Guốc mộc Nam Ô một thời vang bóng

.

Cho đến cuối thế kỷ XX, phần đông phụ nữ Việt đều mang guốc. Hai làng Nam Ô, Xuân Dương nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có nghề tạo ra loại sản phẩm cần thiết ấy.

Bến Bà Tân mang tên người phụ nữ mang guốc mộc Nam Ô ra bán ở Huế. Ảnh: Đ.D
Bến Bà Tân mang tên người phụ nữ mang guốc mộc Nam Ô ra bán ở Huế. Ảnh: Đ.D

Nghề guốc mộc có mặt ở Nam Ô đã lâu, dễ chừng đến cả trăm năm. Theo ông Lê Văn Toán, một trong những lão nghệ nhân còn “sót” lại của làng nghề, nghề làm guốc mộc Nam Ô do một người thợ lành nghề ở kinh đô Huế truyền lại. Người này khi đến Nam Ô thấy gỗ làm guốc rất dễ khai thác với số lượng dồi dào nên đã ở lại đây hành nghề.

Về sau nơi này có đến mấy thế hệ cha truyền con nối theo nghề của ông thầy Huế, trong đó có hàng chục nghệ nhân tay nghề lão luyện. Thời bấy giờ, guốc mộc làm ra phần nhiều cung cấp cho thị trường kinh đô Huế.

Dân gian có câu chuyện còn truyền. Xứ Ba Sơn(*) này xưa có một nữ tú tên bà Tân, không ai nhớ bà mang họ gì. Sở dĩ gọi vậy bởi bà là người đẹp cố xứ được tuyển vào cung cấm thời vua Khải Định, được phong đến hàng Tân phi trong tam cung lục viện. Bà vốn là thiếu nữ nhan sắc làm nghề bán guốc từ quê nhà Nam Ô ra kinh đô, lọt vào mắt xanh của các quan triều ở đất Thần kinh nên đã được tuyển vào cung nội để hầu hạ quân vương.

Khi vua Khải Định băng hà, bà được Đức Từ Cung cho hồi hương quê xứ. Về quê, bà lập một phương đình (chòi hình vuông) cạnh cửa sông Cu Đê, ngày đêm ra vô vò võ… Sau đó, bà chết đi, người dân quê xứ gọi nơi bến đò bên cửa sông này là bến Bà Tân.

Trở lại nghề làm guốc, để làm ra được đôi guốc khá tỉ mỉ và kỳ công, như một tác phẩm nghệ thuật của người làng nghề. Dụng cụ làm guốc như đồ nghề thợ mộc nhưng hình dạng phải phù hợp cho từng công đoạn, gồm: cưa, rìu, đục, chàng, đục nảy, đục dũm, bào, đá mài, bút chì...

Gỗ làm guốc là cây chiêm chiêm, cây mứt thịt sắc trắng tinh, cây xác mướp, sầu đông có sắc ngà đằm thắm. Đó là các loại gỗ vừa nhẹ, vừa mềm dễ đẽo gọt tạo hình. Gỗ được các tiều phu lấy từ rừng đầu nguồn sông Cu Đê, kết bè thả xuôi sông, tập kết ở bến Bà Tân chia ra cho các nhà làm guốc. Từ nguồn gỗ này, nghệ nhân tạo ra guốc mộc và có thợ phủ sơn lên đáp ứng nhu cầu của nhân gian.

Gỗ lấy về, lột vỏ, da trắng tinh, để trong mát, dùng cưa phân từng đoạn theo cỡ guốc, tiếp đó dùng rìu chẻ, đẽo gọi là tả tạo hình dáng thô tùy loại guốc. Sau đó dùng chàng xả tạo lượn trên mặt guốc, dùng rập áp lên rồi lấy bút chì kẻ rõ hình mặt guốc từng chiếc phải, trái. Cuối cùng, dùng chàng rộng bản vanh quanh tạo thành thành chiếc guốc, xong dùng đục nảy khoét sâu vào đế guốc thô gọi là nảy gót. Thế là một chiếc guốc thô đã thành hình.

