Chữ lành chúc phúc đầu năm

.

Ngày càng muôn tía nghìn hồng những hình thức đón năm mới tao nhã, trang trọng, đầy ý nghĩa; trong đó phải kể đến thư pháp - một thú chơi chữ truyền thống được các “ông đồ” thời nay thể hiện, phảng phất chút Tết xưa trong Tết nay.

“Xuân về” là hai chữ... bình dân nhất, ai cũng có thể chưng Tết nhà mình.  Ảnh: V.T.L
“Xuân về” là hai chữ... bình dân nhất, ai cũng có thể chưng Tết nhà mình. Ảnh: V.T.L

Các tao nhân mặc khách ngày trước có lệ khai bút ngay sau lễ giao thừa. Áo dài khăn đóng, mực mài nghiên, bút sắp sẵn, trịnh trọng xông trầm, đốt nến, rồi “hoa tay thảo những nét” trên vuông giấy hoa tiên hoặc giấy dó. Đối với những người trời không phú cho cái “hoa tay”, muốn có một cái gì hay hay, đẹp đẹp mang ý nghĩa ngày lành tháng tốt đầu năm thì phải đi... xin chữ!

1. Nếu “ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên gần 90 mùa hoa đào ngày trước ngồi “bên phố đông người qua” thì những “ông đồ” của đất Đà thành ngày nay xuất hiện chủ yếu trong các hoạt động văn hóa - nghệ thuật.

Nhà thư pháp Văn Chi, Phó Chi hội trưởng Chi hội Thư pháp (Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng), Tết nào cũng khăn đóng áo dài sắm vai ông đồ ở Hội Hoa xuân tại Công viên 29-3 lúc chưa có đại dịch Covid-19. Năm nào ông cũng chuẩn bị sẵn một số câu thư pháp, thư họa liên quan đến con vật cầm tinh của năm mới. Như năm Nhâm Dần cầm tinh con Cọp, có câu “Hổ niên sự sự như nhân ý” - Năm hổ mọi sự như ý muốn của con người. Có điều, Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh phòng dịch bệnh nên các “ông đồ” chỉ tặng chữ trực tiếp cho một số bạn thân gần nhà hoặc tặng online cho một số khác ở xa để họ có cái chào năm mới trên mạng xã hội.

Ở Đà Nẵng, một trong những người có thâm niên “cho chữ” ngày xuân là nhà thư pháp Hồ Công Khanh, Chi hội trưởng Chi hội Thư pháp Đà Nẵng. Chiều 13-2 vừa qua, đến nhà ông trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), thấy bày biện đầy hoa và thư pháp, trong đó có loại thư pháp độc đáo viết trên đá, gọi là thạch thư. Là một trong những người tiên phong trong nghệ thuật thạch thư ở Đà Nẵng, ông cho rằng cách viết chữ trên đá này có hình thức độc đáo, bền vững, thẩm mỹ chuyển tải nội dung đầy thiền vị, nhiều triết lý, có tính bác học...

Năm nay, ông Khanh khai bút với 3 chữ Xuân An Lạc, gửi ước vọng một năm mới đầy yên vui. Ông bảo, người Việt mình thường tin vào các phong tục truyền thống để được một năm mới may mắn như: xông đất, xuất hành, xin chữ, hái lộc... Suốt 25 mùa hoa mai đi qua, ông đã viết không biết bao nhiêu chữ cho người yêu thư pháp trên cả nước, đặc biệt là người dân đất Đà thành. Tết nhứt, mọi người thích xin những chữ đẹp như: Xuân an vui, Vạn sự như ý, Đắc tài đắc lợi… Một số người muốn thoát ra cái lẽ thường tình xưa nay, bèn nhờ ông viết tên con cái của họ một cách “phượng múa rồng bay” như: Bình An, Yên Khê, Diệu Khê...

“Có một số người hầu như năm nào cũng đến xin chữ, mỗi năm mỗi chữ khác nhau. Họ bảo, xin chữ đầu năm thiêng liêng lắm, năm nào xin chữ chi là y như rằng năm đó mọi việc hanh thông ứng theo chữ đó. Ví như Tài lộc là được tiền của dồi dào, phúc lộc đầy đủ. Bình an là mọi việc từ ngoài đời đến trong lòng đều bình tĩnh an định”, ông dẫn lời một số khách đến xin chữ.

2. Trong ba chữ Phước, Lộc, Thọ, theo nhận định của “ông đồ” cao niên Nguyễn Tiến Lãng - một trong số ít người từng viết thư pháp chữ Hán ở Hội Hoa xuân Đà Nẵng, chữ Lộc được khách du xuân “xin” nhiều nhất mỗi khi Tết đến xuân về.

Sách Thuyết văn giải tự (Giảng giải ý nghĩa và phân tích hình thể chữ viết - cuốn tự điển chữ Hán xuất hiện đầu thế kỷ II trong thời nhà Hán) chép rằng “Lộc, phúc dã”, nghĩa là “Lộc chính là Phúc vậy”. Bởi lẽ, phúc giống như nguồn nước, lộc giống như đồ chứa nước. Ta lấy nước bằng đồ dùng gì thì sẽ có được nước mang hình thể như thế. Phúc là cái gốc, mà lộc chính là những cành lá hoa quả mọc ra từ cái gốc đó.

