽ hiếm nước nào khác có được trong công cuộc chuyển đổi số. Đó là một thể chế chính trị thống nhất và có nhận thức đúng đắn, nhất quán chủ trương về chuyển đổi số ngay từ cấp lãnh đạo ở thượng tầng kiến trúc. Tháng 9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số
52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ ngày 3-6-2020 đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nói chung, từ ý chí chính trị tới cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số đều đã có. Vấn đề còn lại là triển khai cụ thể ra sao.

Nhiều thách thức

Tại hội nghị về “Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EUD) phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức tại Hà Nội ngày 5-11-2020, TS. Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đã chỉ ra các thách thức với nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay. Mặc dù đang có nhiều cơ hội, nhưng Việt Nam cũng có những thách thức.

Theo ông, có 3 thách thức chính trong công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: Một là, năng lực công nghệ trong nước chưa cao, chưa làm chủ được những công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số. Hai là, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 95-96% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam gặp nhiều cái khó trong việc chuyển đổi số, do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa chưa cao và không có đủ khả năng tài chính để tiến hành chuyển đổi số tới nơi tới chốn. Ba là, còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số.

Theo một khảo sát nhanh được VINASA thực hiện với hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Ngày Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020 (DX Day Vietnam 2020) diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 12-2020, có 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số tại Việt Nam là: quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; chi phí, thời gian, nguồn lực; cách thức chuyển đổi số như thế nào phù hợp với từng tổ chức. Bên cạnh đó, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là thách thức được lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.

Nhìn lại thực tế chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian qua, các chuyên gia nhận ra ngay từ khâu đầu tiên là nhận thức vẫn còn bất cập. Không ít người vẫn chưa hiểu thấu đáo về chuyển đổi số, người thì quá đề cao nó, người lại hiểu nó một cách lệch lạc.

Không có khuôn mẫu chung

Trong chuyển đổi số về kinh tế và xã hội, nhiều chuyên gia Việt Nam và quốc tế đều nhấn mạnh tới đặc thù kinh tế của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác. Đó là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Có thể nói rằng, chuyển đổi số ở Việt Nam muốn thành công phải tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước. Hiện có 79% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn trong giai đoạn khởi động của chuyển đổi số, nhưng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc, đóng góp 30 tỷ USD cho GDP cả nước trong năm 2024.

VINASA cho biết, có tới 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, nên khó lòng tiến hành chuyển đổi số, dù rất muốn. Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng chuyển đổi số là việc của các doanh nghiệp lớn.

Tại hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao CNTT và Truyền thông - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 do VINASA tổ chức ở Hà Nội trong hai ngày 14 và 15-12-2020, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp, nhà sáng lập Bizfly, nhận xét rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường có 4 góc nhìn sai lầm về quá trình chuyển đổi số. Một là, chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp lớn. Hai là, chuyển đổi số tốn nhiều tiền. Ba là, chuyển đổi số triển khai càng nhiều càng tốt, tiến trình diễn ra nhanh chóng. Bốn là, chuyển đổi số là chiếc đũa thần giúp doanh nghiệp cất cánh.

Chuyển đổi số rõ ràng là một thứ phải đo ni đóng giày cho từng tổ chức, địa phương. Không hề có khuôn mẫu chung cho tất cả. Nhưng sẽ tốt cho tất cả nếu như các tổ chức có năng lực và kinh nghiệm đứng ra dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số xây dựng được những cái khung đa dạng rồi có thể hiệu chỉnh cho từng đối tượng. Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề cần phải được các nhà chuyên môn khảo sát, tư vấn tìm ra giải pháp riêng cho mình. Trên tất cả là phải có sự điều hành chung thống nhất từ cấp Chính phủ, vừa bảo đảm sự hợp nhất, đồng bộ, vừa tránh tình trạng nơi làm, nơi không.

Nhiều chuyên gia cảnh báo không nên coi chuyển đổi số như một loại thuốc tiên, một cây đũa thần có thể giúp hóa giải mọi vấn đề. Chuyển đổi số thực chất là một công cụ hay nền tảng để giúp số hóa cuộc sống nhanh hơn và hữu hiệu hơn, từ đó có thể đem lại nhiều thuận lợi cho việc tăng tốc phát triển. Các nhà chuyên môn luôn nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp thực chất là một bước, một giai đoạn trong cuộc hành trình xây dựng nền kinh tế số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số tuy tạo điều kiện, mở rộng thời cơ cho phát triển, nhưng không thể nào là một giải pháp toàn năng giải quyết mọi vấn đề cho doanh nghiệp.

Công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam thực tế vẫn chỉ mới ở bước dạo đầu. Bất cập chính là sự rời rạc, thiếu đồng bộ và kém liên thông. Không chỉ từng cá nhân mà cho tới các tổ chức, cơ quan chưa hiểu hết ý nghĩa việc chia sẻ thông tin, dữ liệu - cho dù đó chỉ là những dữ liệu có thể dùng chung. Người dân cho tới nay vẫn còn phải bổ sung thông tin cá nhân, những sự chỉnh sửa, cập nhật theo kiểu thủ công trên mỗi ứng dụng và tại mỗi cơ quan, tổ chức.

Nếu như có được cơ sở dữ liệu dùng chung mà toàn hệ thống đều cùng sử dụng, chuyển đổi số ắt làm người dân hài lòng hơn. Chuyển đổi số muốn hiệu quả thiết thực với cuộc sống thì phải tiến hành toàn diện, đồng bộ, nhưng không có nghĩa là đợi chuẩn bị đủ mới làm một lượt, mà cần bắt đầu ngay làm từng cái một, từ những chuyện bị coi là nhỏ nhặt nhưng đem lại lợi ích cho người dân.

Chuyển đổi số trở thành chiến lược mới của doanh nghiệp
Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC (Mỹ) năm 2018 đã tiến hành khảo sát và ghi nhận chuyển đổi số đang dần trở thành một chiến lược mới của các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công ty công nghệ Mỹ Microsoft từ năm 2017 đã tiến hành nghiên cứu về chuyển đổi số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả ghi nhận tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP khu vực năm 2017 vào khoảng 6%, dự đoán vào năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng đã giúp tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến đạt mức tăng 21% vào năm 2019; có tới 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo (các dự báo này được đưa ra trước đại dịch Covid-19).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

;
;
.
.
.
.
.