Để hoàn thiện guốc, phải bào láng mặt và thành guốc, dùng bào chuốc cạnh gọi là bổ. Còn một công đoạn cuối cùng rất quan trọng là gọt gót so đôi bằng nhau trước khi sắp ra sân phơi nắng. Sau này, theo nhu cầu thị trường phải tạo lõm trên mặt guốc để ôm bàn chân người mang nên thợ còn phải thêm một thao tác nữa là dùng đục dũm khắc lõm trên mặt guốc.

Mặc dù mỗi thợ đều có thể thực hiện nhuần nhuyễn tất cả các công đoạn nhưng do yêu cầu sản lượng cung cấp cho thị trường, các xưởng guốc mộc ngày đó thực hiện theo dây chuyền, thợ chuyên công đoạn nào thì chỉ thực hiện riêng công đoạn ấy. Mỗi loại guốc có hình dáng khác nhau nên các công đoạn cũng có thao tác khác nhau. Muốn có đôi guốc cao gót, phải có gỗ bề dày xứng hợp, guốc cao gót và xuồng đục phải thêm một công đoạn là phải dùng khoan lấy bớt đi một phần gỗ ở đáy guốc, để đôi guốc nhẹ đi.

Ngày xưa, nghề guốc mộc đã nuôi sống nhiều gia đình của hai làng Nam Ô, Xuân Dương; thời kỳ thịnh nhất là thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ XX. Bấy giờ, theo lời ông Toán, nơi này có khoảng 20 hộ nghề, bình quân mỗi người trong một ngày thực hiện tích cực các công đoạn theo mô tả trên thì có thể tạo được vài chục đôi guốc, mỗi đôi thời kỳ 1960 bán được ba đồng hai cũng được xem là thu nhập tốt. Vì thế, có nhiều người ở làng khác đến đây học nghề và thị trường tiêu thụ cũng khá rộng. Ngoài kinh đô Huế là thị trường tuyền thống, còn được mở rộng đến các địa phương miền Trung như: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang...            

Làng nghề còn cung cấp guốc thô cho các xưởng sơn. Ở Huế thì xưởng sơn Ông Phụ ở Tây Lộc, Bà Bướm ở Bao Vinh; Đà Nẵng có các xưởng sơn Ông Mãi, Bà Bốn Đường, Hồng Anh. Những năm 1979, 1980, ở Nam Ô còn có những xưởng sơn mới nổi. Vì nghề sơn bấy giờ đã chuyển từ chất liệu sơn Nam với bí quyết khó khăn qua chất liệu sơn tây bóng láng dễ thực hiện với màu sắc bắt mắt, trang trí cầu kỳ hấp dẫn hơn. Đây là thời kỳ “hồi sinh” của nghề guốc mộc, vì nhu cầu thị trường, các xưởng làm guốc mộc tăng ca suốt đêm, tiếng dùi gõ vào đục, tiếng bào xoèn xoẹt dưới ánh đèn măng-sông vang lên trong đêm như niềm vui cơm áo.

Thời đó, các cô nữ sinh với tà áo trắng mang đôi guốc sơn có tên “hài thuyền” (guốc được đẽo cong lên hai đầu như cái thuyền giữ lọt bàn chân vào đó) màu trắng, tan trường trông như đàn bướm trắng trên mây.

Ngày nay, nghề guốc mộc Nam Ô đã lùi sâu vào hoài niệm. Những lão nghệ nhân mang nghề đã đi vào thiên cổ, những cụ còn ở lại cùng với tuổi già lụm cụm lúc nhớ lúc quên khi ai đó hỏi về cái nghề đã từng sống chết trên đất này suốt cả trăm năm. Ngay nhiều bạn trẻ thế hệ 10X giờ đọc câu thơ của Phương Trứ “Đêm nay có người qua đường/ Gõ tiếng guốc vào đêm tĩnh mịch” cũng chưa hẳn hiểu từ “guốc” là gì!

ĐẶNG DÙNG

(*) Còn gọi là Hoa Sơn, cách nói ghép của Hoa Ổ (tên cũ của Nam Ô) và Xuân Sơn (tức Xuân Dương)

;
;
.
.
.
.
.