Sifan Hassan rời Ethiopia di cư sang Hà Lan cách đây 12 năm. Cô bắt đầu cuộc sống mới ở châu Âu bằng việc đi học y tá với mức chi tiêu chỉ 300 euro/tháng, nhưng vẫn tiếp tục tập luyện môn thể thao ưa thích nhất là môn chạy đường trường. Ethiopia là quốc gia có khá nhiều vận động viên điền kinh chạy đường dài danh tiếng thế giới, chẳng hạn Almaz Ayana lập kỷ lục thế giới cự ly 10.000m nữ tại Olympic Rio 2016 với thời gian 29’17”45.
Sifan Hassan lập kỷ lục thế giới ở cự ly 10.000m nữ. Ảnh: NBC Sport |
Hassan bắt đầu thi chạy điền kinh khi còn học y tá và liên tục đoạt HCV ở những giải đấu nhỏ. Sau 5 năm nhập cư, Hassan có được quốc tịch Hà Lan năm 2013 và nhanh chóng trở thành vận động viên tuyển thủ nước này. Cô gái 28 tuổi chỉ nặng 49kg thừa nhận có mơ mới thấy được mình phá kỷ lục của đồng hương trước đây là Ayana!
Vậy mà giấc mơ đó giờ đã thành hiện thực. Sifan Hassan vừa phá kỷ lục 10.000m của Ayana trong giải đấu quốc tế Continental vừa diễn ra tại Hà Lan với thành tích 29’06”82. Cô thể hiện sự vượt trội so với toàn bộ đối thủ của mình khi chạy một mình trong 7km cuối cùng, vận tốc trung bình ở 20,6km/giờ. Như vậy, Hassan đã phá kỷ lục của Ayana tới hơn 10 giây - con số quá ấn tượng. Cô gái gốc Ethiopia này trước đó đã có kỷ lục thế giới ở cự ly chạy 1 dặm, 5.000m cũng như danh hiệu vô địch thế giới 1.500m.
Các hãng sản xuất đồ dùng thể thao lớn trên thế giới liên tục áp dụng công nghệ kỹ thuật cho các sản phẩm giày giúp vận động viên điền kinh thi đấu đạt thành tích vượt hơn khả năng thực sự có của mình. Năm 2019, Tổ chức điền kinh thế giới ra quy định mới về sản xuất giày thi đấu là hạn chế sử dụng các tấm lọt và đế không được dày hơn 30mm.
Tuy nhiên, nỗ lực của tổ chức này không ngăn được sự phát triển vượt bậc của công nghệ mà bằng chứng là 4 kỷ lục thế giới ở hai cự ly 5.000m và 10.000m của nam và nữ bị phá vỡ trong 10 tháng qua. Hassan mang đôi giày Nike ZoomX Dragonfly được cho là “giày chạy nhanh nhất mọi thời đại”.
Ngoài ra, các vận động viên còn được hưởng lợi từ đèn báo tốc độ trên đường chạy để coi liệu mình đã đạt được mục tiêu phá kỷ lục hay chưa. Chính Hassan thừa nhận rằng ở vòng chạy cuối cùng (25 vòng chạy trong sân vận động) nhìn thấy tín hiệu tốc độ đã nghĩ tới khả năng mình sẽ lập được kỷ lục thế giới nên nỗ lực bứt tốc với thời gian chỉ 2’45”77 ở km cuối cùng.
“Đạt được kỷ lục thế giới ở đây thực sự hạnh phúc, nhất là trước những người hâm mộ Hà Lan. Nó như lời khẳng định hoàn hảo cho quá trình tập luyện chuyên cần để sẵn sàng thi đấu ở Olympic Tokyo sắp tới”, Hassan cho biết.
Ngày hội thể thao thế giới tại Tokyo chỉ còn chưa đầy 50 ngày nữa nên Hassan xứng đáng là ứng cử viên số một thế giới ở cự ly 10.000m và cả cự ly 5.000m. Cô gái gốc Ethiopia rất chờ đợi tới thủ đô Nhật Bản để hoàn tất giấc mơ có được tấm HCV ở đấu trường Olympic.
TỊNH BẢO