Quê tôi - vùng đất màu mỡ nổi tiếng cùng nghề trồng lúa và hoa màu nằm dọc bên bờ sông hiền hòa, uốn lượn như câu hát “Con sông quê mềm như lụa, anh mãi gọi hỡi Thu Bồn”. Dòng sông ấy cũng chính là dòng ký ức mãi neo đậu trong tôi về vùng đất Quảng Nam những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên tinh nghịch. Nhất là những ngày giữa thu, khi tiếng trống múa lân cắc tùng cùng giai điệu “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ” (Thằng Cuội) của bọn trẻ hàng xóm vang lên, gợi trong tôi không khí trung thu của 40 năm về trước.
Thuở ấy, lũ trẻ con quê tôi học buổi sáng, chiều tụ tập đi mót củi, hái rau má, tìm cây thuốc nam. Vừa học, vừa phụ giúp gia đình, nhưng cả bọn vẫn dành nhiều thời gian cho những trò chơi năm mười, u mọi, nhảy dây, đánh nẻ… Vào những ngày đầu tháng 8 âm lịch, bọn trẻ chúng tôi lại tất bật chuẩn bị đón trung thu.
Khâu dán đầu lân chiếm khá nhiều công sức. Lệnh phát ra từ đứa trẻ lớn nhất, lũ con trai tức tốc chạy về xin cha những khúc tre rọc sẵn, những sợi dây lạt thật dẻo, thật mềm. Lũ con gái xin chị những tờ giấy xanh, đỏ, vàng, kích cỡ đủ loại. Chúng tôi hào hứng vẽ, cắt, dán, sơn đến quên ngủ trưa, quên cả bữa cơm chiều. Công phu nhất là làm hai con mắt và bộ râu của lân. Có đứa nhanh nhảu tìm hai trái bóng bàn, đem tô đen trắng và dán vào hai hốc trên của đầu lân, lông mi thì dùng bông gòn, còn râu thì lấy dây nilon đen tước ra, dán lại… Làm đuôi lân thì dùng cái khăn trải bàn bằng vải của nhà nào đó cho mượn. Hồi đó, hồ dán phải tự làm bằng bột sắn khuấy sệt để vừa nguội chứ không phải chỉ mấy đồng là có ngay một ống hồ ướt, khô tùy thích. Hì hục mấy buổi trưa trốn ngủ, mấy buổi chiều để trâu táp mất mấy bụi lúa của hàng xóm, đầu lân mới tạm xong. Cả bọn tự hào với công trình, ánh mắt đứa nào cũng lấp lánh niềm vui sau buổi học đi bộ về. Cái mệt biến mất khi chúng nhìn vào chiếc đầu lân đang ngạo nghễ tọa lạc giữa sân phơi.
Công đoạn tiếp theo, lũ trẻ dán mặt nạ ông địa, làm đuốc và chuẩn bị lồng đèn cho bọn con gái. Thời đó, điện chưa về từng thôn nên bọn tôi phải tìm lóng tre, mua dầu hỏa đổ vào, dùng giẻ nút chặt rồi thắp lên làm đuốc. Lồng đèn đâu có giấy gương đủ màu nên phải dán bằng giấy vở viết rồi lên khung tre với đủ hình dạng: con gà, con cá, ngôi sao… Ấy vậy chứ không có một lồng đèn nào thiếu chỗ gắn nến.
Gần đến trung thu, bọn con gái không đứa nào ngủ sớm bởi tiếng gõ trống tập múa lân trước sân hợp tác xã của lũ trẻ trai, chỉ mong đến đêm 14 âm lịch để được diện đồ đẹp, đi cầm lồng đèn cho đội múa lân.
Đợi chờ mãi rồi ngày vui cũng đến. Tôi nhớ mãi hai chiếc bánh ú được phát trong đêm trung thu quện lên mùi nếp, mùi lá chuối, bùi cay nơi đầu lưỡi bởi vị đậu xanh trộn với hạt tiêu. Tết trung thu là dịp các mẹ, các chị trổ tài nấu bánh ú từ nếp đậu quyên góp được của từng nhà. Mới chạng vạng tối, tiếng trống múa lân đổ giòn giã ở sân hợp tác, giục giã từng tốp thiếu nhi dồn tụ về đây. Người lớn cũng vội vã ăn cơm sớm để đi xem múa lân. Đường làng tấp nập, ánh trăng vằng vặc soi từng bụi cây, hốc lá. Đợi đông đủ, cô tổ trưởng bắt đầu gọi trẻ con từng hộ lên phát bánh. Không có bánh trung thu con lợn, con gà; không có kẹo mút, hộp sữa hay lon nước ngọt như bây giờ mà vỏn vẹn chỉ hai chiếc bánh ú cho một đứa trẻ. Thời ăn không no, mặc chưa ấm đối với lũ trẻ trâu suốt ngày tiêu hao năng lượng như chúng tôi, bánh ú là nhất rồi. Tiếp sau đó là tiết mục múa lân trình làng, phần thưởng là cả xâu bánh chừng hai chục chiếc. Được mọi người vỗ tay không ngớt, lũ trẻ trai tha hồ nhào lộn cho lân nằm, ngồi, cuộn nhưng rập ràng theo nhịp trống. Sau đó, đoàn lân rồng rắn đến từng nhà trong xóm múa theo yêu cầu…
Đêm làng quê nhộn nhạo lên vài bữa rồi lại trở về với vẻ im lặng cố hữu của nó. Chúng tôi bây giờ đứa nào đứa nấy yên bề gia thất, có đứa bây giờ đã làm ông nội, bà ngoại nhưng tiếng trống lân vẫn mãi trong ký ức. Thời hiện đại, mọi thứ đều được bày sẵn ở cửa hàng, siêu thị, từ chiếc đầu lân tuyệt đẹp đến lồng đèn đủ sắc, đủ hình, vừa xoay, vừa hát; từ chiếc bánh trung thu của những hãng sản xuất danh tiếng, đến những cửa tiệm nhỏ, và cả những cây kẹo chocolate viên tròn, viên dẹt. Nhưng ký ức về những mùa trung thu xưa cũ vẫn luôn là kỷ niệm thật đẹp, trong trẻo và ngọt ngào.
NGUYỄN THỊ THU THỦY