Bằng sự nỗ lực từ nhiều phía, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố đang mở rộng, phát triển với nhiều dịch vụ ra đời nhằm giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tạo môi trường sống an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em…
Điểm công tác xã hội quận Hải Châu được bố trí tại khu vực làm việc của bộ phận “một cửa”, UBND quận Hải Châu. (Ảnh chụp ngày 4-5-2021) Ảnh: MAI HIỀN |
Hơn 2 năm qua, mô hình Điểm công tác xã hội (CTXH) tuyến quận/huyện của Trung tâm CTXH thành phố Đà Nẵng phát huy tốt sứ mệnh là kênh kết nối trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn với các đơn vị tài trợ nhằm hỗ trợ các em cùng gia đình trong cuộc sống.
Hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Theo chân cán bộ trẻ em phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu), chúng tôi đến thăm gia đình cháu H. (SN 2015). Đây là một trong những trường hợp khó khăn đã được Điểm CTXH quận Hải Châu kết nối Tổ chức Hỗ trợ Trẻ em quốc tế (Holt Việt Nam) tài trợ học phí trong 6 tháng. Cả gia đình cháu H. gồm 5 thành viên đang chung sống cùng gia đình bên ngoại với tổng cộng 15 nhân khẩu trong một căn nhà có gác lửng vỏn vẹn 39m2.
Nhận thấy cháu H. đang độ tuổi phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1 nhưng chưa được đi học, gia đình khó khăn, không đủ kinh phí cho cháu đến trường nên UBND phường Hải Châu 2 cùng Ban bảo vệ trẻ em phường làm việc với Điểm CTXH quận Hải Châu. Điểm CTXH quận Hải Châu đã kết nối gia đình cháu H. với Tổ chức hỗ trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (Holt Việt Nam) từ chương trình gửi trẻ mầm non và cháu H. đã được đến trường.
Chị T. (SN 1995) - mẹ cháu H. - chia sẻ: “Tôi rất biết ơn UBND phường Hải Châu 2 cùng Điểm CTXH quận Hải Châu đã kết nối gia đình tôi với Tổ chức Holt Việt Nam để con tôi được đến trường, giúp cháu có được môi trường giáo dục an toàn, phù hợp”.
Ở một trường hợp khác, cháu L. (SN 2018, ngụ xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) bị bại não, kinh tế gia đình cũng khó khăn. Tháng 8-2020, UBND xã Hòa Nhơn kết nối với Điểm CTXH huyện Hòa Vang để có phương án hỗ trợ gia đình cháu L. Điểm CTXH huyện Hòa Vang cũng đã kết nối gia đình cháu L. với Tổ chức Holt Việt Nam và nhận được hỗ trợ sữa bột cho cháu L. trong 6 tháng.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, được sự hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam, Trung tâm đã phối hợp chọn huyện Hòa Vang và quận Hải Châu để thực hiện thí điểm Điểm CTXH tuyến quận/ huyện từ 2018 đến nay. Điểm CTXH được bố trí tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận/huyện. Mỗi Điểm CTXH có một nhân viên CTXH chuyên nghiệp phụ trách và có trách nhiệm can thiệp khẩn cấp khi trẻ bị xâm hại, bạo lực; quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tư vấn, kết nối và trợ giúp xã hội cho người khuyết tật; hỗ trợ phụ nữ đơn thân khó khăn khi mang thai và sinh nở; tiếp nhận, đánh giá và lập kế hoạch hỗ trợ các trường hợp có nhu cầu trợ giúp dịch vụ xã hội; hỗ trợ kỹ thuật quản lý cho hệ thống bảo vệ trẻ em ở các phường/xã. Tham gia vận hành mô hình này còn có hệ thống bảo vệ trẻ em cấp quận/huyện và phường/xã.
Mô hình được thực hiện thí điểm trên địa bàn các phường Hải Châu 2, Thuận Phước, Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) và các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn và Hòa Khương (huyện Hòa Vang).
Đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ trẻ em
Tháng 6-2020, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố công bố Đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ trẻ em tại thành phố Đà Nẵng qua Tổng đài Dịch vụ công Đà Nẵng (Tổng đài 1022). Đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ trẻ em tại Đà Nẵng được Sở Thông tin và Truyền thông thành phố thiết lập trên cơ sở triển khai hợp phần dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh-thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”. Dự án do tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam triển khai với sự tài trợ của Quỹ Chấm dứt Bạo lực Trẻ em (EVAC Fund), được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tiếp nhận theo Quyết định số 4203/QĐ-UBND ngày 20-9-2018.
Tổng đài 1022 Đà Nẵng tiếp nhận thông tin phản ánh và tư vấn về bảo vệ trẻ em qua 4 kênh gồm: Tổng đài thoại (0236) 1022 - nhánh số 6: hoạt động tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ); Cổng góp ý Đà Nẵng (https://gopy.danang.gov.vn/) tại chuyên mục “Bảo vệ trẻ em”; Fanpage Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” (chuyên mục Bảo vệ trẻ em); Fanpage Facebook “Tổng đài 1022” với ứng dụng Chatbot tương tác, cung cấp thông tin tự động.
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng, từ khi bắt đầu triển khai đường dây nóng bảo vệ trẻ em vào ngày 29-6-2020 đến nay, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận 47 lượt yêu cầu liên quan đến bảo vệ trẻ em; hơn 18.000 lượt truy cập thông tin qua Zalo Tổng đài 1022 và qua Chatbot 1022; có hơn 16.000 lượt tương tác, tra cứu thông tin.
Đối với kênh thoại, các cuộc gọi liên quan đến vấn đề trẻ bị bạo hành (bị đánh đập, bị chăn dắt), trẻ bị lệch lạc tư tưởng (nhận thức không đúng về quan hệ tình dục dẫn đến loạn luân) và các yêu cầu liên quan đến chính sách về hỗ trợ trẻ em đối với nhóm trẻ nghèo, mồ côi.
Đối với kênh Zalo và Chatbot, người dân quan tâm đến việc tìm kiếm về cách phòng trách xâm hại cho trẻ, chính sách về trẻ em, rủi ro trên mạng, kỹ năng dành cho phụ huynh, báo cáo về bảo vệ trẻ em, điều trẻ cần biết; các chính sách cho trẻ; hỗ trợ giáo dục, nghề nghiệp cho trẻ; thông tin tư vấn các trường hợp trẻ có cha mẹ ly hôn, sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội…
Bà Hoàng Ngọc Lan, Trưởng phòng Tiếp nhận và giải đáp thông tin, Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng cho biết: “Người liên hệ phản ánh phần lớn là hàng xóm của trẻ, do đó việc khai thác thông tin còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ. Bên cạnh đó, tư vấn lĩnh vực này cần nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên sâu, do đó đội ngũ nhân viên tổng đài phải thường xuyên tham gia tập huấn, trang bị kiến thức, trau dồi các kỹ năng cần thiết”.
Đại diện Trung tâm CTXH thành phố cũng cho hay, từ khi đường dây nóng hỗ trợ bảo vệ trẻ em tại thành phố Đà Nẵng qua Tổng đài 1022 được triển khai đến nay, Tổng đài 1022 đã chuyển qua Trung tâm khoảng 4-5 phản ánh về trẻ bị xâm hại, nghi bị xâm hại và tố giác bạo hành liên quan đến tính mạng của trẻ cần can thiệp chuyên sâu. Tuy nhiên, sau khi phối hợp UBND các địa phương để xác thực các phản ánh thì cũng có trường hợp không như nội dung phản ánh.
MAI HIỀN