Cho thành phố chúng mình!

Anh hiểu những điều thân thương nhất với mình. Là biển trời Tổ quốc/ Là thành phố đẹp nghĩa nặng tình dày/ Là em/ Anh trân trọng bảo vệ bình yên ấy/ Cho Tổ quốc!/ Cho thành phố chúng mình!/ Và cho cả em thương!

Hai bờ sông Hàn đều là những khu phố khang trang, hiện đại. Ảnh: KHÁNH LINH
Hai bờ sông Hàn đều là những khu phố khang trang, hiện đại. Ảnh: KHÁNH LINH

Em thương!

Anh vừa hết ca trực đêm. Em đã ngủ chưa? Từ trên điểm cao nhìn xuống thành phố sáng đèn, anh muốn tìm khoảng trời em ở đó!

Đêm!

Lặng yên nhìn sâu vào tâm hồn thành phố, anh thương nhớ em hơn. Anh muốn dành lời dịu dàng, êm sâu nhất khi đặt bút viết cho em và những ký ức mến thương mang tên Đà Nẵng, thành phố mà anh đã gắn bó từ thơ bé đến lớn khôn, nơi anh hái bao trái ngọt, nơi dạy anh vấp ngã, nơi nâng anh đứng dậy và cũng là nơi anh gặp em.

Từ ngày chúng mình gặp nhau, anh cảm giác thành phố thêm tươi nắng. Anh nhớ mãi cô gái lần đầu đến Đà Nẵng, mải lang thang lạc lối về. Em lơ ngơ để sóng chiều cuốn trôi mất dép, chân trần đứng giữa ngổn ngang gạch đá, hăng hắc nhựa của con đường đang quy hoạch. Chắc em không biết nơi em đứng là chỗ thành phố đã giải tỏa khu nhà chồ tạm bợ, tăm tối bên bờ đông sông Hàn từ ngày anh còn nhỏ xíu để mở những con đường khang trang. Ngày em đến, tỉnh vừa chia tách, phố không rộng, người chưa đông nên mình mới gặp được nhau. Giả dụ nhé, bây giờ giữa san sát nhà tầng, cao ốc sáng choang, người xe hối hả, ngược xuôi, lạ nhau đến thế, em có tình cờ nhìn thấy anh không?

Em thương!

Tháng năm không phải dấu chân trên bờ cát để khi chiều về con sóng cuốn trôi. Tháng năm thành phố đã in đậm những kỷ niệm chúng mình. Tháng năm có dáng anh tuần tra dọc dài trên bãi biển, nắng chao chát soi rát bỏng, mưa bão tới tấp quất như roi. Tháng năm thành phố bình yên đón em vào lòng, ngày hai buổi lên giảng đường học làm cô giáo. Tháng năm có anh mướt mải mồ hôi đạp xe ngang Cổ viện Chàm cổ kính, cuống quýt lo trễ hẹn làm em hờn dỗi. Mỗi khó khăn đi qua, chúng mình càng gắn bó để tâm hồn bắt nhịp thương yêu.

Em còn nhớ không, ngày đầu đưa em về thăm ba mẹ, gặp cơn mưa to, con đường vào nhà lầy lội bùn non. Mẹ trìu mến dẫn em ra giếng rửa chân, em líu ríu hái khế vào nấu bát canh chua. Nhà anh đó, nơi rốn lũ thành phố, mỗi mùa mưa lại oằn mình chống lụt. Anh ở đơn vị, nghe đài báo mà thương chẳng biết làm sao. Rồi thành phố quy hoạch, chỉnh trang, dân mừng vui đồng lòng góp đất mở đường. Đường thông, hè thoáng, em viết thư về quê ngoại khoe ốc đảo Hòa Xuân nhà con đã thành phường không kiệt, không hẻm của cả nước rồi. Ngày nhà mình dành dụm, chắt chiu sửa sang đôi chút, em vẫn một hai bàn với anh giữ lại cây khế cổ sau vườn như kỷ niệm ngày đầu về với mẹ. Dưới gốc khế chua bình yên ấy, tuổi thơ anh gửi lại. Mỗi lần về phép, trưa vắng, mình anh lặng yên ngồi ngó chùm hoa nắng trốn tìm, ngó khế đầy cành lúc lỉu mà nhớ ngày xưa. Anh nhớ những người thân yêu theo thời gian đã vắng xa. Nội chẳng còn để chứng kiến nắng bụi, mưa lầy nhọc nhằn trôi hết về quá khứ theo chuyến đò chênh chao đời nội. Anh ước thầm được chở nội dọc dài bao nhịp cầu lấp lánh đèn, sừng sững bắc qua sông, để bù đắp những tháng ngày cơ cực, lạch bạch vá víu áo mưa nội chờ anh đi học xa về. Anh thương suốt một đời lặng thầm lam lũ, nội chưa kịp nhìn thấy đất nở hoa…

