Ám ảnh khó phai

.

“Djokovic bị đá khỏi nước Úc!”. Daily Mail của Anh và nhiều báo khác đã chạy dòng tít ấy để truyền tải chi tiết về sự kiện thể thao chấn động mới nhất: Tay vợt số một thế giới, ứng viên nặng ký của chức vô địch giải Úc mở rộng sắp khai mạc bị buộc phải về nước vì không được phép nhập cảnh để tham gia giải đấu này. Giấc mơ của tay vợt Serbia lần thứ 10 lên ngôi ở sự kiện Grand Slam đầu năm 2022 để chạm vào kỷ lục 21 lần quán quân bốn giải đấu lớn nhất của làng quần vợt đổ vỡ từ trong trứng nước.

Chính phủ Úc hủy visa nhập cảnh của Novak Djokovic. Ảnh: Sky Sports
Chính phủ Úc hủy visa nhập cảnh của Novak Djokovic. Ảnh: Sky Sports

Nhưng chuyện hụt kỷ lục và thành tích thao trường có thể chóng quên, còn nỗi đau cùng các vướng bận từ sự kiện bị nước Úc cấm cửa thì có lẽ còn lâu mới nguôi trong người đàn ông nhạy cảm này. Trước đó mấy giờ, tay vợt 34 tuổi hăm hở khoe với mọi người mình đang trên đường đến nơi phó hội. Miệng cười rạng rỡ cùng mớ hành lý chuẩn bị bước lên máy bay từ một sân bay ở Tây Ban Nha - nơi anh tập luyện - mọi thứ cho thấy Djokovic vui biết chừng nào khi được nước Úc cấp quyền miễn trừ y tế để đến tranh tài. Vậy mà chỉ ít giờ sau, mọi việc diễn ra trái ngược.

Cơ quan chức trách ở cửa khẩu sân bay Melbourne đã giữ Djokovic hơn 8 tiếng đồng hồ trước khi đưa ra quyết định: “Ngài Djokovic không cung cấp đủ bằng chứng xác đáng về việc miễn trừ chủng ngừa dịch bệnh để được nhập cảnh nước Úc. Trong trường hợp này, không công dân nước ngoài nào được phép lưu lại nước Úc”.

Đương kim quán quân giải Úc mở rộng ngay lập tức đến trú chân tại một khách sạn ở vùng ngoại ô Melbourne để chờ đáp máy bay về nước ít giờ sau đó. Chưa thấy phản ứng từ bản thân Djokovic nhưng bố anh - ông Srdjan - ra mặt giận dữ. Ông tố nhà chức trách Úc cầm giữ con trai ông một cách nhẫn tâm trước khi quyết định không cho nhập cảnh: “Novak bị đưa vào một phòng riêng có hai cảnh sát canh cửa và không ai được bén mảng tới!”.

Sự bất nhất của chính quyền Úc và các cơ quan liên quan có thể là điều dư luận sẽ bàn đến nhiều xung quanh cú sốc này. Djokovic chỉ đáp máy bay đến Melbourne sau khi được chính cơ quan thẩm quyền về y tế và thể thao của bang Victoria cấp phép miễn trừ (anh cùng dăm trường hợp hiếm hoi khác được xét cấp điều kiện này).

Quyền Bộ trưởng Thể thao bang Victoria - bà Jaala Pulford - khẳng định việc cấp phép ấy diễn ra minh bạch, khách quan theo luật định và không chịu sức ép hay ngoại lệ nào. Tuy vậy, chỉ ít giờ sau đó, lúc Djokovic và đội của anh đang ngồi trên máy bay đến Melbourne thì Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố đanh thép rằng nếu tay vợt Serbia không chứng minh ổn thỏa việc miễn trừ y tế liên quan đến chuyện mình không thể chích ngừa phòng Covid-19 thì anh ấy buộc phải về nước: “Không có ngoại lệ nào cho Djokovic. Bất cứ ai cũng vậy. Chúng tôi đợi anh ấy trưng ra chứng cứ xác đáng giúp nước Úc thấy rằng việc miễn trừ cho anh ấy là nên làm”.

Sức ép của công chúng - những người Úc nhiều tháng ròng khổ sở, điêu đứng vì dịch bệnh - có thể đã tác động nhiều đến cách hành xử của chính quyền nước đăng cai giải Grand Slam này. Nhiều người trước đó tỏ ý bất bình, phẫn nộ trước tin tay vợt lừng danh không chịu chích ngừa Covid-19 mà vẫn được phép đến xứ sở mình.

Họ lên án chính quyền nhu nhược, coi thường luật lệ, chạy theo sức hút của vật chất mà quên các giá trị nhân văn. Ông Morrison dường đã đọc thấy điều này. Chính ông vừa lên tiếng khen ngợi và cảm ơn các quan chức cửa khẩu sau việc cự tuyệt với Djokovic rằng họ đã… làm tròn trách nhiệm.

Nước Úc trở lại bình yên nhưng Djokovic khó nguôi bức xúc. Melbourne mang nhiều vinh quang cho anh bỗng trở thành nỗi ám ảnh khó phai.

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.