Làng chài cổ Tân An nép mình dưới chân bán đảo Sơn Trà từ năm 1740, khi những tiền nhân dưới thời vua Lê Hiển Tông vượt dặm đường xa vào khai hoang, chọn nơi vừa tránh được gió bão, vừa giàu nguồn lợi thủy hải sản để dựng nhà, đan lưới, đóng tàu vươn khơi. Thời vua Thành Thái (1889), làng được đổi thành Tân Thái. Cuối thế kỷ 20, Tân Thái sáp nhập với Cổ Mân và hình thành phường Mân Thái (thuộc quận Sơn Trà).
Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, như nhiều làng chài khác ven biển, người dân Mân Thái nhường dải bờ biển vốn là nhà, là bến bãi nhộn nhịp người và thuyền đầy cá tôm cho dự án đường Sơn Trà - Điện Ngọc. Người dân làng chài Mân Thái đã tìm hiểu, sưu tầm và phục dựng lại đời sống của làng chài truyền thống để lưu truyền nguồn cội, làng nghề cho mai sau.
Đà Nẵng cuối tuần giới thiệu chùm ảnh Lưu giữ làng chài cổ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang, người con của làng Mân Thái (chùm ảnh do tác giả thực hiện thời điểm chưa có Covid-19).
|
Kéo lưới ở bãi biển Mân Thái lúc bình minh. |
|
Người làng Mân Thái có truyền thống giã vỏ thông để nhuộm lưới. |
|
Ông Phạm Văn Liễn cột phao gỗ vào lưới. Nghề biển ở Mân Thái đã theo bao đời từ già đến trẻ vươn khơi xa. |
|
Người làng Mân Thái trét dầu rái lên vỏ thuyền như cách làm từ đời xưa. |
|
Phụ nữ trong làng với công việc vá trủ (lưới). |
|
Những phụ nữ lớn tuổi dùng dây tơ hồng chà phân bò vào thúng, theo phương thức truyền thống để khi trét dầu rái vỏ thúng sẽ khít chặt, không rỉ nước. |
|
Tái hiện cảnh người làng chài Mân Thái mang những đôi bầu đựng mắm vào bán ở Hội An. |
|
Các lễ cúng, tạ hồi được người làng Mân Thái tái hiện và duy trì qua các năm. |
Hãy gửi cho chúng tôi những tác phẩm mà các bạn yêu thích. Địa chỉ: tsbaodanang@gmail.com