Cô giáo của anh đọc nhiều thơ nhưng chắc ít bài nhắc đến dòng Cẩm Lệ. Dòng sông tuổi thơ anh tắm mát không nổi tiếng thơ nhạc như “con sông của người quan họ” hay “con sông dùng dằng, con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”(1) nhưng Cẩm Lệ có nỗi niềm xao động, nhớ thương riêng mình nghe em. Chuyện xưa kể lại có người con gái tên Cẩm, duyên tình trái ngang đã trầm mình tự vẫn. Nhiều người nhỏ lệ khóc thương nên dòng sông từ đó mang tên Cẩm Lệ. Một cách lý giải khác rằng, khoảng thời nhà Lê sơ, thế kỷ XV, sông vốn chỉ là con lạch nhỏ, nhờ dòng chảy đổi thay mới mở thành sông lớn, phù sa đắp bồi nên đôi bờ màu mỡ. Trên nền đất bồi, giống khổ qua có da màu đen không biết từ đâu sinh sôi, nảy nở rất nhanh, người dân ăn không hết, đem bán quanh vùng, lâu thành quen, gọi luôn là sông Cẩm Lệ. Dân cho rằng Cẩm Lệ nghĩa là “trái khổ qua da đen”. Anh thì chẳng thích khổ qua đắng đót mà đi xa về hay nhớ vị ngọt ngào bánh khô mè truyền thống chỉ làm từ bột gạo nếp, đường, gừng, mè quê kiểng. Hiểu anh, em pha ấm chè, vợ chồng mình ngồi thong thả bên nhau. “Nước chè tươi rót vàng mơ, đôi khi hạnh phúc đơn sơ vô cùng”(2).

Đơn vị của anh vẫn đóng quân cạnh làng chài. Chỗ ấy, xưa em lên thăm chỉ thấy những hàng cây rì rào quanh năm cãi lời ngọn gió, mái tranh nghèo đến xác xơ. Nay bàn tay lao động đã giàu lên từ biển. Cậu lính trẻ tếu táo hẹn ngày hết dịch, rảnh rỗi sẽ đưa thủ trưởng giong buồm đánh cá. Em còn thích chàng trai mang tâm hồn sóng biển nữa không để anh đưa em theo như những ngày xưa, ngày anh tặng em vỏ ốc để mỗi lần nhớ, ghé tai nghe biển hát?

Em thương! Thời gian làm anh không còn là chàng trai “lắng sâu nhưng cháy bỏng, tạm biệt rồi vẫn đọng những nụ hôn”(3) như ngày trẻ lần đầu nhìn em trên bãi biển nhưng giữa đêm dài thao thức tuần tra, tâm trí anh vẫn thấp thoáng em vội vàng trong nắng trưa, lo toan mọi việc một mình. Tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, nhiệm vụ của đơn vị cứ mải miết, không dừng. Cố gắng cùng anh, nghe em!

Em thương! Thành phố đang chìm dần vào yên tĩnh. Em đã ngủ chưa? Có vì sao khuya vẫn thức cùng anh nghe tiếng hát của đêm sâu, của sóng gió Sơn Trà hùng vĩ. Lời gan ruột ấy chắc chỉ đại dương mới hiểu? Còn anh, anh hiểu những điều thân thương nhất với mình.

Là biển trời Tổ quốc.
Là thành phố đẹp nghĩa nặng tình dày.
Là em.
Anh trân trọng bảo vệ bình yên ấy.
Cho Tổ quốc!
Cho thành phố chúng mình!
Và cho cả em thương!

NGUYỄN NHƯ ĐẠT

-----------------------------------------
(1) Thơ “Tạm biệt Huế”, Thu Bồn
(2) Thơ “Thuốc lào”, Nguyễn Duy
(3) Bài hát “Mùa xuân bên cửa sổ”, Xuân Hồng

;
;
.
.
.
.