“Ông đồ” trẻ Nguyễn Tân Tiến, giáo viên Trường Tiểu học và THCS FPT Đà Nẵng cũng có cái nhìn tương tự. Quê Quảng Trị, tập tò viết thư pháp 10 năm trước, khi đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Tiến lúc đầu chỉ viết những chữ dễ như Cha Mẹ cùng với hai câu thơ như những dòng lạc khoản bên dưới: Công Cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Dần dà, khi đã “đủ lông đủ cánh” mới dám viết đến những chữ khó hơn.

Tết mấy năm trước, Tiến thường về quê, viết tặng bà con những chữ có nghĩa rất dễ hiểu như: Phúc, Lộc, Gia đình... Năm nay, anh ở lại làm “ông đồ” tại Phiên chợ ngày Tết 2022 diễn ra vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần tại Bảo tàng Đà Nẵng. Khách đến phiên chợ đầy sắc màu Tết Việt này phần lớn xin chữ An với hàm ý: An khang thịnh vượng, An lành, An nhiên tự tại... Nhiều người cũng chọn câu lục bát có nghĩa rất “đẹp”: Gia đình hạnh phúc bình yên/ Tài vô, Lộc đến, Phúc duyên tràn đầy.

Tết này Tiến tròn 3 tháng làm rể Đà Nẵng, anh khai bút bằng hai câu thơ kể chuyện tình duyên đời mình: Trăm năm kết nghĩa cau trầu/ Nguyễn Phan hai họ bắc cầu thông gia. Khách vợ anh đến thăm thấy dòng chữ lả lướt phía trên cảnh làng quê ven sông, bên cạnh có “con triện” vuông vức màu đỏ ghi hai chữ Tân Tiến, ai cũng bảo có chồng biết viết thư pháp đáng yêu thật!

Nhà thư pháp Hồ Công Khanh ước vọng một năm mới yên vui khi khai bút với 3 chữ Xuân An Lạc. Ảnh: V.T.L
Nhà thư pháp Hồ Công Khanh ước vọng một năm mới yên vui khi khai bút với 3 chữ Xuân An Lạc. Ảnh: V.T.L

3. Ngày xuân chữ nghĩa rất thiêng liêng, theo quan niệm dân gian, không phải bạ đâu cho đấy. Nghe tôi nhắc lại lời của Tiến, “trong các chữ thì chữ Đức là khó nhất, không phải cho ai cũng được mà tùy người”, ông Hồ Công Khanh cho biết, ông từng nói chuyện với anh em thư pháp Đà Nẵng về nghệ-thuật-cho-chữ rằng, mình nên học các ông đồ xưa, mỗi khi cho ai chữ gì cũng phải tìm hiểu xem người đó tâm tính ra sao, nghề nghiệp thế nào... mà viết chữ phù hợp chứ không phải họ ưng chi thì mình cho nấy. Người hở chút là gây sự thì không thể cho chữ Nhẫn. Người quanh năm suốt tháng buôn bán thì chỉ hợp với chữ Tài hoặc Lộc. Chữ Đức, chữ Tâm càng “kén” người xin hơn!

Người xưa rất chú trọng vấn đề đạo đức và làm gì cũng mong cầu được để đức cho con cháu. Hơn 20 năm “cho” chữ ở cà phê Trúc Lâm Viên - Đà Nẵng, từ khi quán còn ở trên đường Lê Đình Dương cho đến khi dời về đường Trần Quý Cáp, ông Khanh ít cho ai chữ Đức, chữ Tâm, mà khách cũng ít ai xin hai chữ quá “mắc” này. 27 tháng Chạp vừa rồi, do dịch bệnh nên chỉ tầm hơn 50 người đến nơi này xin ông chữ treo Tết, phần lớn là chữ An. Ai mà không mong cầu một năm mới bình an sau một năm đầy biến động bởi Covid-19.

Tối 14 tháng Giêng Nhâm Dần, ông cho chữ “mở hàng” tại chùa Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn nhân Ngày thơ Việt Nam 2022. Giữa không gian mênh mang thiền vị, chữ nghĩa cũng phảng phất màu triết lý nhân sinh. Ngoài những chữ thường tình như Khai hoa, Phú quý, một số khách viếng cảnh chùa chọn những chữ có nội hàm rộng hơn như Dân vi quý (Dân quý hơn hết), Vi nhân nan (Làm người khó),...

Chữ nghĩa ngày xuân là vậy. Khi được hỏi về chuyện khách xin chữ trả thù lao ra sao, các “ông đồ” mỉm cười, nói rằng tùy hỉ. Bởi lẽ, các ông không rắp tâm “bán chữ” và ngày xuân khách cũng không phải “trả giá”!

Trong cuốn Thi ca bình dân Việt Nam - Quyển 3: Vũ trụ quan (NXB Sống mới, Sài Gòn, 1970), hai tác giả Nguyễn Tấn Long và Phan Canh có chép câu ca dao: Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời mai sau. Trồng cây hạnh để làm kiểng chơi chỉ đôi ba năm, nhưng “trồng” cây đức có thể không nhìn thấy ngay kết quả mà sẽ để lại hương thơm trái ngọt cả đời cho con cháu mai sau. Người hiểu ý nghĩa sâu xa này mới xin chữ Đức. Đức trọng nhân trường thọ/ Tâm khoan phúc tự lai (Đức lớn thì người trường thọ/Tâm khoan dung thì phúc tự tìm đến)...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.