Sách mới sách hay

Dịch bệnh - Kẻ thù nguy hiểm nhất

.

1. Những mảnh ghép rời ký ức (NXB Trẻ) là cuốn sách cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa, được phát hành vào tuần cuối của tháng 8-2021, tức một tháng sau ngày ông từ giã cõi đời vì bệnh ung thư. Tác phẩm gồm hai phần: tạp bút và biên khảo, là nguồn tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về vùng đất Sài Gòn. Ở phần tạp bút, tác giả như trở về tuổi thơ, gắn bó với những con phố xưa, miếng kẹo mạch nha, câu hát cải lương… “Những ký ức tuổi thơ đã dựng nên trong tôi bức tranh về đời sống, chuyện học hành của một Sài Gòn - Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời rạc, chưa ráp nối được để hình thành một tổng thể. Hay là, ngược lại, những nếp sống, vỉa tầng văn hóa đã trở thành một ký ức về Sài Gòn - Chợ Lớn của ngày xưa dù chỉ là từng mảnh rời không trọn vẹn”.

Phần biên khảo, tác giả tìm lại mạch ngầm văn hóa, văn nghệ ở Sài Gòn một thời với “đêm nào đó ngồi giữa Sài Gòn chợt nghe tiếng hát Khánh Ly, Thanh Thúy... vang lên từ chiếc máy Akai. Chợt nhớ những phòng trà vang danh các giọng ca sầu mị, với các tình ca dịu dàng. Những giọng ca đi ra và lớn lên từ phòng trà, sàn gỗ, tạo dựng âm thanh, làm nên những đêm Sài Gòn mang màu trừu tượng...”.

Ông cũng dành một phần cuốn sách để viết về Sài Gòn những ngày giãn cách với sự yên ắng của một “thành phố không ngủ”. “Không gian như rơi vào cõi thinh không tưởng chừng như thính giác đã hỏng. Không nghe một tiếng động, một tiếng xe từ ngoài đường cái dội vào. […] Đường hẻm khu phố tôi, vốn đã quen với tiếng động ầm ĩ hằng ngày (không muốn quen cũng không được) bây giờ như đang nằm ngủ”.

2. Dịch bệnh - Kẻ thù nguy hiểm nhất (NXB Dân Trí) của hai tác giả người Mỹ Michael T. Osterholm và Mark Olshaker là một trong những cuốn sách đáng đọc trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tác phẩm viết về các bệnh truyền nhiễm, cung cấp thông tin về các loại dịch bệnh tiêu biểu với những nguy cơ và thách thức cấp bách nhất, qua đó đề xuất những biện pháp có thể giải quyết các vấn đề của nhân loại.
Cuốn sách gồm 21 chương trình xoay quanh những câu hỏi: Who (ai), What (cái gì), When (khi nào), Where (ở đâu), and Why (tại sao) và How (như thế nào). Đây là những câu hỏi lúc nào cũng có trong các cuốn giáo trình về dịch tễ học.

Cuốn sách mong muốn mang lại cho độc giả một mô hình đánh giá nguy cơ của những đợt bùng phát dịch bệnh trong thế kỷ 21. Theo các tác giả, khi đối phó với bệnh truyền nhiễm, chúng ta cần xác định và tìm hiểu những căn bệnh này cùng với khả năng tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội hoặc sự ổn định của các vùng lãnh thổ, thậm chí toàn cầu. Các giải pháp đưa ra cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và chính sách. Nếu không có chính sách, nghiên cứu sẽ không có phương hướng, và chúng ta sẽ chỉ chạy từ cơn khủng hoảng này qua cơn khủng hoảng khác và cũng chẳng đi đến tận cùng vấn đề. Khoa học và chính sách cần được kết hợp để tạo ra hiệu quả.

NHẬT LỆ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích