Với tổng giá trị các giao dịch đạt 22 tỷ USD, năm 2021 đánh dấu bước phát triển mới đáng chú ý của thị trường tài sản số NFT (non-fungible token). Với mức này, thị trường NFT đang có giá trị lớn hơn giá trị vốn hóa của công ty Nissan và hãng Domino’s Pizza, theo tạp chí Fortune.
Bức tranh The First 5000 Days của Beeple đã bán được với giá kỷ lục tại nhà đấu giá Christie. Ảnh: Reuters |
Ngay cả khi không ít người hiểu rõ NFT thực sự là gì thì loại tài sản kỹ thuật số này vẫn tiếp tục trở thành một hạng mục đầu tư được quan tâm. Giá trị vốn hóa thị trường của NFT đã tăng vọt trong năm 2021. Theo tổ chức DappRadar - đơn vị chuyên theo dõi các giao dịch NFT, các nhà sưu tập đổ xô vào NFT với hy vọng đây sẽ là một tài sản giá trị và có tiềm năng đầu tư lớn tiếp theo bitcoin.
Tổng giao dịch các NFT đạt 22 tỷ USD
NFT, viết tắt của “non-fungible token”, là một “token không thể thay thế” dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). NFT được dùng làm đại diện cho các tác phẩm, sản phẩm dễ bị sao chép như tranh, hình ảnh, video và tệp âm thanh cùng các tệp kỹ thuật số. Nói một cách dễ hiểu, NFT là chứng chỉ sở hữu kỹ thuật số đã được xác minh và có thể truy cập của một vật phẩm.
Dữ liệu của DappRadar cho biết, trong năm 2021, tổng giao dịch các NFT đạt 22 tỷ USD, tăng vọt so với mức 100 triệu USD năm ngoái. Trong đó, thương vụ mua NFT có giá kỷ lục nhất là tác phẩm nghệ thuật cắt dán kỹ thuật số có tên The first 5,000 days (tạm dịch: 5.000 ngày đầu tiên) của Beeple (nghệ danh của họa sĩ kỹ thuật số người Mỹ Mike Winkelmann).
Tác phẩm này được bán đấu giá thành công trong tháng 3-2021 với mức 69,3 triệu USD, trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật có giá đắt nhất khi họa sĩ vẫn còn sống. Một tác phẩm khác ở dạng NFT của Beeple là Human One cũng đã bán với giá 29 triệu USD.
Ngoài ra, giới quan tâm NFT cũng không thể không nhắc tới một NFT có giá triệu USD khác là bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club tập hợp 10.000 chú vượn người độc nhất trên blockchain Ethereum.
Theo DappRadar, nguyên nhân chính thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường NFT là việc nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư mảng này. Chẳng hạn, hãng Coca-Cola đã thu hơn 575.000 USD từ việc bán các vật phẩm như áo khoác làm theo yêu cầu khách hàng để “mặc” trong thế giới vũ trụ ảo Decentraland.
Các ngôi sao Hollywood, các ngôi sao thể thao và những thương hiệu lớn như Coca-Cola, Gucci, Nike, Adidas đã vào cuộc, góp phần tạo nên vị thế mới cho NFT. “Sức hấp dẫn từ những tên tuổi nổi tiếng này đã ảnh hưởng sâu sắc tới các NFT và ngành công nghiệp blockchain nói chung”, DappRadar nêu phân tích trong báo cáo tổng kết về thị trường NFT năm 2021.
NFT hoạt động thế nào?
Vì là các tài sản kỹ thuật số nên NFT có thể được mua, bán bằng công nghệ blockchain. Cũng giống như các loại tiền kỹ thuật số, NFT được mua/bán trên các nền tảng cụ thể và chuyên biệt, trong đó một trong những nền tảng có tiếng hơn cả là OpenSea. Mặc dù đến thời điểm này, các giao dịch NFT phổ biến nhất vẫn chủ yếu liên quan các tác phẩm nghệ thuật, video game, hình ảnh, âm thanh, nhưng NFT được cho là sẽ không chỉ dừng ở những hàng hóa đó.
Cũng cần phải nói rõ thêm, việc bán NFT (tương tự “chứng chỉ số”) của một vật trong thực tế không có nghĩa phải chuyển giao vật đó. Chẳng hạn, NFT của các tác phẩm hội họa nổi tiếng đã được bán, nhưng người mua không nhận được bức tranh được quy định bằng token tương ứng. Cái được “trao tay” trong thương vụ NFT chính là chứng nhận quyền sở hữu NFT được đăng ký trên nền tảng công nghệ blockchain. Chứng chỉ này phải được cất giữ an toàn trong một ví điện tử - vốn tồn tại ở nhiều dạng khác nhau.
Liên quan tới thị trường NFT, vẫn tồn tại hai luồng dư luận chính. Những người chỉ trích, phê phán cho rằng, các nhà đầu tư NFT đang đổ tiền vào những thứ vớ vẩn, vô nghĩa, nhưng những người ủng hộ lại cho rằng các NFT có ý nghĩa lớn hơn nhiều và không chỉ là những hàng hóa kỹ thuật số đơn giản.
Một số ý kiến dự đoán việc sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ về lịch sử quyền sở hữu của một vật nào đó về lâu dài sẽ ngày càng phổ biến hơn, rốt cuộc sẽ làm nên một cuộc cách mạng hóa với cách nghĩ về tài sản và quyền sở hữu.
Dù vậy, ngay lúc này, liên quan tới thị trường còn quá mới mẻ như NFT, giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tường tận kiến thức về nó không nên liều lĩnh tham gia vì tính rủi ro rất lớn. Trong một báo cáo gần đây, hãng dữ liệu blockhain Chainalysis của Ấn Độ cảnh báo: “Dữ liệu cho thấy các NFT vẫn chưa thể là sự đầu tư chắn chắn”.
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo The Guardian, Fortune, Livemint)