Du Xuyên Đông là một trong những ngôi làng ra đời sớm ở trung tâm Đà Nẵng. Những trang sử của làng gắn với các biến cố quan trọng theo suốt chiều dài lịch sử của vùng đất Đà thành.
Làng Du Xuyên xuất hiện lần đầu tiên trên tấm bia có niên đại sớm nhất vùng Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc lập năm Tân Mùi (1631). (Ảnh tư liệu) |
Buổi đầu ở thế kỷ 17
Dựa vào tấm bia ma nhai tại quận Ngũ Hành Sơn có niên đại sớm nhất được biết, cho đến nay ở Đà Nẵng là Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc (1631), Thiền sư Huệ Đạo Minh, tục danh Phạm Văn Nhân, người xã Du Xuyên, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam; nguyên quán ở xã Du Xuyên (瑜川社), tổng Liên Trì, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, xứ Thanh Hóa (hiện nay có các địa danh làng Du Xuyên, bến đò Du Xuyên, núi Du Xuyên nằm ở vùng ven biển xã Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Như vậy, làng Du Xuyên ở vùng đất Đà Nẵng ra đời khá sớm và tiền dân vùng Thanh Hóa “đã gánh theo tên đất, tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Nó giúp củng cố nhận định rằng vùng Thanh - Nghệ là nguyên quán chủ yếu của các tộc họ từ phía Bắc đến vùng này trong lịch sử.
Sách Phủ biên tạp lục (1776) chép có Nhiêu phu Du Xuyên Đông 饒夫瑜川東 thuộc huyện Lễ Dương Tân, phủ Thăng Hoa. Nhiêu phu là một hạng dân được cấp cho quan viên làm ngụ lộc và đóng tiền cho quan viên đó thay thuế thân. Họ làm rất nhiều công việc như đi theo thuyền thuế, lo việc chèo thuyền, kéo thuyền. Theo đó, dân nhiêu phu Du Xuyên Đông là địa bàn sinh sống, quy tụ của các nhiêu phu làng Du Xuyên Đông. Có thể trong các thế kỷ 17-18, khi Đà Nẵng đóng vai trò là một tiền cảng của cảng thị quốc tế Hội An, lực lượng nhiêu phu từ các làng Du Xuyên Đông, Thạch Than, Trường Lệ đã hoạt động dọc sông Hàn vào sông Cổ Cò vào đến vùng Cửa Đại, Hội An hoặc đi đường biển ra vùng Thuận Hóa.
Trong địa bạ đầu thế kỷ 19
Theo bản địa bạ gốc (được lập vào năm 1815, có ký hiệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là 12282), thôn Du Xuyên Đông thuộc tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn với toàn diện tích là cát trắng 7 mẫu, 3 sào, 7 thước, 5 tấc; một dải khe 63 tầm; phía đông giáp sông, lấy sông làm giới. Làng Du Xuyên Đông lọt thỏm giữa các ngôi làng lớn xưa của Đà Nẵng như Thạch Than, Thạc Giản, Nại Hiên, Phước Hải, Hải Châu Chính. Làng có diện tích khiêm tốn, lại tọa lạc ở vị trí ven sông trước biển toàn đất cát trắng, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp và có nguồn gốc từ dân nhiêu phu ở các thế kỷ trước, nhưng dân làng có thể vẫn tiếp tục sinh kế gắn với sông nước như chèo thuyền, kéo thuyền, đánh bắt cá, buôn bán.
Đặc biệt, địa bạ làng là một tư liệu quý lần đầu ghi nhận sự xuất hiện của danh xưng Đà Nẵng, Hàn Môn không phải là một cửa biển mà là một xứ đất của một làng: Đà Nẵng xứ thuộc làng Thạch Than và Hàn Môn xứ thuộc làng Du Xuyên Đông. Rõ ràng, Đà Nẵng xưa là một trong 5 xứ đất lớn nằm ở phía tả ngạn sông Hàn cùng 4 xứ đất khác có tên gọi nôm na như Bàu Lác, Rẫy Cu, Giếng Bộng, Tràm Trẹm.
Nửa sau thế kỷ 19
Vào buổi đầu kháng Pháp của quân dân Đà Nẵng (1858-1860), trong hệ thống đồn lũy được quân nhà Nguyễn xây dựng ở Đà Nẵng có đồn Du Xuyên nhưng ít được nhắc đến. Từ vị trí của làng trên bản đồ bản đồ chiến sự năm 1859, đồn Du Xuyên nằm ven bờ tả sông Hàn, phía nam Công sảnh lãnh binh và phía đông của kho Đà Nẵng, nằm ngoài hệ thống đồn lũy quan trọng như đồn Hải Châu Hạ, Hải Châu Trung, Hải Châu Thượng, đồn Phước Ninh.
Ngày 8-5-1859, sau khi nhận viện binh, một cuộc tấn công quy mô lớn được liên quân địch triển khai đồng bộ vào hệ thống đồn lũy tại Đà Nẵng. Các đồn lớn như đồn Du Xuyên cùng với đồn Thạc Giản, Hải Châu và nhiều đồn lũy vùng phụ cận khác bị chiếm đóng, thiệt hại về phía quan quân triều đình nhà Nguyễn rất nặng nề. Từ trận đánh này đến 5 năm sau (1864), theo lệnh vua, lính và súng đồn Du Xuyên cho rút về và bãi bỏ, có thể vì vậy, đồn không còn dấu vết gì trên thực địa.
Trong sách Đồng Khánh địa dư chí (1886-1887), thôn Du Xuyên Đông vẫn thuộc quản hạt của tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn và có làng Du Xuyên, Du Xuyên lũy được thể hiện trên bản đồ gần các làng Thạch Than, Thạc Giản. Tháng 10-1888, với đạo dụ Mậu Tý, Đà Nẵng chính thức trở thành nhượng địa của Pháp. Theo đó, làng Du Xuyên đã bị sáp nhập vào nhượng địa trong thời gian chưa đầy 1 năm. Sau sự kiện này, tên làng chưa thấy xuất hiện trong các sử liệu nào nữa. Cũng có thể nói, đến cuối thế kỷ 19, làng Du Xuyên Đông đã biến mất, làng đã lên phố.
Từ lúc xuất hiện đầu tiên trên văn bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệt lạc cho đến khi biến mất sau lần xuất hiện trong thư tịch Đồng Khánh địa dư chí, làng Du Xuyên Đông đã có tuổi đời hơn 250 năm. Đến nay, sau hơn 130 năm nhìn lại, hình ảnh “Đà Nẵng cát là cát”, “cát trắng lún đến nửa giò” đã lùi xa vào tiềm thức của người dân thành phố, cũng như ngôi làng nhỏ bé Du Xuyên Đông không còn được nhiều người biết đến.
HY GIANG