Xao xuyến tiếng quê hương

.

Giống như nỗi nhớ - không có sắp xếp lớp lang, trình tự, cũng không theo một thể loại văn chương nào, những bài viết trong “Đất Quảng - quê hương trong trái tim” (NXB Đà Nẵng) trải ra với người đọc ngồn ngộn nỗi niềm người xa xứ.

Khi nói về quê hương, trong tâm thức người Việt luôn sâu sắc một niềm thương, cồn cào một nỗi nhớ; và từ đó nảy sinh những cung bậc cảm xúc, lúc lắng đọng, khi dâng trào. Đó là khi những con đường, hàng cây, góc phố, mái nhà, bờ ruộng…, những gương mặt thân thương, giọng nói, câu hò, điệu hát… ngân vang trong ký ức, rung lên những giai điệu ngọt ngào.

Trong tâm thức ấy, những người con Đất Quảng “hành nghề chữ nghĩa” ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng điệu ý tưởng: Tại sao không làm một tập sách của những người xa quê - như một tấm lòng gửi về Đà Nẵng, Quảng Nam yêu thương? Từ đó, Đất Quảng - quê hương trong trái tim ra mắt bạn đọc trong những ngày đất trời chuyển mình vào năm mới 2022 - cũng là dịp kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997-2022).

Dù là Đất Quảng nói chung, hay Đà Nẵng và Quảng Nam nói riêng, thì quê hương vẫn luôn “trực thuộc” trong tâm khảm những người xa xứ, là nơi họ trải lòng với những ký ức không thể phai nhòa. Đó là mùi thị chín thơm lựng trong tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh: “Ở những ngôi chợ làng Quảng Nam vào mùa thị chín vẫn có thị bày bán ngoài chợ. Nhưng những quả thị vàng ươm, tròn tròn, xinh xinh và thơm nức mũi chỉ hấp dẫn trẻ con và các cô gái trẻ…

Mỗi năm, đến mùa thị chín, trên những bức vách và những cánh cửa của các ngôi nhà trong làng lại xuất hiện vô số những bông hoa vàng…” (Cây trái tuổi thơ). Là dòng sông Hàn với những cây cầu, nhưng người ở xa vẫn dạt dào cảm xúc với cầu quay Sông Hàn: “Trên sông Hàn, giờ đã có thêm nhiều chiếc cầu nữa bắc qua, hiện đại và đẹp hơn.

Nhưng với chúng tôi, những đứa con sinh ra vào thập niên 90, chiếc cầu quay Sông Hàn vẫn như một biểu tượng dễ gợi nên nhiều xúc động, một phần mà ai cũng có thể thấy mình có một phần trong đó” (Qua đôi bờ thương nhớ - Nguyễn Cường). Là tiếng sóng vỗ vào ký ức của Lê Minh Quốc: “Còn nhớ những buổi sáng sớm, được ngồi sau yêu xe đạp, được người cha chở ra tắm ở bãi biển Thanh Bình.

Tiếng sóng vỗ âm vang trong trí nhớ non nớt của cậu học trò lên năm lên bảy, nay, vẫn còn vang vọng mãi” (Âm điệu gió sông Hàn). Hay như Nguyễn Đình Xê “Đi mua cái nhớ mang về” mỗi lần đến chợ Bà Hoa - chợ Quảng giữa Thành phố Hồ Chí Minh: “…dịp giáp Tết là thời gian chợ Bà Hoa đông đúc nhất. Người Quảng ở Sài Gòn tìm đến đây để mua sắm cho cái Tết xa quê, cố tìm lại hương vị ngày xuân trong nhiều thức món đặc trưng của xứ sở mà mình từng một thời trải qua… Cũng như tôi, họ vào chợ với nỗi háo hức tìm về, sống lại để rồi bước ra với biết bao bâng khuâng thương nhớ”…

Giống như nỗi nhớ - không có sắp xếp lớp lang, trình tự, cũng không theo một thể loại văn chương nào, những bài viết trong cuốn sách này trải ra với người đọc ngồn ngộn nỗi niềm người xa xứ. Bên cạnh những dòng cảm xúc man mác hồn quê ấy, là những bài nghiên cứu về đất và người Xứ Quảng của Vu Gia, Lý Đợi, Nguyễn Hữu Hồng Minh... với những cách thể hiện đặc sắc, bật lên cá tính “chữ nghĩa” của mỗi người.

Với Đất Quảng - quê hương trong trái tim, mỗi bài viết là một con đường ký ức để chúng ta tìm lại chính mình trong cuộc sống còn nhiều xô đẩy trôi dạt này, để ý thức về một nơi chốn trú neo, từ đó làm đầy thêm tâm hồn mình.

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.