Thơ

.

“Những ngày tháng mà tuổi nào cũng muốn làm một đứa trẻ thơ, chỉ thèm chạy về méc mẹ cha rằng con không cần rời đi nữa, tựa vào đâu cũng thấy lòng dư ra một khoảng vắng”. Đọc ý thơ này của Nguyễn Phong Việt trong những ngày cận Tết, bỗng dưng ai cũng muốn trở về bên một mái nhà để “ngồi đây nhớ mẹ ra giêng/ ngày xưa giá rét đi tìm lửa rơm/ đồng không, gió thổi ngang hồn/ thương con xa xứ, xe bon biệt mù” như nỗi lòng của nhà thơ Trần Dzạ Lữ ngày xuân nhớ mẹ. Da diết hơn là tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, trong bài “Giao thừa của cha” khi nhớ về đồng đội: “bỗng cha khóc hu hu như trẻ nhỏ/ nước mắt rơi lả chả xuống lòng tay/ gõ đôi nạng gỗ vịn giường cha đứng dậy/ tóc rối như bát hương”. Vậy đó, những ngày cuối năm, dường như tâm trạng mỗi người đều hướng về nơi nguồn cội yêu thương…

(Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn & giới thiệu)

NGUYỄN PHONG VIỆT

Trên những con đường bao giờ cũng có một ngả rẽ…

Mình đã đi, đi mãi trên đường
lúc ngoái nhìn mới nhớ còn có một quê hương…

Những ngày tháng thương đau chợt nhận ra mình xa lạ với phố phường
cuộc mưu sinh một ngày kia im lặng
muốn tựa vào đâu cũng thấy lòng dư ra một khoảng vắng
không cần phải hoàng hôn vừa tắt
tim đã âm thầm tự hoang vu…

Những ngày tháng chân loanh quanh với bóng tối mịt mù
thấy thèm tiếng: “Con ơi, có ổn?”
hơi thở chông gai nhưng chỉ cần hơi ấm quen phủ xuống
mình như cây non đã về đến
trong bóng mát của tán cổ thụ già…

Những ngày tháng mà tuổi nào cũng muốn làm một đứa trẻ thơ
khi cuộc đời đổ ập lên khốn khó
chỉ thèm chạy về méc mẹ cha rằng con không cần rời đi nữa
cứ ôm con như từng đã
đầy đủ mọi bình yên!

Những ngày tháng để khát khao và phù phiếm bỗng trở nên ngoan hiền
trên đôi tay còn bao nhiêu đường vân nhỏ bé
nếm mật nằm gai rồi cuối cùng chỉ có một nơi lặng lẽ
dưới mái nhà của cha mẹ
mình đã được đặt tên…

Trên những con đường bao giờ cũng có một ngả rẽ giúp chúng ta nhìn thấy được
quê hương…
                                                                                                                        N.P.V

TRẦN DZẠ LỮ

Mẹ ra Giêng

Ngồi đây nhớ mẹ ra giêng
Ngày xưa, giá rét đi tìm lửa rơm
Đồng không, gió thổi ngang hồn
Thương con xa xứ, xe bon biệt mù...

Thắp đèn cố quận ngồi ru
Trăng treo Vỹ Dạ, mưa mù Nam Giao
Mẹ là cổ tích xưa, sau
Nhặt câu chánh niệm, đội đầu vô ưu

Mẹ ra giêng hết thần sầu
Bởi hương ngâu ngát nhiệm mầu cuối quê
Trái tim con giữ lời thề
Về nơi vườn cũ mà nghe kinh chiều

Mùa xuân bát ngát thương yêu
Đất lành sinh nở mọi điều từ tâm...
                                                T.D.L

NGUYỄN MINH KHIÊM

Giao thừa của cha

Tiếng cha rít thuốc lào nối hai thiên niên kỷ
cỗ cúng gia tiên thơm bánh giao thừa
mỗi câu chuyện ấp bao nhiêu quả trứng
lời mừng tuổi nhau túa lộc

giấc mơ năm mới tiền giắt đầy mâm ngũ quả
giọng cha cười vang như lễ hội
cha mừng mỗi đứa con một chữ “thắng”
rồi tới bàn thờ thắp hương cho đồng đội

bày ảnh gọi tên từng người trong từng trận đánh
trò chuyện ân tình như đang bên nhau ngồi cạnh
chiến hào
bao nhiêu người
cha rót bấy nhiêu chén rượu
mấy chục năm rồi
hồn các anh đang ở đâu?

bỗng cha khóc hu hu như trẻ nhỏ
nước mắt rơi lả chả xuống lòng tay
lời cha nghẹn đứt rời từng tiếng
cả nhà quay đi cho bố qua mắt bão

gõ đôi nạng gỗ vịn giường cha đứng dậy
tóc rối như bát hương
pháo hoa từng chùm hắt sáng
cha đứng như một cây súng
                                        N.M.K

;
;
.
.
.
.
.