GÌN GIỮ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

Làm bạn cùng con

.

Con bước vào tuổi mới lớn, kéo theo những thay đổi về tâm lý, tình cảm. Ở độ tuổi này, con rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ cha mẹ.

Cha mẹ nên làm bạn cùng con, lắng nghe con và luôn là chỗ dựa tin cậy để cùng con bước vào đời.  Ảnh: THANH TÌNH
Cha mẹ nên làm bạn cùng con, lắng nghe con và luôn là chỗ dựa tin cậy để cùng con bước vào đời. Ảnh: THANH TÌNH

Cùng với những thay đổi của trẻ, các bậc cha mẹ cũng cần thay đổi, có cách dạy con phù hợp để vừa giúp con tháo gỡ các vướng mắc, phát triển đúng hướng vừa không ảnh hưởng đến tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn.

Lắng nghe con

Có con gái ở tuổi 15, chị Nguyễn Thị Yến, chủ shop hoa Hoàng Mai (phường An Khê, quận Thanh Khê) cho biết, đổi thay lớn nhất của con gái chị là biết chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn. “Từ nhỏ, con đã được mình dạy cách sống tự lập, mọi việc trong nhà con đều làm được từ nấu ăn, giặt giũ, đến trông em. Về ăn mặc, con lúc nào cũng mặc đơn giản, không đòi hỏi. Nhưng gần đây, mình thấy con có những biểu hiện “lạ” như trước khi ra ngoài, con thường chọn áo quần lâu hơn, ngắm bản thân nhiều hơn. Con còn biết chia sẻ công việc nhà với mẹ, biết quan tâm mẹ và em nhiều hơn mỗi khi mẹ bận việc. Con cũng tâm sự với mình nhiều hơn những chuyện ở lớp học và thường hỏi ý kiến mình về những tình huống gặp phải trong quan hệ bạn bè”, chị Yến chia sẻ.

Ngoài làm việc ở shop hoa, chị Yến luôn dành thời gian quan tâm, đồng hành cùng con. Chị Yến cho rằng, đây là giai đoạn khá nhạy cảm của trẻ nên các bậc cha mẹ như chị cần dành nhiều thời gian cũng như lắng nghe con. “Mình nhớ lúc bé gái nhà mình đến kỳ nguyệt san đầu tiên, con rất lúng túng dù trước đó mình đã bày con. Sau khi được mình động viên, con bớt căng thẳng, những tháng sau mình luôn gần gũi hỏi han, nhắc con chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi lần sắp đến kỳ nguyệt san. Hay mới đây, con thi vào lớp 10, vợ chồng mình cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, mọi sự chia sẻ của vợ chồng mình chỉ mang tính chất định hướng, còn quyền quyết định vẫn là con, để con được độc lập về suy nghĩ, tự do thể hiện ước mơ của mình”. Cũng theo chị Yến, khi cha mẹ trở thành người bạn thân thiết và đáng tin cậy của con thì mọi khó khăn của con sẽ vượt qua dễ dàng.

Năm nay, con trai chị Dương Tuyết Lệ (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bước sang tuổi 17, nhưng trong mắt chị Lệ, con trai chị vẫn rất “khờ” nên chị luôn dõi theo sự phát triển của con mỗi ngày. Chị Lệ cho rằng, con cái dù ở giai đoạn, độ tuổi nào cũng cần sự định hướng của cha mẹ, nhất là độ tuổi mới lớn. “Ở độ tuổi này, tâm sinh lý của con có nhiều thay đổi theo kiểu "người lớn" nên thay vì trách mắng con, mình chọn cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con nhiều hơn. Với mỗi một việc con làm, nếu khó chia sẻ, mình luôn tìm mọi cách để giúp con hiểu ra vấn đề, chọn cách xử lý tốt nhất. Có lần con trai lớn của mình “say nắng” một bạn gái lớn hơn tuổi rồi sao nhãng chuyện học tập. Sau một thời gian tìm hiểu, mình nói chuyện với con, phân tích, giải thích cho con hiểu tường tận mọi vấn đề, con tiếp thu, sửa đổi và chuyên tâm học hành hơn. Cha mẹ phải luôn đồng hành, tâm sự cùng con thì con mới mở lòng, mọi vướng mắc của con vì thế cũng dễ giải quyết”, chị Lệ bộc bạch.

