Cảm hứng cuộc đời đôi khi không khởi nguồn từ những điều lớn lao. Nó đến từ câu chuyện về chàng thanh niên rong ruổi thu gom rác bằng xe đạp trên các cung đường dọc biển; từ hình ảnh cô nàng tí hon đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vẫn quyết tâm chinh phục điểm số tại kỳ thi THPT năm 2021…
Những câu chuyện nhỏ xuất hiện đây đó khiến người ta cảm thấy trân quý những phút giây hiện tại, để rồi tự nhủ mình cần vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
Những vòng xe của anh Đoàn Vương Phú Lộc (28 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) có ý nghĩa hơn khi có thể giúp Đỗ Văn Thịnh (20 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) viết tiếp câu chuyện nhân văn. (Ảnh facebook nhân vật) |
1. Năm 2019, câu chuyện nhặt rác làm từ thiện của Đỗ Văn Thịnh (20 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) lan tỏa trên fanpage “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp”. Đó là câu chuyện về chàng thanh niên bị chứng giảm trí nhớ ngày ngày nhặt từng vỏ lon, hộp giấy, túi nilon trên khắp các tuyến đường Đà Nẵng kiếm tiền phụ gia đình, trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn. Bài viết nhỏ ngay lập tức nhận được hàng ngàn like (thích), comment (bình luận) và nhiều lượt share (chia sẻ).
Có một phụ nữ đã để lại vài thông tin gây xúc động mạnh, đại ý rằng chị biết chàng trai này vì ngày ngày cậu vẫn đạp xe ngang qua xóm chị nhặt ve chai. Chị và nhiều phụ nữ trong xóm cảm thương nên chủ động dành dụm chai lọ, giấy lộn, túi nilon tặng Thịnh. Có lần, trong phần ve chai chị gửi, có lẫn vào đó đôi bông tai vàng mà ngay bản thân chị cũng không nhận ra.
Gần 10 ngày sau, có người phụ nữ đứng bên ngoài gọi cửa và nói: “Thằng Thịnh nhờ tôi mang đôi bông gửi lại cô. Bữa cô cho thằng bé túi ve chai, nó về soạn ra thấy đôi bông lẫn vào đó. Tôi qua lại nhà cô nhiều lần nhưng cô đi vắng, hôm nay mới gặp được”. Nói xong, người phụ nữ trao đôi bông tai rồi vội vã bỏ đi, không chịu nhận chút quà cảm ơn của chị.
Ba mẹ ly hôn, Thịnh sống cùng ba và em trai trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Âu Cơ. Thân thể gầy yếu, mắc bệnh giảm trí nhớ bẩm sinh nên học đến lớp 6 thì Thịnh nghỉ học. Không xin được việc gì vừa sức mình, Thịnh bắt đầu đi nhặt ve chai trên chiếc xe đạp cọc cạch. Trên hành trình dài hàng chục cây số mỗi ngày, Thịnh ngồi lọt thỏm giữa chiếc xe được chất đầy bao nilon, bìa carton và vỏ lon, vỏ hộp. Đôi tay nhỏ nhắn, gầy guộc, trần trụi của Thịnh bươi móc từng thùng rác để nhặt nhạnh những thứ có thể bán kiếm tiền.
Mình khó, người khác còn khó hơn. Thịnh nhận ra điều này khi len lỏi vào các ngóc ngách để lượm ve chai. Sau nhiều đêm trằn trọc, Thịnh quyết định lập CLB Tình thương An Lạc, mong kết nối thêm những tấm lòng, chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh thương tâm. Mỗi năm, Thịnh đứng ra kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ khá nhiều trường hợp ngặt nghèo.
Đơn cử, ngày 9-7, CLB của Thịnh kêu gọi ủng hộ kinh phí mai táng cho ông L.V.C (70 tuổi, trú 55/5 Nam Cao, phường Hòa Khánh Nam). Hoàn cảnh ông C. rất khó khăn, vợ chồng sống bằng nghề lượm ve chai nhưng ông không may đột quỵ và qua đời. Gần 2 năm nay, trên Facebook, có thể thấy thông tin, hình ảnh Đỗ Văn Thịnh và các thành viên CLB Tình thương An Lạc nay chỗ này, mai chỗ khác, khi trao túi quà, khi gói ghém từng phần thực phẩm dành tặng bà con khó khăn do Covid-19.
