Trương Thị Bách Mỵ vừa ra mắt tiểu thuyết Sinh mệnh (NXB Hội Nhà văn, tháng 10-2021). Chị cũng là tác giả tập thơ Đêm chảy dài trên tóc (NXB Hội Nhà văn, 2017).
Bách Mỵ viết như đang an trú trong hơi thở của chính mình, con chữ được lấy ra từ trong tâm thức, người đọc sẽ thấy một Bách Mỵ trầm tĩnh và tràn đầy tình yêu với cuộc đời, với thiên nhiên. Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, gần gũi thiên nhiên đến nghe được cả “những giọng nói thương thuộc của tự nhiên qua lặng im mưa nắng”, Bách Mỵ lan tỏa đến người đọc một cảm ngộ tích cực rằng “gần gũi với tự nhiên sẽ đem lại bình an cho muôn loài. Hãy yêu thương và săn sóc cho tự nhiên như săn sóc đứa con bé bỏng của mình” và “hành trình chuyển sinh của mình là một chuyến đi dài như cơn mưa vừa kéo ngang qua những ngọn đồi ngày đầu thu lắng dịu”.
Biên, nhân vật xuyên suốt tiểu thuyết là một cô gái trẻ, hiền lành và hồn nhiên như cây cỏ, một cô gái “thích hái rau hái quả trong mưa”. Với lời thoại đậm chất miền Trung, Bách Mỵ đã thể hiện lối viết mộc mạc nhưng không kém phần ma mị và đầy ám ảnh. Tịnh, chàng trai Biên đã gặp lần đầu dưới cơn mưa rừng tháng sáu, “họ không trao đổi với nhau bằng lời nói. Họ là người từ trăm năm mãn ngày xa cách. Họ đoàn tụ như một ước hẹn”.
Ngày Biên còn nhỏ, mẹ thường đố rằng, cây cối có linh hồn không? Biên không trả lời nhưng từ đó cô luôn quan sát và nói chuyện cùng cây cỏ. Bách Mỵ đã dẫn dắt người đọc đi ngược về thời gian để lý giải vì sao một cô gái trẻ chông chênh và ma mị đó có thể đau với nỗi đau của mẹ thiên nhiên, đến độ mái tóc dài “bắt đầu đứt gãy và rụng dần”.
Người thành phố kéo lên rừng “bày biện yến tiệc để chúc mừng hoàn thành những công trình mới”. Họ say sưa, họ reo hò, họ vỗ tay và tán tụng nhau khi những món ăn được bày biện lên bàn, “những món ăn được chế biến trực tiếp từ những sản vật quý hiếm của vùng đất này”. Có lẽ ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần nhìn thấy mẹ thiên nhiên nổi giận. Nhưng khi đối diện với những thiên tai, “con người chỉ biết than khóc”, cũng có khi “họ gào thét, ca thán về những gì mình phải chịu đựng nhưng họ chưa bao giờ tự hỏi ai là người đã đem đến những nỗi đau đó?!”. “Sinh mệnh”? Vâng! Sinh mệnh của con người trước thiên nhiên, trước sự hủy diệt, mà sự hủy diệt đó chẳng ai khác, chính con người mang lại.
Và cuối cùng, khoảng trời xanh còn lại của trẻ thơ xin người lớn hãy dừng lại, đừng trưng dụng nó! Xin hãy giữ nơi ấy làm sân chơi “ném Còn, đá bóng”. Hãy giữ nơi ấy làm nơi “phơi hạt, nói chuyện phiếm”... Xin đừng để những chú chim non phải hốt hoảng bay lên, đừng để những con thú hoang hiền lành phải ngậm ngùi nằm lại… Bởi cuối cùng, những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất lại là nơi bình yên nhất, vỗ về, ủi an mỗi chúng ta khi lui về, thở than, từ “bó củi, bức mành, vại, chum, tàn tro nơi góc bếp”. Và trăng, còn gì tuyệt hơn khi trăng vẫn treo trên đỉnh đồi, khi những tòa nhà cao tầng không bao giờ được phép mọc lên trên những cánh rừng, ta sẽ còn nhìn thấy trăng lên...
VŨ NGỌC GIAO