Sống đúng đam mê

.

Từ chối suất tuyển thẳng vào trường đại học (ĐH) lớn trong nước vì nhiều lý do khác nhau, Hà Phạm Bích Trâm đã dành 2 năm đi tìm định dạng giá trị cốt lõi của bản thân để sống đúng với đam mê. Sau 2 năm đó, Trâm nhận học bổng toàn phần vào khoa Khoa học Y sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng). Vừa qua, Trâm có bài báo khoa học nghiên cứu đáng giá về “Xác định danh mục cụm truyền SARS-CoV-2: Phân tích cơ sở dữ liệu của Chính phủ”.

Hà Phạm Bích Trâm là đồng tác giả bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Infection and Public Health. Ảnh: UYÊN MINH
Hà Phạm Bích Trâm là đồng tác giả bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Infection and Public Health. Ảnh: UYÊN MINH

Hà Phạm Bích Trâm là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng, với thành tích học tập: Huy chương Vàng Olympic môn Sinh học (2013), giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học (2014), giải Nhất môn Sinh học cấp thành phố nhiều năm liền…

Chọn hướng nghiên cứu khoa học

Trâm sinh ra trong gia đình có kinh tế không khá giả, năm lên 3 tuổi, mẹ mất, ba làm nghề thợ xây chèo chống nuôi con. Lẽ thường như nhiều bạn khác, sau khi tốt nghiệp THPT, Trâm chọn một trường ĐH để ra trường sớm có việc làm. “Nhưng thời điểm đó, học ĐH thì tài chính là cả vấn đề dù em được xét học bổng, mặt khác, do gặp chút vấn đề về tâm lý, em có khá nhiều băn khoăn khi lựa chọn con đường tương lai”, Trâm bày tỏ.

Rồi Trâm quyết định dừng việc học ĐH để định hướng lại bản thân. “Khi ấy, em được bạn giới thiệu dự án cộng đồng liên quan đến trẻ tự kỷ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Em quyết định đi để học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm, kỹ năng”. Hai năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, Trâm tham gia nhiều dự án cộng đồng, làm thêm các công việc liên quan quản lý nhân sự để nuôi sống mình và tự học thêm tiếng Anh.

Cũng trong thời gian này, Trâm xác định chọn hướng nghiên cứu khoa học và một lần nữa phân vân vì Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo ngành Khoa học Y sinh nhưng Trâm chỉ được cấp học bổng trong 2 năm, học phí lại cao.

Rồi cơ duyên đưa Trâm đến VNUK với suất học bổng Tate&Lyle trị giá 12.000 USD. Ở VNUK, Trâm là gương mặt tiêu biểu của khóa 18BMS với nhiều thành tích nổi bật trong học tập và nghiên cứu như: giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Innofesr (2019), giải thưởng Sinh viên tiêu biểu thành phố Đà Nẵng, điểm tích lũy đại học GPA: 9,3/10.0, SAT (Scholastic Aptitude Test - kiểm tra chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường ĐH ở Mỹ): 1390/1600, TOEFL: 89/120…

Bài báo khoa học đáng giá

Gần đây, Bích Trâm là đồng tác giả của bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Journal of Infection and Public Health thuộc hệ thống xuất bản uy tín của thế giới Elsevier. Phần kết luận của bài báo “Xác định danh mục cụm truyền SARS-CoV-2: Phân tích cơ sở dữ liệu của Chính phủ”, Trâm và nhóm tác giả đưa ra thông điệp về “tầm quan trọng của các quốc gia trong việc tích cực theo đuổi việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần để ngăn chặn các cụm lây lan”.

Trâm cho biết, nhóm tác giả bài báo có 11 người. Tháng 3-2020, nhóm bắt đầu khảo sát dữ liệu của các nước có số người nhiễm Covid-19 trên 1.000 ca. “Các bạn trong nhóm đều đi làm, chỉ có nhóm trưởng - một người Việt Nam - đang là sinh viên ở Nhật Bản nên chúng em dùng tiếng Anh khi làm việc trực tuyến cùng nhau”. Trâm đảm nhận thu thập dữ liệu số bệnh nhân mắc Covid-19 của một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia.

“Trước hết phải tìm được trang chính thức của chính phủ các nước đăng những thông tin liên quan đến các ca nhiễm Covid-19. Dữ liệu của Hàn Quốc được cập nhật từng ngày nhưng không có bảng chung. Hay muốn lấy thông tin của Malaysia buộc phải dùng Google dịch sang tiếng Việt rồi tự mình dịch sang tiếng Anh. Khó nhất là tìm kiếm các thông tin liên quan đến một địa danh, một tên gọi. Mình phải biết chính xác đó là một công ty, một khu dân cư hay chỉ là một tên phố. Nếu phân tích sai thì sẽ ảnh hưởng đến số liệu chung”, Trâm chia sẻ.

Trong 70 ngày thu nhập dữ liệu, Trâm lập bảng riêng của từng quốc gia, cập nhật liên tục những số liệu mới để không bị trùng và sai số. Có những dữ kiện được cả nhóm bàn luận cả tuần mới thống nhất. Trâm kể: “Do thành viên ở những nơi khác nhau, lệch múi giờ, mỗi người trong nhóm có những công việc riêng nên đôi khi nhắn tin thì vài tiếng đồng hồ sau mới nhận được câu trả lời”.

Trâm cho biết, việc chọn Khoa học Y Sinh là phù hợp với đam mê của bản thân. Ngành học này không chỉ thú vị và sáng tạo mà còn giàu ý nghĩa bởi tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Trâm tham gia nhiều đề tài thiết thực như: Nghiên cứu trình tự và đặc tính SARS-CoV-2, Nghiên cứu tổng hợp hạt nano kháng khuẩn...

UYÊN MINH

;
;
.
.
.
.
.
Cập nhật kqxsmb 30 ngày mở thưởng