Các thành viên CLB Tình thương An Lạc kể, vì trí nhớ không tốt nên Thịnh chọn cách ghi lại mọi thông tin mình tiếp nhận. Những câu chữ viết trên Facebook CLB không được trau chuốt, đôi khi sai lỗi chính tả nhưng hơn hết là tấm lòng của Thịnh dành cho mọi người. Nhờ sự chân chất, thật thà của Thịnh, nhiều người tìm đến, đồng hành với em trên bước đường thiện nguyện.
Gần 2 năm nay, anh Đoàn Vương Phú Lộc (28 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) mỗi tháng đóng góp khoảng 500.000 đồng cho CLB Tình thương An Lạc nhờ tiền bán ve chai mà anh - trong quá trình đạp xe thể dục mỗi sáng - đã thu gom và mang đến tặng Thịnh. Mỗi ngày anh Lộc nhặt khoảng 2-3kg ve chai, giao lại cho CLB Tình thương An Lạc bán lấy kinh phí làm từ thiện.
Nhiều người nói rằng, giá trị mà Thịnh mang lại không dừng ở việc giúp đời, giúp người, mà còn giúp người dân ý thức hơn việc thu gom, phân loại rác thải, biến những thứ bỏ đi thành món quà ý nghĩa. Còn chúng tôi tin rằng, những vòng xe của Lộc - giữa những giọt mồ hôi và sức nặng mang vác trên vai - trở nên có ý nghĩa hơn khi anh hiểu rằng việc mình làm không chỉ là thu gom rác, làm đẹp những tuyến đường mà còn có thể giúp Thịnh viết tiếp câu chuyện nhân văn.
2. Trần Công Minh, Bí thư Chi đoàn Tân Trung 1, Đoàn phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) có mặt trong tập 12, chuỗi video “Khởi nghiệp cùng thanh niên Đà Nẵng” do Thành Đoàn Đà Nẵng phát sóng trên các kênh YouTube và website Thành Đoàn, Fanpage Tuổi trẻ Đà Nẵng và chuyên mục Tuổi trẻ Đà Nẵng của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DanangTV) từ tháng 3 đến tháng 6-2021.
Chất giọng khỏe khắn, quyết liệt của Minh khi kể về khởi nghiệp khiến người đối diện tin rằng anh thật sự nghiêm túc với câu chuyện của mình. Mà, không nghiêm túc sao được khi anh dành cả thanh xuân và tâm huyết để gầy dựng cơ sở sản xuất, mua bán mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang tên: Phúc Vạn Lợi.Cơ sở của Minh nằm trên đường Phan Văn Định (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), tạo việc làm ổn định cho 5 thanh niên địa phương.
Minh cho biết, những năm tháng hoạt động Đoàn, tiếp cận nhiều khóa học khởi nghiệp giúp anh nuôi dưỡng giấc mơ làm chủ chính mình. Để khởi nghiệp thành công, anh đã nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu và thế mạnh bản thân, tận dụng lợi thế thành phố du lịch tạo nên dòng sản phẩm phong thủy, trầm hương hoặc các vật phẩm tạo mùi thơm trên ô-tô, nhà ở.
Trần Công Minh cho hay, con đường khởi nghiệp luôn đặt mọi người vào những tình thế khó giải quyết, nhưng không phải không làm được. Những câu hỏi như làm thế nào để sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh thương hiệu, bảo đảm lợi nhuận và tạo việc làm ổn định cho người lao động luôn được đặt ra. Thêm vào đó, máy móc sản xuất cần điều chỉnh phù hợp với dòng sản phẩm đang theo đuổi, mỗi giai đoạn đều ngốn nhiều thời gian và tâm sức nên cần kiên trì và quyết tâm vượt qua.
Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng kỳ vọng những thông tin được chia sẻ trong chuỗi video “Khởi nghiệp cùng thanh niên Đà Nẵng” sẽ giúp thanh niên nhìn nhận đúng hơn về khởi nghiệp, biết cách khai thác thế mạnh bản thân và hiện thực hóa ý tưởng. Theo anh Dũng, mọi lối đi luôn cần người dẫn đường và truyền lửa, đó là lý do vì sao Thành Đoàn quyết tâm thực hiện chuỗi video khởi nghiệp này.
