Những địa chỉ cảm xúc

.

Tôi có một list dài lưu lại những địa chỉ cảm xúc. Ở đó, điều quý giá nhất chính là những tấm lòng…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Là người theo chủ nghĩa tối giản, nhưng mỗi lần dọn nhà, tôi hầu như luôn rơi vào trạng thái ngập ngừng, thiếu triệt để. Để dọn dẹp những ngóc ngách trong một ngôi nhà nhiều thế hệ không hề là chuyện dễ dàng. Từ ngoài ngõ vào đến trong bếp, không gian nào cũng lớp lang những đồ vật, cây cối chứa nhiều kỷ niệm, là cây na, cây mít mà bố cất công mang hạt từ Thái Lan về sau một chuyến công tác dài ngày. Ngày bố mới trồng, tôi thường cằn nhằn về sự khác biệt khí hậu, thổ nhưỡng, tôi bảo bố nên để vườn thoáng đãng, còn hoa trái lúc nào muốn, chỉ cần chạy ra chợ mua. Tuy nhiên, bố nói, bố không trồng cho con, bố trồng cho các cháu.

Rời vườn, vào đến sân là đủ loại bình hoa, chậu gốm. Đây là thành quả sau những lần mẹ lặn lội về tận những làng nghề xa xôi. Trong nhà, người sở hữu nhiều vật dụng nhất có lẽ là mẹ. Ngoài khu nhà kho chính của gia đình, mẹ có hàng chục ngóc ngách lớn nhỏ khác để chứa chấp đồ đạc. Và hầu như lúc nào mẹ cũng chỉ muốn sắm thêm, tích trữ thêm chứ chẳng chịu bỏ bớt đi bao giờ.

Tôi đụng vào chiếc xoong cũ mòn vẹt toan vứt đi, mẹ bảo đó là món quà quý mẹ nhặt được trong hôm theo gia đình di tản từ Bắc vào Nam. Tôi đặt tay lên chiếc ghế đã sứt tai, mẹ lại bảo đó là của hồi môn từ thời bà nội để lại. Hầu như bất kỳ đồ vật nào với mẹ cũng quý giá, không nỡ bỏ đi. Dẫu không còn giá trị sử dụng thì ở chúng vẫn ẩn chứa một thông điệp, một góc nhỏ ký ức nào đó.

Tôi luôn ước, một ngày nào đó, những đồ đạc không còn giá trị sử dụng trong nhà có thể được thu nhỏ, hoặc biến hình thành những bức tranh dạng tĩnh vật. Khi đó, không gian nhà cửa vừa thoáng đãng, bố mẹ tôi lại vừa lưu giữ được những miền ký ức quan trọng từng gắn bó một chặng đời.

Như bao ngôi nhà ba gian khác, gian giữa nhà tôi có kê một bộ bàn dùng để trà nước tiếp khách. Sát đó là chiếc tủ chè khảm xà cừ có tác dụng che chắn cho gian thờ bên trong, phần khác là nơi lưu chứa những kỷ vật. Tôi thường chẳng dọn dẹp được gì ở khu vực này, trái lại còn phải thường xuyên lau bụi, giữ gìn, đánh bóng lại đồ đạc. Nào bộ búp bê Nga được phối màu rực rỡ, những chú gấu bông, chiếc hình cầu thủy tinh lấp lánh bên trong hàng trăm ngôi sao xanh, những bộ ấm chén đẹp nhất…

Đặc biệt, ở đó còn có 3-4 cuốn album ảnh gia đình. Và lần nào cũng thế, hễ đụng vào đó, tôi lại mất mấy tiếng đồng hồ để nghe mẹ chú thích, lý giải nội dung cho mỗi tấm hình. Nào ngày anh hai tập đi lần đầu, nào là lý do tại sao bé Út lại đặt tên cho em mèo vàng kia là Mũm Mĩm, nào bông hoa ở tấm bảng tên trên đồng phục của tôi là do mẹ thêu tay... Mẹ cứ ngắm nghía, kể lể, tủm tỉm đầy thiết tha như thế. Có lẽ đối với mẹ, những đồ vật trong quá khứ không chỉ là những kỷ niệm, những thói quen khó bỏ mà còn là những báu vật giúp dâng lên nhiều ngọt lịm trong tim.

Dẫu không cất giữ đồ đạc nhưng có nhiều lúc tôi thấy mình rất giống mẹ. Tôi tích trữ ảnh. Tôi có hàng ngàn bộ ảnh chụp lúc này, lúc khác. Tôi lưu chúng ở điện thoại, trên USB, trong máy tính. Khi tất cả đã tràn đầy, tôi tìm đến những ứng dụng mang chức năng “kho chứa hàng” trên internet. Quả thực, để chọn bỏ bớt đi, tôi chẳng biết sẽ phải “delete” (xóa) bộ ảnh nào. Tất cả đều là kỷ niệm, là những mốc thời gian trưởng thành và trải nghiệm đầy đặn nhất của bản thân. Không có tôi năm kia thì sẽ không có tôi năm ngoái, không có tôi năm ngoái sẽ chẳng tồn tại một tôi như hôm nay.

Thời gian là vô hạn, trí nhớ con người là hữu hạn. Với nhiều người, việc gác lại những điều đã qua là cần thiết. Nhưng với nhiều người khác, họ lại muốn sống chậm, trân trọng, không bỏ lỡ dù chỉ một khoảnh khắc nhỏ bé trong đời.

Tôi luôn nhớ lời mẹ dặn: “Đời người, muốn biết mình sẽ đi về đâu, thì trước hết nên biết mình từ đâu đến. Một ngôi nhà luôn ắp đầy những yêu thương tha thiết, thì con không bao giờ phải sợ nó sẽ thiếu đi những rộng rãi, thênh thang…”.

MINH THI

;
;
.
.
.
.
.