Học kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả

Ở tuổi mới lớn, trẻ thường bộc lộ sự bướng bỉnh, nổi loạn và muốn chứng minh mình là người lớn. Vì vậy, ở giai đoạn này, trẻ muốn cha mẹ tôn trọng, lắng nghe, thậm chí muốn cùng cha mẹ bàn bạc, thỏa thuận các vấn đề liên quan đến trẻ chứ không muốn bị ép buộc hay kiểm soát. Nói thì dễ, song để thực hành, nhiều bậc cha mẹ chia sẻ họ cảm thấy khá khó khăn, nhiều khi bất lực trước những biểu hiện "chống đối" của con. Để giải quyết tình trạng này, theo Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), không cách nào khác, các bậc phụ huynh cần học kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả.

Thạc sĩ Hồng Nhung cho hay, sự phát triển kèm những thay đổi tâm lý độ tuổi mới lớn là bình thường và bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải trải qua, song sự bất thường ở đây chính là cách tác động của cha mẹ. Cha mẹ luôn cho mình có quyền kiểm soát, áp đặt con, buộc con phải lắng nghe, tuân theo. Đây là tư duy của hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ.

Tuy nhiên, tư duy này chỉ phù hợp với những đứa trẻ nhỏ - giai đoạn trẻ thiếu kỹ năng an toàn và cha mẹ phải đưa ra các chỉ dẫn để con làm theo; còn ở độ tuổi mới lớn, trẻ có quan điểm riêng, thậm chí ở nhiều lĩnh vực, trẻ còn làm tốt hơn cả người lớn nên phụ huynh cần lắng nghe con. “Lắng nghe ở đây không chỉ nghe về mặt thông tin mà cả về cảm xúc, thậm chí động cơ của con. Khi trao đổi với các bậc phụ huynh, mình luôn nói về sự lắng nghe này, bởi thực tế hầu hết phụ huynh chỉ lắng nghe con bằng tai chứ chưa nhìn vào mắt con, chưa cảm nhận con đang nói với mình bằng thái độ giận dữ, khó chịu hay thoải mái. Các bậc phụ huynh cũng chưa hiểu rằng khi con làm hành động ấy (như giẫm chân, hét to hay đóng sầm cửa… ) là con đang chống đối mình hay con làm vậy vì muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ để cha mẹ quan tâm đến con nhiều hơn”, Thạc sĩ Hồng Nhung nhấn mạnh.

Cùng với kỹ năng lắng nghe con, Thạc sĩ Hồng Nhung cũng cho rằng, cha mẹ nên học các kỹ năng khích lệ, động viên con. Việc học các kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả là cách biết được hành vi nào của con phải được củng cố, được khen ngợi, được động viên để con phát triển, hành vi nào cần dập tắt để có hướng xử lý đúng và kịp thời. Cùng với đó, trẻ cũng cần được học các kỹ năng cân bằng cảm xúc, kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và kỹ năng thuyết phục cha mẹ. “Một khi trẻ học được các kỹ năng về tư duy phản biện thì việc trẻ đưa ra các ý kiến, các phản biện để cha mẹ hiểu mong muốn của trẻ là điều rất đơn giản. Và khi cha mẹ hiểu con, bỏ qua những nguyên tắc, sự phán xét hay sự quan tâm thái quá để cảm nhận về con bằng tình thương, sự sẻ chia, cha mẹ và con cái sẽ trải qua khoảng thời gian đẹp trong cuộc đời”, Thạc sĩ Hồng Nhung cho hay.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.