Ở khía cạnh nào đó, sự quyết liệt, lạc quan trước mọi khó khăn khiến mỗi cá nhân trở nên tỏa sáng. Cao 1,2m, nặng 40kg, cô bé Huỳnh Thu Dung (SN 2003, học sinh lớp 12/13, Trường THPT Trần Phú) trở thành thí sinh được chú ý tại kỳ thi THPT năm 2021 không chỉ ở ngoại hình, mà còn ở thành tích học tập xuất sắc. Điều đáng nói, trước thời điểm thi, Dung nhận tin được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), nhưng cô nàng vẫn chăm chỉ ôn luyện và dự thi với thái độ nghiêm túc.
Nghị lực và thành công bước đầu của Dung trở thành niềm tự hào của thầy và trò Trường THPT Trần Phú. Trên Fanpage “Đoàn trường THPT Trần Phú Đà Nẵng”, các thế hệ học trò để lại những bình luận đầy yêu thương: “Một tấm gương hiếu học thật dễ thương”, “Giỏi quá em ơi”, “Dung giỏi quá, yêu Dung ghê”… Còn Dung, cô nàng vẫn dễ thương, hóm hỉnh và cho biết đang hồi hộp chờ đợi kết quả thi để đưa ra một số lựa chọn cho tương lai.
3. Người truyền cảm hứng giống như ngọn lửa, khơi gợi đam mê và đưa ra lời khuyên giá trị. Đó là lý do vì sao người thành công thường được khuyến khích chia sẻ lại những câu chuyện về cuộc đời họ. Richard Branson, Chủ tịch Tập đoàn Virgin (Virgin Group - Anh), một tập đoàn toàn cầu với 400 công ty lớn nhỏ, sở hữu những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Virgin Atlantic Airways, Virgin Records đã chia sẻ những bài học trong cuộc sống, kinh doanh qua cuốn tự truyện Screw it, let’s do it (Mặc kệ nó, làm tới đi). Cuốn sách ghi lại cuộc đời ông từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, khởi đầu công việc kinh doanh và trở thành tỷ phú.
Điều đáng nói, cùng với tư tưởng “mặc kệ nó, làm tới đi”, ngoài tập trung vào chiến lược kinh doanh, Richard Branson đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông mạo hiểm, như vượt Đại Tây Dương, bay vòng quanh trái đất bằng khinh khí cầu, vượt eo biển Manche bằng xe lội nước Aquada nhằm quảng bá thương hiệu Virgin Airlines.
Năm 2007, để giới thiệu hãng hàng không Virgin America, Richard Branson đã nhảy xuống từ nóc khách sạn Palms ở Las Vegas chỉ với một dây cáp treo buộc quanh người. Khi gặp cơ hội, Richard Branson luôn nói “Let’s do it” và bắt tay ngay vào việc thực hiện, thay vì ngồi đợi và phân tích thiệt hơn. Ông nói rằng, thà thất bại với một ý tưởng còn hơn không làm gì.
Ngày 11-7-2021, Richard Branson trở thành tỷ phú đầu tiên trên thế giới du hành vũ trụ ở độ cao 85km bằng tàu vũ trụ VMS Eve (WhiteKnightTwo) do Virgin Group sản xuất. Chuyến bay kéo dài hơn 10 phút đã biến giấc mơ đưa du lịch vũ trụ trở thành ngành công nghiệp mới của Richard Branson trở thành hiện thực. Báo chí quốc tế ghi lại chia sẻ của Richard Branson khi máy bay của ông vừa chạm đất: “Nếu hiện tại tôi có thể làm được điều này, thì không thứ gì có thể ngăn cản bạn tưởng tượng làm được trong ngày mai”.
Chính khí thế của ông chủ Tập đoàn Virgin Group đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ mong muốn khởi nghiệp, thông qua những thông điệp: Hãy vui vẻ, hãy táo bạo, hãy thách thức bản thân, đứng trên đôi chân của mình, biết tôn trọng, đổi mới và tìm thấy niềm vui trong công việc…
Một doanh nhân trẻ, khi chia sẻ với chúng tôi cuốn tự truyện Screw it, let’s do it, đã nói rằng anh thực sự tìm thấy những ngọn lửa ấm áp từ trái tim của Richard Branson. Một trái tim tin rằng mình có thể làm được mọi thứ khi biết cách chuyển động thật nhanh, suy nghĩ sáng tạo, giữ lời hứa, theo đuổi mục tiêu và mơ ước. Đó không phải là lời nói suông, mà nó thể hiện qua những việc Richard Branson đã làm, đã đối mặt, như một bài học thức tỉnh để anh đưa ra những quyết định đúng đắn.
TIỂU YẾN