Cần sự nghiêm khắc để chống dịch

.

Sử sách triều Nguyễn có chép trường hợp Đức Tả quân Lê Văn Duyệt tuân mệnh vua Gia Long vào Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi hiện nay) dẹp loạn quân Đá Vách. Đợt tiến đánh năm 1807, Tả quân vào Đá Vách vi hành trong dân và hay tin viên quan cai trị tại địa phương - Phó Quản cơ Lê Quốc Huy là một tham lại, nhũng nhiễu, xa dân, kết bè kết đảng để mưu lợi riêng, khiến dân phẫn uất, nổi dậy làm loạn. Tả quân tâu với vua và lập tức ban lệnh chém viên quan này. Nhờ đó, lòng dân được yên, an ninh trật tự địa phương ổn định trở lại trong nhiều năm.

Dẫu là chuyện xưa, đã ngót nghét 215 năm, mà nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Vào những ngày dầu sôi lửa bỏng chống đại dịch này, trong lúc cả nước đang căng mình với Covid-19, đây đó vẫn có không ít người đi ngược lại lợi ích cộng đồng. Như hai sĩ quan Công an thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ dấu hiệu bảo kê cho bar - karaoke Sunny hoạt động trái quy định pháp luật. Bar này là nơi nhóm “chuyên gia” Trung Quốc mắc Covid-19 đến ăn chơi, ca hát.

Sau đó, có 6 nhân viên của bar này dương tính với SARS-CoV-2. Những ca mắc đó khiến tình hình dịch bệnh ở Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh, thành khác trở nên phức tạp hơn. Những “chuyên gia” kia đã về nước, vụ việc tại Sunny được khởi tố hôm 11-5 và Covid-19 từ ổ dịch này vẫn đang gieo rắc hậu quả không thể tính hết được. Giữa cơn tức giận của đám đông, ta chợt nhớ tới “bàn tay sắt” của đức Tả quân năm nào!

Chống dịch như chống giặc, do vậy phải có mưu lược và kỷ luật kỷ cương. Kỷ luật là thành tố làm nên sức mạnh. Buông lỏng kỷ cương, vô kỷ luật ắt dẫn tới thua trận. Vì lẽ đó, trong cuộc chiến chống đại dịch lần này, kỷ luật kỷ cương luôn được Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đề cao và chỉ đạo thực hiện nghiêm.

Cụ thể hóa tinh thần này là hàng loạt động thái quyết đoán từ các tỉnh, thành vào tuần đầu tháng 5-2021: Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký ban hành 2 quyết định tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vì chậm trễ tham mưu thực hiện các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái để kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật do có vi phạm, khuyết điểm trong việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài. Sở Y tế Hà Nam tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 3-5) đối với Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân để giải trình về quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn.

Cuối năm 2020, Phó trưởng Trạm Y tế phường Quảng Vinh (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng bị đình chỉ công tác vì lơ là phòng dịch. “Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân và xử lý kỷ luật, bất kể người đó là ai” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo như vậy. Làm thật nghiêm để người dân nhìn vào đó mà răn mình, thấy bản thân phải sống có ý thức hơn với cộng đồng thì mới hợp thành sức mạnh đánh bại kẻ thù vô hình Covid-19.

Một số người dân vẫn còn khá chủ quan trước dịch bệnh. Như dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhìn biển người tập trung ở Đà Lạt, Sầm Sơn, Vũng Tàu mà thấy lo lắng. Và ngay sau lễ, đợt dịch Covid-19 thứ tư đã bùng lên…

Từ nay đến hết năm 2021, không thể có miễn dịch cộng đồng khi vắc-xin ngừa Covid-19 chưa có đủ số lượng cần thiết. Vì vậy, vẫn phải phát huy các biện pháp phòng dịch, trong đó thực hiện nguyên tắc  5K. Để làm tốt và làm nghiêm 5K, ý thức công dân là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Để nâng ý thức, chờ vào sự tự giác của công dân thôi thì không đủ mà phải có “bàn tay sắt” từ cơ quan công quyền. Ngày 11-5, hai người dân ở Quảng Bình bị phạt hành chính 2 triệu đồng/trường hợp vì không đeo khẩu trang nơi công cộng. Đó là sự nghiêm khắc rất cần thiết!

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.